Sunday, November 28, 2010

Phải tự mình thiết kế chiến lược

Phải tự mình thiết kế chiến lược

Giáo sư Michael Porter, người được mệnh danh là cha đẻ chiến lược cạnh tranh, sẽ trở lại Việt Nam chủ trì hội thảo “Cạnh tranh và chiến lược doanh nghiệp ngày nay” sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29-10. Ông cũng sẽ đồng chủ trì buổi công bố Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010 vào ngày hôm sau cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. TBKTSG được ông dành riêng cuộc phỏng vấn qua thư trước chuyến đi.

TBKTSG: So với chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2008, lần này Giáo sư sẽ đưa ra những điểm gì mới?

GS Michael Porter: Việt Nam đang ở vào một thời điểm quan trọng về mặt phát triển và tôi hy vọng những doanh nhân tham dự hội thảo sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về chiến lược để đưa doanh nghiệp đạt được những thành công bền vững trong giai đoạn đầy biến động này. Ngoài ra, Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam mà tôi có vinh dự trình bày tại Hà Nội vào ngày 30-10 trước lãnh đạo Chính phủ sẽ cung cấp một phân tích sâu về vị thế hiện nay của Việt Nam và đưa ra những giải pháp cụ thể cho con đường phía trước.

TBKTSG: Nói về vị thế hiện nay của Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy trào lưu mậu dịch tự do” (GS Trần Văn Thọ). Điều chuyên gia này muốn nói là với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nền kinh tế mạnh, lợi thế so sánh của các nước Đông Á đang phải chuyển dịch nhanh để thích ứng. Trong khi đó, lợi thế so sánh của Việt Nam vẫn là nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn. Nguy cơ của cái bẫy này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn.

- Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hai thập niên vừa qua, với những cải cách rộng lớn trong nước và mở cửa cho bên ngoài thông qua việc gia nhập WTO và các biện pháp khác. Từ chỗ là nền kinh tế khép kín, quản lý tập trung, Việt Nam đã trở thành một bộ phận sinh động của nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này đã đem lại những lợi ích to lớn cho nhiều người dân Việt Nam. Thu nhập bình quân đã tăng lên và tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể.

Trong khi mô hình kinh tế này vẫn còn một ít tiềm năng, ngày càng có dấu hiệu cho thấy nó không còn nhiều động lực nữa. Tuy nhiên, xem những thử thách đang xuất hiện này là dấu hiệu của một cái “bẫy mậu dịch tự do” là sai lầm lớn. Cho đến nay, mở cửa nền kinh tế là yếu tố then chốt cho thành công của Việt Nam. Và mở cửa vẫn còn là sự cần thiết để đạt được sự thịnh vượng trong tương lai. Nhưng như vậy là chưa đủ - và đây là điểm rất quan trọng,

Đến giai đoạn phát triển này, Việt Nam đang đối diện một loạt những thách thức quan trọng rất khác với trước. Việt Nam phải vượt lên cách cạnh tranh chỉ dựa vào những thuận lợi được thừa hưởng từ trước – chủ yếu là lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ - và bắt đầu xây dựng những thế mạnh và năng lực riêng của mình cũng như một môi trường kinh doanh chất lượng cao hơn nhiều. Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam cung cấp câu trả lời đầy đủ hơn.

TBKTSG: Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong bối cảnh các nước đang phải đối phó với nhiều vấn đề mới, chiến tranh tiền tệ là một ví dụ, trong đó lợi thế cạnh tranh có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bằng sự tăng giảm một vài phần trăm trong tỷ giá hối đoái. Giáo sư có nghĩ mô hình cạnh tranh vẫn còn có thể phát huy tác dụng trong một bối cảnh như thế?

- Như mọi quốc gia tham dự vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần quan tâm đến những mất cân đối toàn cầu quan trọng. Việc rơi trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cho đến nay đã không xảy ra nhưng biến động tỷ giá lớn rõ ràng là một quan ngại. Việt Nam ít có ảnh hưởng đến việc tiến đến một cấu trúc kinh tế toàn cầu bền vững hơn bởi các quyết định lớn như thế được đưa ra ở Bắc Kinh, Washington hay tại cuộc họp G-20 ở Seoul. Cách bảo vệ hay nhất của Việt Nam trước những xu hướng kinh tế toàn cầu là nhắm đến tính cạnh tranh dài hạn của mình.

