Friday, November 5, 2010

Những hiểu nhầm thường gặp

Những hiểu nhầm thường gặp

Thế nào là phá sản?

Chỉ một khái niệm đơn giản như thế, sao các chuyên gia kinh tế cứ nói khi thế này, khi thế khác?

Theo Luật Phá sản của Việt Nam, “doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.

Ai có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản? Đó là chủ nợ, người lao động, chủ doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, cổ đông công ty cổ phần, thành viên công ty hợp danh.

Lấy một ví dụ được đơn giản hóa, một doanh nghiệp A, có vốn 50 đồng, vay thêm ngân hàng 50 đồng để mua một chiếc xe ba gác về chở hàng thuê. Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này (thì cứ gọi như vậy cho trang trọng) sẽ như sau:

Tài sản

Nợ + Vốn

Xe ba gác: 100 đồng

Nợ ngân hàng: 50 đồng

Vốn: 50 đồng

Cộng: 100 đồng

Cộng: 100 đồng

Hai cột này luôn luôn bằng nhau, chứ không phải như một vị chuyên gia nói: “Tổng tài sản hiện đang có lớn hơn tài sản nợ, cộng với vốn chủ sở hữu thì nó vẫn còn số dư”!

Nay không được sử dụng xe ba gác để chở hàng nữa, xe bán lại, người ta chỉ mua với giá 30 đồng thì ngay lập tức ngân hàng có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục tuyên bố doanh nghiệp này phá sản.

Vì vậy với Vinashin, để biết tập đoàn này đã lâm vào tình trạng phá sản chưa, chỉ cần hỏi hai câu: 1/ Trong thời gian tới, chẳng hạn, 6 tháng tới, nợ tới hạn phải trả là bao nhiêu? 2/ Dòng tiền của Vinashin trong thời gian đó có đủ để trả số nợ này không?

GDP và lạm phát

“GDP tăng trên 6,5% nhưng lạm phát cũng tăng khoảng 8%, hoặc hơn thế nữa thì cuộc sống của xã hội không khá hơn bao nhiêu”.

Câu nói này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm nhưng cũng có thể nói đúng thực chất tăng trưởng ở Việt Nam.

Tăng trưởng GDP là tính theo giá so sánh, tức là đã khử yếu tố lạm phát đi rồi.

GDP hằng năm được Tổng cục Thống kê công bố theo hai con số, giá thực tếgiá so sánh (với giá năm 1994). Ví dụ GDP năm 2008 so với GDP năm 2007 theo giá thực tế tăng đến 29,6% nhưng theo giá thực tế chỉ tăng 6,3%. Cái chúng ta thường nghe về tăng trưởng GDP là theo giá so sánh nên để cạnh lạm phát e rằng có người hiểu nhầm lạm phát mà cao hơn tăng trưởng GDP tức tăng trưởng âm!!!

Nhưng GDP đầu người lại tính theo giá thực tế, cho nên mới nghe mỗi người chúng ta nay đã có thu nhập trên 1.000/năm. Và vì thế đối với đại đa số người làm công ăn lương, thu nhập đâu có tăng theo lạm phát nên cho dù các ông thống kê nói thu nhập đầu người tăng, lạm phát thật sự đang ăn vào thu nhập của mỗi người.

Nói thêm về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất

So với báo cáo cũ, báo cáo của Chính phủ về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc trước Quốc hội vào hôm qua đã có một số thay đổi. Không còn thấy nhắc gì đến khoản tổng thu ngân sách của dự án lên đến 27,8 tỷ đô-la nữa. Cũng không còn khoản giá trị quyết toán chỉ là 43,8 ngàn tỷ đồng, giảm đến 8 ngàn tỷ đồng (tương đương giảm gần 500 triệu đô-la) mà chỉ ghi chung chung “Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa”.

Với người lạc quan, có thể nhận định báo cáo Chính phủ đã tiếp thu những góp ý trước đó khi báo cáo được đưa ra thảo luận vào ngày 18-10. Nhưng thực chất vấn đề không mất đi, chỉ là sự trì hoãn, vì báo cáo hứa phần này chủ đầu tư sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn thành việc quyết toán công trình, dự kiến vào tháng 12 tới. Thôi đành chờ vậy.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...