Saturday, November 13, 2010

Ứng xử như thế nào với vàng?

Ứng xử như thế nào với vàng?

Tạm thời để qua một bên những biến động đầy kịch tính của giá vàng trong hai ngày đầu tuần này, giá vàng ở Việt Nam có những đặc điểm khác các nước khác.

Khi chứng khoán lên giá vùn vụt, không ngừng nghỉ, có hiện tượng người sở hữu chứng khoán mạnh tay tiêu xài vì thấy tài sản của họ tăng nhanh, qua đêm họ biến thành triệu phú. Chuyện này đã từng xảy ra như đợt bùng nổ giá cổ phiếu các công ty Internet (gọi là đợt bùng nổ dot.com) ở Mỹ hay ở Việt Nam lúc chỉ số Vn-Index vượt quá con số 1.000.

Chưa thấy ai nghiên cứu, khảo sát nhưng có lẽ cũng đang có tâm lý tương tự với những ai đang sở hữu vàng. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, người dân Việt Nam đang sở hữu 1.000 tấn vàng trị giá trên 45 tỉ đô la Mỹ! Một tấn vàng bằng chừng 32.150 ounce vàng. Giả dụ mới đây 1 ounce vàng có giá 1.000 đô la, tài sản bằng vàng của dân Việt Nam là 32 tỉ đô la, nay 1 ounce có giá 1.400 đô la, khối tài sản này tự nhiên tăng thêm 13 tỉ đô la nữa.

Nhìn vào những con số này, có thể rút ra một số kết luận. Sở hữu vàng nhiều như thế cho nên không lạ gì khi tin tức về giá vàng luôn được đăng tải nhanh, đầy đủ trên báo như thể nó là giá của một cổ phiếu nóng mà rất nhiều người đang nắm giữ. Tin tức ở các nước khác, không hề có chuyện dồn dập, liên tục nói về giá vàng như thế. Tin tức dồn dập đã kích thích tâm lý đầu cơ nhỏ lẻ theo đúng kịch bản giới đầu cơ chuyên nghiệp mong muốn.

Thứ hai, giá vàng tăng là điều đáng mừng cho những ai nắm giữ vàng chứ không có gì đáng lo ngại cả, ngay cả với người dân chỉ có một hai chỉ vàng lận lưng. Vàng chủ yếu trở thành phương tiện cất giữ tài sản chứ không còn là phương tiện thanh toán nữa. Giá vàng tăng từng giờ, mang vẻ kịch tính trên báo chí, là câu chuyện đầu môi khi mọi người gặp nhau nhưng thật sự việc mua bán vàng trên thị trường chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Ở Việt Nam còn có một đặc thù khác nhiều nước khác khi người dân có thể gửi vàng vào ngân hàng, hưởng một lãi suất khá cao. Chuyện này cũng có ở Ấn Độ, xứ sở của vàng, nhưng với quy mô rất nhỏ. Một khi vàng đi vào ngân hàng như thế, sẽ có chuyện cho vay bằng vàng, chuyển vàng thành tiền cho vay… Mà như vậy thì rất có khả năng vàng góp phần làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế. Cung tiền tăng, lại không nằm trong vòng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước như thế ắt sẽ góp phần tạo ra lạm phát.

Chính vì thế Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, không cho phép ngân hàng chuyển đổi vàng huy động được thành tiền đồng hay các hình thức tiền khác, là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, một chính sách mới ra đời lúc nào cũng có những hiệu ứng phụ. Với Thông tư 22, chắc chắn trước sau gì, các ngân hàng sẽ giảm dần lãi suất huy động vàng, người dân cũng sẽ không mặn mà chuyện gửi vàng vào ngân hàng nữa. Thời điểm xảy ra chuyện này nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng con số 92,6 tấn vàng (tương đương 73.000 tỷ đồng) được huy động, rồi 60% con số này đã được cho vay, 30% được chuyển đổi thành tiền… đã và đang là áp lực làm tăng giá vàng trong ngắn hạn khi ngân hàng phải làm động tác ngược lại để chuẩn bị trả vàng cho người gửi.

So sánh mức tăng, giảm của giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế sẽ cho thấy điều này. Ở thời điểm giá vàng trong nước tăng vọt vào sáng thứ Ba, lên đến 38,2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế đến 2 triệu đồng/lượng, còn nếu tính theo tỷ giá chính thức, mức chênh lệch này còn cao hơn nữa.

Rõ ràng giới đầu cơ đã nhận ra một cơ hội thao túng giá vàng để hưởng lợi và thực tế giá vàng đã có lúc bị đẩy tới mức kỷ lục như thế. Có thể kết luận giá vàng bị giới đầu cơ thao túng vì ngay sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập vàng “với khối lượng phù hợp”, giá vàng xì bong bóng, giảm ngay trên 1 triệu đồng/lượng. Điều nguy hiểm là giá vàng tăng như thế đã tác động mạnh lên tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ, là điều mà Chính phủ đang nỗ lực để can thiệp.

Để triệt tiêu nạn đầu cơ, không thể dựa vào mệnh lệnh hành chính mà phải triệt tiêu những cơ hội không để giới đầu cơ tận dụng một chiều hay nói cách khác, phải làm cho việc đầu cơ là hoạt động mang tính rủi ro cao nhất, làm giới đầu cơ chùn tay. Trên thị trường một khi có xu hướng đầu cơ giá lên thì cũng sẽ xuất hiện xu hướng đầu cơ giá xuống. Giả thử các ngân hàng vẫn còn có thể cho vay vàng, sẽ có người khi thấy giá vàng lên cao bất thường, sẽ vay vàng và bán ra. Hai lực trái chiều nhau này sẽ giúp thị trường đi vào cân bằng và ổn định.

Thế nhưng Thông tư 22 đã khóa chặt cửa cho vay vàng và trước đó, ngân hàng cũng không còn được quyền phòng tránh rủi ro thông qua hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Thiết nghĩ, dự trữ ngoại tệ không thể đem ra nhập vàng trong bối cảnh thâm hụt cán cân thanh toán như hiện nay. Việc nhập vàng vật chất cũng không hề cần thiết trong thời đại ngày nay. Thay vào đó nên điều chỉnh Thông tư 22 và cho phép ngân hàng sử dụng các công cụ phòng tránh rủi ro và từ đó mới có thể nghĩ đến chuyện ổn định tỷ giá. Phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu với báo chí chiều thứ Ba cho thấy có khả năng điều chỉnh này khi ông cho biết sẽ đề xuất xây dựng đề án quản lý vàng theo hướng phát huy giá trị của vàng đối với nền kinh tế. Còn một khi giá vàng trong nước đã ngang bằng với giá thế giới, có lẽ các cơ quan quản lý cũng không nhất thiết phải quá quan tâm đến giá vàng theo kiểu cố gắng ổn định giá làm gì. Và người dân, qua những bài học “mua lúc đắt, bán lúc rẻ” đã từng xảy ra, cần tỉnh táo không để rơi vào vòng xoáy của giới đầu cơ tạo ra, chịu nhận phần thua thiệt về mình.

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...