Cạnh tranh là động lực thúc đẩy tăng trưởng thịnh vượng dài hạn, chứ không phải là tỷ giá ngắn hạn. Đất nước càng cạnh tranh cao, thì nền kinh tế càng ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Chỉ cần nhìn vào Đức và Thụy Điển, hai nước này vẫn rất giàu có và đang thặng dư mậu dịch bất kể tỷ giá tăng lên.

TBKTSG: Doanh nghiệp trên thế giới đang thay đổi mô hình hoạt động, họ định nghĩa lại năng lực cạnh tranh khi năng suất không còn quan trọng bằng cải tiến công nghệ như trường hợp Apple chẳng hạn. Trong hai năm qua, quan điểm của Giáo sư về lý thuyết cạnh tranh có thay đổi theo chăng?

- Với doanh nghiệp bất kỳ đâu, những năm vừa qua là một thử thách khắc nghiệt. Đơn hàng giảm mạnh, tín dụng hạn chế, nhiều công ty phải điều chỉnh giảm mạnh quy mô hoạt động. Công ty nào nổi lên là doanh nghiệp mạnh nhất là công ty có chiến lược rõ ràng và bám theo chiến lược này. Định vị một cách khác biệt trên thương trường, tập trung vào đó giúp họ biết nên cắt giảm lãnh vực nào trong khi duy trì những hoạt động thiết yếu cho giá trị công ty. Những công ty như thế đang tăng thị phần, chiếm được từ đối thủ chỉ biết cắt giảm tùy tiện.

Tại những nước như Việt Nam, doanh nghiệp còn phải làm nhiều trong khía cạnh học hỏi những tập quán tốt nhất trong quản trị, công nghệ và hoạt động. Toàn cầu hóa giúp việc tiếp cận những tập quán này dễ dàng hơn nhiều. Những công ty nào tiếp thu thành công những tập quán tốt theo đúng tình hình riêng của đất nước mình, của ngành mình sẽ thu lượm nhiều lợi ích đáng kể, sẽ nâng được năng suất và lợi nhuận. Công ty nào khéo léo ứng dụng tập quán toàn cầu vào những tập quán địa phương sẽ cạnh tranh hơn hẳn không những các đối thủ trong nước mà ngay cả các tập đoàn đa quốc gia nữa. Đây là loại cải tiến, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ rất quan trọng ở Việt Nam trong nhiều năm tới.

TBKTSG: Dĩ nhiên doanh nghiệp trong nước không thể và không nên trông chờ Giáo sư trao cho họ phương thuốc cạnh tranh nhiệm màu có thể giúp họ trở nên cạnh tranh tốt trong chốc lát. Nhưng họ kỳ vọng Giáo sư sẽ cụ thể hóa lý thuyết của Giáo sư với những đặc điểm địa phương thành một dạng lý thuyết giúp họ có thể nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam.

- Suy cho cùng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng cho mình các chiến lược đúng đắn. Thành công hôm nay vẫn dựa vào việc tận dụng những cơ hội ngắn hạn thay vì phát triển trên nền tảng lợi thế cạnh tranh bền vững. Nền kinh tế như Việt Nam càng phát triển, cách tiếp cận này càng khó thành công. Các hiểu biết cơ bản về chiến lược là bất biến. Tuy nhiên, các chọn lựa chiến lược cụ thể có thể và thật sự thay đổi khi công nghệ và thị trường thay đổi. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu các quy luật cơ bản của chiến lược thay vì trở thành nạn nhân của các trào lưu thời thượng trong quản trị. Những nhà quản trị nào hiểu được những nguyên tắc này sẽ có cơ hội to lớn để phát triển các chiến lược độc đáo phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

NVP thực hiện

Box

Học viện Năng lực Cạnh tranh châu Á (ACI) Singapore đã phối hợp với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010 với sự chỉ đạo về chuyên môn của Giáo sư Michael Porter.

Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam là báo cáo quốc gia đầu tiên được xây dựng nhằm đánh giá toàn diện và sâu sắc năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các khía cạnh, đồng thời để xuất một chương trình hành động tổng thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì đà tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Ngày 30-11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với hai viện nghiên cứu này tổ chức hội thảo công bố báo cáo. Hội thảo do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Giáo sư Michael Porter đồng chủ trì.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...