Từ những thông tin rải rác ở các
báo, có thể hình dung quy trình giải quyết nợ xấu đang được bàn luận sẽ như thế
này. Các ngân hàng thương mại hiện đang ôm một đống nợ xấu. Nay Ngân hàng Nhà
nước thành lập một công ty mua bán nợ xấu, tạm gọi là VAMC. Ngân hàng chuyển
giao cục nợ xấu theo giá trị sổ sách cho VAMC. VAMC thanh toán bằng một loại
trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng đem trái phiếu này ra NHNN chiết khấu lấy tiền
về kinh doanh tiếp. Vậy là khơi thông được một hòn đá tảng là gánh nặng nợ xấu
cho hệ thống ngân hàng?
Sự đời không đơn giản như vậy.
Chúng ta sẽ lần lượt xem những thành tố trong quy trình này có tác dụng thật sự
hay không trong thực tế.
Mua nợ xấu theo giá nào? Nợ xấu của ngân hàng có đủ loại, khả năng
thu hồi khác nhau, thời hạn khác nhau, giá trị thế chấp, khả năng thanh lý vật thế
chấp cũng khác nhau. Vì sao VAMC lại mua nợ xấu từ ngân hàng thành một cục, cứ
theo giá trị sổ sách? Bình thường công ty mua bán nợ sẽ điều đình với ngân
hàng, chẳng hạn, nợ quá xấu sẽ mua bằng 10%-20% giá trị, nợ xấu vừa vừa hai bên
thương lượng mua bằng 40%-50% giá trị. Khâu định giá như thế là rất quan trọng
đối với sự thành công hay thất bại của VAMC trong tương lai.
Vì sao VAMC trả bằng trái phiếu? Nếu VAMC trả tiền mua nợ xấu theo
giá sổ sách bằng trái phiếu bình thường thì hóa ra nợ xấu ngân hàng bây giờ
chuyển thành nợ xấu cho VAMC. Vì thế, theo các báo, trái phiếu VAMC sẽ rất đặc
biệt, lãi suất cực thấp, có thể bằng không, kỳ hạn 5 năm nhưng sau 5 năm thì
giá trị coi như không còn gì vì tự động mất hết giá trị. Mục đích của việc sinh
ra một loại trái phiếu kỳ lạ như thế ắt là để cục nợ xấu vẫn là trách nhiệm của
ngân hàng.
Trước mắt, sau khi chuyển nợ cho
VAMC, sổ sách của ngân hàng sẽ sạch sẽ hơn, ngân hàng có thể từ từ giải quyết
nợ xấu trong vòng 5 năm, mỗi năm một ít.
Nhưng cũng từ đó, có thể thấy
ngay đề án xử lý nợ xấu thực chất là trì hoãn mọi chuyện thêm 5 năm nữa với hy
vọng tình hình kinh tế khá lên, con nợ trả được nợ, còn nếu không lúc đó sẽ có
đề án khác chăng? Đây chẳng qua là cách kéo giãn thời gian các ngân hàng phải
ghi nhận thua lỗ do nợ xấu.
NHNN chiết khấu trái phiếu VAMC như thế nào? Khi ngân hàng đem trái
phiếu VAMC lên NHNN để chiết khấu, có lẽ tỷ lệ nhận được sẽ chỉ còn dưới 50%
hay thấp hơn. Tỷ lệ này phản ánh khả năng thu hồi nợ sau này. Nhưng dù tỷ lệ có
thấp thì rõ ràng NHNN cũng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Số tiền này
ảnh hưởng như thế nào đến cung tiền hằng năm, chưa thấy phân tích. Bởi VAMC
cùng các ngân hàng xử lý nợ xấu nên về nguyên tắc, xử lý được bao nhiêu, VAMC
hưởng một phần hoa hồng, phần còn lại chuyển trả cho trái phiếu đặc biệt kia (tức
trả cho khoản vay chiết khấu) theo dạng trích lập mỗi năm chừng 20% giá trị. Lãi
suất trên khoản tiền này là lãi suất chiết khấu nên ắt sẽ thấp – vì sao ngân
hàng được ưu đãi này trong khi nợ xấu là trách nhiệm của họ. Quan trọng hơn,
nếu ngân hàng không xử lý được nợ xấu, thì khoản vay chiết khấu tại NHNN sẽ
được trả như thế nào? Đây là một rủi ro khá lớn sẽ hiển hiện trong 5 năm nữa.
Vì sao nói tay này bỏ sang tay kia? Đánh giá đề án xử lý nợ xấu, các
chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định đây chỉ là những thủ thuật kế toán
để tạm thời đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Thực
chất NHNN vẫn phải rót tiền cho các ngân hàng mà các ngân hàng không phải trả
giá gì nhiều. Lẽ ra, theo các chuyên gia này, NHNN rót tiền và yêu cầu chủ sở
hữu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sở hữu tương ứng, số cổ phần này chuyển giao
cho NHNN sở hữu. Chủ các ngân hàng từng cho vay bất chấp rủi ro thì nay phải
gánh phần trách nhiệm chính, dù có thể phải chịu mất hết vốn.
TS Lê Hồng Giang, giám đốc quản
lý một danh mục đầu tư ở Úc, nhận xét: “Một loại trái phiếu không trả lãi lẫn
gốc thì trên thực tế chỉ là một "thư giới thiệu" của VAMC cho ngân
hàng cầm đến NHNN vay nợ. Ngân hàng chấp nhận chuyển tất cả nợ xấu sang VAMC để
có được những bức thư giới thiệu này với hi vọng có tiền chiết khấu từ NHNN trong
5 năm thì họ có thể sẽ làm ăn có lãi và trả được khoản nợ cho NHNN, khoản nợ
này thực ra là nợ không thế chấp. Nếu ngân hàng vẫn tiếp tục khó khăn và không
trả được nợ coi như NHNN sẽ mất khoản cho vay đó”.
Giảng viên Đỗ Thiên Anh Tuấn của
chương trình giảng dạy Fulbright đưa ra gợi ý: “Mấu chốt ở đây là, thay vì giá
trị đáo hạn trái phiếu bằng 0 thì giá trị này cần phải dựa vào giá trị và xác
suất thu hồi nợ. Tức nói chung cần phải định giá nợ theo tiêu chuẩn thị trường.
Khi giá trị trái phiếu đáo hạn được xác định dựa trên cơ sở như vậy thì các
ngân hàng sẽ dễ cân nhắc nắm giữ trái phiếu và chấp nhận trích lập dự phòng rủi
ro, trong khi đó, NHNN cũng không phải chịu thiệt hại, mà bản thân VAMC cũng có
động cơ xử lý nợ để hoàn trả nợ trái phiếu”.
Giải quyết nợ xấu trước hết là
trách nhiệm của các ngân hàng đã từng phóng tay cho vay những khoản nay trở
thành nợ xấu, trừ phi đó là những khoản vay chỉ định. Họ phải đóng vai chủ động
hơn nữa trong một đề án xử lý nợ xấu hiệu quả, chứ không phải chỉ kêu gọi,
“trăm sự nhờ ngân hàng”.