Thursday, November 4, 2010

Thí điểm nay đã 5 năm

Thí điểm nay đã 5 năm

Chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời từ năm 2005 đến nay đã năm năm trôi qua nhưng vẫn chưa có một tổng kết chính thức nào về mô hình này.

Chưa sơ kết lấy đâu ra tổng kết

Còn nhớ đầu năm nay, Chính phủ đề ra một chương trình hành động rất cụ thể, với những cột mốc rõ ràng: Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế trong tháng 9-2010, nơi chủ trì là Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nơi phối hợp là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính. Một đầu việc khác, được giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì là “Rà soát, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, cũng phải làm xong trong tháng 9-2010. Cụ thể hơn, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ “Đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, hoàn tất trong quý 2-2010.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy kết quả gì từ những phần việc mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành. Giả thử các cơ quan này làm xong phần việc được giao thì cũng đã quá muộn so với thời gian năm năm các tập đoàn hoạt động theo dạng thí điểm. Trước đó, cũng đã có nhiều yêu cầu sơ kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhưng cũng không có một kết luận nào cụ thể.

Trong thực tế, cho đến nay đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập (xem bảng). Trong suốt thời gian đó, các tập đoàn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước bởi mãi đến cuối năm 2009, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế. Đến nay khi Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, mọi doanh nghiệp phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì cơ sở pháp lý của việc thành lập các tập đoàn càng mơ hồ hơn nữa.

Điều khiến nhiều người thắc mắc nhất là chuyện tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân. Nghị định 102 vừa mới ban hành và Nghị định 139 năm 2007 đều quy định như nhau, gần với thông lệ quốc tế, cụ thể:

1. Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con.

2. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.

Vì sao không có tư cách pháp nhân?

Trước khi phân tích các tập đoàn kinh tế ở nước ta, hãy xem thông lệ quốc tế về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn như thế nào. Lấy ví dụ Google rõ ràng là một tập đoàn lớn trong ngành công nghệ thông tin. Nay Google mua lại một hãng XYZ nào đó (như khi mua YouTube), tất nhiên về mặt danh nghĩa XYZ nay thuộc tập đoàn Google nhưng về mặt pháp lý, XYZ vẫn là một pháp nhân độc lập, chỉ có chủ sở hữu là Google mà thôi, nó không liên quan gì đến Google về mặt luật pháp cả. Chỉ khi Google làm báo cáo tài chính tổng hợp thì mới tích hợp kết quả kinh doanh của XYZ vào.

Hay lấy một công ty khác. Sony Vietnam là một pháp nhân độc lập, nó liên quan đến tập đoàn Sony ở góc độ vốn hay công nghệ hay nhân sự… tức toàn chuyện nội bộ. Tập đoàn Sony (Sony Corporation) là công ty mẹ, chuyên về điện tử và đóng vai trò đầu tư vào các công ty Sony khác như Sony Music hay Sony Ericsson. Tất cả làm nên Sony Group (không có tư cách pháp nhân vì không do ai đứng ra thành lập cả).

Ở Việt Nam cũng vậy. Lấy ví dụ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, theo giới thiệu của trang web của Chính phủ, gồm 10 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 69 công ty con, công ty liên kết. Các công ty con của tập đoàn này như công ty Dệt Nam Định, Công ty Dệt Việt Thắng mặc dù do Tập đoàn Dệt May nắm giữ 100% vốn điều lệ vẫn là các công ty TNHH một thành viên, tức là những pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi mặt cho hoạt động của mình.

Hay Công ty Len Việt Nam, cũng được xem là thành viên của Tập đoàn Dệt May nhưng thuộc loại doanh nghiệp mà tập đoàn này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, còn Công ty cổ phần May Thời trang thuộc loại doanh nghiệp mà tập đoàn chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thậm chí các đơn vị sự nghiệp như Viện Mẫu thời trang cũng là thành viên của tập đoàn.

Việc tập hợp các doanh nghiệp khác nhau như thế vào một nhóm các công ty (tức là tập đoàn) chỉ là việc họ tự thỏa thuận với nhau chứ làm sao hình thành từ một quyết định hành chính được.

Đang có sự nhầm lẫn rất lớn

Ở đây cần phân biệt Tập đoàn Dệt May Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) với công ty mẹ - cũng mang tên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (có tư cách pháp nhân, được thành lập trên cơ sở Tổng công ty Dệt May Việt Nam). Lẫn lộn giữa hai thực thể này đã và sẽ là đầu mối cho muôn vàn trục trặc trong thực tế.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) không ký kết hợp đồng được với ai cả (không có tư cách pháp nhân, không có con dấu làm sao ký); không được đứng ra vay nợ cho ai; nói tóm lại là không làm được gì trong thực tế cả. Không thể nào ra quyết định thành lập một thực thể như thế được.

Rõ ràng sự nhầm lẫn giữa công ty mẹ và cái gọi là tập đoàn bao trùm vì cả hai được đặt tên giống nhau đang gây khó khăn cho việc tổng kết mô hình tập đoàn. Đã không có tư cách pháp nhân thì liệu có có hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị được không? Cũng tương tự, làm gì có chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc một thực thể không có tư cách pháp nhân. Và lấy ví dụ Vinashin, không có tư cách pháp nhân thì làm gì có chuyện phá sản. Tất cả những điều này là do không phân biệt rạch ròi giữa Vinashin là công ty mẹ và Vinashin (là tập hợp trên 400 công ty lớn nhỏ). Hay lấy ví dụ hàng chục công ty mà Vinashin từng “góp vốn bằng thương hiệu”. Nếu tính cho cả tập đoàn, xem ra phải cộng tài sản của các công ty này vào nhưng đối với công ty mẹ Vinashin, chúng không làm tăng một chút tài sản nào cả.

Như vậy, giải pháp rõ ràng nhất là quay về với cách làm theo thông lệ quốc tế. Trước mắt phải yêu cầu các công ty mẹ trong các tập đoàn không được sử dụng từ tập đoàn trong tên gọi của mình để tránh nhầm lẫn. Gọi tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thì phải hiểu đó là tập hợp nhiều công ty; còn công ty mẹ gọi bằng một tên khác như Tổng công ty Bưu chính Viễn Thông hay một danh xưng nào đó. Đọc lại các quyết định thành lập các tập đoàn, chúng ta sẽ thấy nếu không xác định rõ chuyện này, các nội dung quyết định sẽ bị vô hiệu hóa. Chẳng hạn, hội đồng quản trị được thành lập phải là hội đồng quản trị của công ty mẹ chứ không phải là hội đồng quản trị của tập đoàn.

Lúc đó, các tập đoàn là tập hợp các doanh nghiệp trên cơ sở tự thỏa thuận với nhau chứ không thể hình thành từ một quyết định hành chính. Công ty mẹ sẽ có quan hệ với các công ty con, công ty liên kết bằng vốn, bằng con người… Có như vậy mới hy vọng các bộ, ngành sẽ tổng kết được mô hình tập đoàn của Việt Nam.

------

Bảng

Các tập đoàn kinh tế nhà nước

  1. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam
  2. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
  3. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam
  4. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
  5. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
  6. Tập đoàn Dệt- May Việt Nam
  7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
  8. Tập đoàn Bảo Việt
  9. Tập đoàn Viễn thông quân đội
  10. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
  11. Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam
  12. Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...