Thursday, January 10, 2013

Phải cúi đầu xin lỗi các em


Tôi nghĩ đây là chuyện quan trọng. Nếu chúng ta không ý thức được quyền trẻ em, quyền con người ở những câu chuyện cụ thể như thế này; nếu thầy cô giáo không biết quyền của mình để bảo vệ học sinh thì đừng trông mong gì vào chuyện xây dựng một xã hội dân chủ ở Việt Nam.
Phải cúi đầu xin lỗi các em
Khó đè nén được sự giận dữ và cảm giác bất lực khi đọc bài “Hàng trăm học sinh bất ngờ bị... lấy máu” trên báo Công an TPHCM nhưng tự nhủ phải bình tĩnh chờ thông tin kiểm chứng. Sau đó báo Dân Trí có bài “Sự thật về chuyện ‘hàng trăm học sinh bất ngờ bị…lấy máu’” mang tính “nói lại cho rõ” bài trên báo Công an TPHCM. Mặc dù mang tính thanh minh như thế, một sự thật đau lòng đã hiện ra từ hai bài báo.
Trường Đại học Y khoa Vinh tổ chức lấy mẫu máu của hơn 200 em học sinh tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhằm phục vụ cho một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhóm cán bộ kỹ thuật viên đi lấy máu chỉ báo cáo với UBND huyện và một số nơi khác, sau đó cứ thế xuống hai trường xắn tay áo các em lên để lấy máu như thừa nhận của ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh, “khi đoàn bác sĩ và kỹ thuật viên đến trường là thực hiện đồng loạt việc lấy mẫu máu ngay”.
Nay ông Vinh thừa nhận có “thiếu sót” về tuyên truyền, vận động cho học sinh, phụ huynh!
Như thế mà gọi là “thiếu sót”?
Hành động như thế là sự cưỡng bức học sinh tham gia vào một cuộc thí nghiệm ngoài ý muốn của các em, hoàn toàn có thể bị truy tố trước pháp luật, đáng bị cộng đồng khoa học và dư luận lên án mạnh mẽ.
Một khi xâm phạm vào thân thể học sinh, mà ở đây là học sinh cấp 1, cấp 2, thì trước hết phải có sự đồng ý của các em. Nhưng do các em còn nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, đồng thời phải có sự đồng ý của cha mẹ hay người giám hộ các em. Nếu chưa có sự đồng ý này mà nhóm cán bộ, kỹ thuật viên cứ “đè” các em ra để lấy máu thì nay phải xuống tận nơi xin lỗi các em và chịu mọi trách nhiệm, cả vật chất và tinh thần mà việc lấy máu đã gây ra ở các em. Thử tưởng tượng cảnh chúng ta đang ở trong một môi trường bình thường, bỗng đâu có một nhóm người đến, kim tiêm, dây nhợ đủ thứ, rồi chích tay lấy máu mà không hỏi ý kiến, không giải thích một lời, ai mà không hãi hùng. Thật sự đây là một cú sốc tâm lý nên các em sau này mới kể lại cho phóng viên báo Công an TPHCM qua những chi tiết có thể không chính xác.
Một sự thật đau lòng là nền giáo dục nước ta chỉ chăm chăm chuyện từ chương mà quên đi những kỹ năng cơ bản của cuộc sống. Một trong những kỹ năng cần rèn luyện ngay từ nhỏ là ý thức về quyền con người, quyền không sợ hãi. Nếu các em ý thức được quyền của mình, làm sao ai cả gan xắn tay các em lên để lấy máu. Và nếu nền giáo dục trang bị cho các em ý thức đó cùng các biện pháp tự vệ, ít nhất cũng ngăn ngừa phần nào các vụ xâm hại tình dục, các vụ cưỡng bức lao động, các vụ ức hiếp trẻ em. Thầy cô giáo, nếu ý thức được quyền trẻ em, đã không để cho việc lấy máu các em xảy ra. Một hiệu trưởng bản lĩnh ắt đã buộc đoàn lấy máu tuân thủ các quy trình nghiêm nhặt như giải thích cặn kẽ rồi xin phép phụ huynh bằng văn bản, sàng lọc học sinh, hỏi han sức khỏe các em, chuẩn bị cho việc lấy máu một cách khoa học.
Thử tưởng tượng câu chuyện này xảy ra ở một trường quốc tế tại TPHCM hay Hà Nội. Liệu người ta có dám làm ẩu như thế không? Liệu hiệu trưởng và các thầy cô giáo có cho phép người ta vào trường lấy máu học sinh mà không xin phép phụ huynh như thế hay không?
Bài viết trên báo Công an TPHCM, dù nêu trúng bản chất vấn đề nhưng có một vài chi tiết chắc là không chính xác như lấy máu từng xô, một kim tiêm dùng chung cho cả chục em. Nay một số cán bộ địa phương vin vào đó để tô đậm chuyện không chính xác của bài báo.
Nhưng bản chất sự việc là không thay đổi: Người lớn đã làm sai, nay phải xin lỗi và chấm dứt cách làm sai trái này, cả trong thực tế và trong suy nghĩ về quyền con người.

Cập nhật: Ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh đã vừa không xin phép học sinh khi cho người lấy máu các em nay còn tuyên bố rất ẩu. Ông này nói với báo Lao động rằng có đến 9,7% số học sinh bị lấy máu xét nghiệm có dấu hiệu mắc bệnh Thalassemia. Báo trích lời ông này: “Chúng tôi chưa biết chọn cách gì để thông báo với gia đình các em đây, bệnh này nhạy cảm lắm. Nếu không được chữa trị, lớn lên nếu biết, không ai dám kết hôn với các em đâu; vì bệnh này có thể làm suy thoái giống nòi. Nguy hiểm thế đấy!”
Y đức và nguyên tắc làm việc của ông này ở đâu? Trong khi chưa thông báo cho người bệnh biết, sao có thể công khai thông tin bệnh tình của người ta được chứ? Ông ta muốn 213 em học sinh sau cú choáng bị lấy máu nay hoang mang không biết mình có nằm trong 9,7% này không? Tại sao có thể nhẫn tâm tuyên bố như thế với báo chí? Con số này có đúng không hay ông Tài hù dọa người ta để họ quên lỗi lầm của các ông đi?

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...