Nhà hát
giao hưởng và “post-truth”
Trong một bài trước đây, chúng ta đã có dịp làm quen với
khái niệm “hậu sự thật” (post-truth),
là tình huống khi người ta không còn dựa vào dữ kiện khách quan để minh định
đúng sai mà mọi tranh luận đều dựa vào xúc cảm hay niềm tin của cá nhân. Trong
thực tế hiện tượng “hậu sự thật” diễn ra ngày càng rõ nét, đang chi phối các
dòng tự sự của xã hội.
Lấy ví dụ cuộc tranh cãi nên hay không nên bỏ ra hơn 1.500 tỷ
đồng xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Ở đây không dám nói bên nào đúng bên nào
sai; chúng ta chỉ xem “hậu sự thật” chi phối lập luận của hai bên như thế nào?
Rất ít ý kiến dựa vào “facts”
(dữ kiện khách quan) – những “facts” rất
quan trọng có thể làm chuyển hướng cuộc tranh luận. Chẳng hạn, không thấy ai lập
luận, ngày xưa, tức từ năm 1999, TPHCM đã quyết định xây nhà hát giao hưởng tại
số 23 Lê Duẩn – nay khu đất này bán đi thì tiền thu được (gần 1.700 tỷ đồng) phải
dành cho việc xây nhà hát giao hưởng (bởi lý do bán trụ sở Công ty Xổ số kiến
thiết là để xây nhà hát). Đó là xuất phát điểm mà thiết nghĩ mọi người phải chú
ý đến. Nếu có tranh cãi, chỉ nên tranh cãi xem xây ở nơi nào là hợp lý (chẳng hạn
có nên xây ở Công viên 23-9 như kế hoạch từ năm 2009 hay dời sang Thủ Thiêm như
quyết định từ năm 2016).
Các “facts” khác cũng
quan trọng như sự việc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM là một thực thể đã
tồn tại từ năm 1993, hiện vẫn hoạt động biểu diễn khá thường xuyên. Không ai chịu
đi hỏi họ biểu diễn tại Nhà hát Thành phố thì có trở ngại gì không, số khách
xem nhiều hay ít. Ví dụ vào ngày 28/10 sắp tới Nhà hát Giao hưởng có chương
trình nhạc kịch “Con Dơi” giá vé từ 350.000 đến 900.000 đồng; tháng 11 có vũ kịch
Giselle nổi tiếng… Giả dụ có người đến dự, chụp được khán phòng đông cứng chật
nít hay vắng hoe chỉ có vài người – có lẽ cuộc tranh luận có nên xây nhà hát
giao hưởng không sẽ không mắc bẫy “post-truth”.
Tình hình “hậu sự thật” đậm nét ở buổi đầu cuộc tranh luận
khi nó diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội – đến khi chuyển sang báo chí chíng thống,
tính “hậu sự thật” giảm dần vì nhiều báo cũng cố công đi tìm dữ kiện khách quan,
phỏng vấn được những người trong cuộc.
Tranh luận có nhiều mục đích; những cuộc tranh luận hữu ích
đều cố tìm giải pháp. Và giải pháp chỉ xuất hiện nếu dựa vào “dữ kiện khách
quan” chứ còn dựa vào xúc cảm, tức rơi vào tình huống “hậu sự thật” thì có thể
thuyết phục người nghe một bên, gây bức xúc ở bên còn lại chứ đích đến là giải
pháp ngày sẽ càng xa vời.
Dòng thời sự hàng ngày luôn có các tình huống post-truth như
thế khi “fact” được đưa ra nửa vời
hay cắt khúc để tô đậm thiên kiến đã có sẵn.
Nếu bỏ công nghe ông Trump nói về việc cử người thay đại sứ
Mỹ tại Liên hiệp quốc vừa mới từ chức, sẽ thấy ông ta đâu có ý định cử con gái
là Ivanka đâu. Có ai đó nhắc đến tên Ivanka, ông Trump bèn nói, đại ý, con tôi
mà làm thì ngon lành rồi nhưng thiên hạ sẽ chê cười đó là nạn gia đình trị. Ý
này được nói tới nói lui nhiều lần. Thế mà nhiều báo rút tít “Trump nói không
ai có năng lực bằng con tôi khi thay Nikki Haley làm đại sứ tại LHQ”; “Trump
nói Ivanka sẽ rất năng động ở LHQ”; “Trump tin con gái Ivanka sẽ ‘xuất sắc’ nếu
làm đại sứ LHQ”; “Trump tuyên bố con gái ông là người phù hợp nhất cho vị trí đại
sứ Mỹ tại LHQ”. Dĩ nhiên trong phần đưa tin, hầu hết đều tường thuật đúng những
gì ông Trump nói về gia đình trị nhưng rút tít như thế (các tít này được chia sẻ
mạnh trên mạng xã hội) là không đúng, không sòng phẳng, là một dạng “hậu sự thật”.
Một ví dụ ngược lại cũng liên quan đến ông Trump. Dẫn nguồn
một khảo sát của Media Research Center cho thấy 92% tin tức về Donald Trump
trên các đài ABC, CBS và NBC là tiêu cực, ông Trump bèn nhắc lại kết luận này
và kèm một lời nói thêm - “fake news”.
Tin giả như hầu hết mọi người đều thừa nhận là tin nói không thành có, tin bịa
đặt, tin sai lệch – tức phải dựa trên “dữ kiện khách quan” đối chiếu với thực tế
mới có thể xác định một tin có phải là “fake
news” hay không. Đằng này với ông Trump, tin giả đồng nghĩa với tin tiêu cực,
tin xấu, tin nói không hay về ông.
Cách dán nhãn mọi ý kiến, mọi nhận định không
hợp ý mình là “tin giả” có lẽ là một minh họa rõ nét nhất cho hiện tượng “hậu sự
thật” mà xã hội hiện đại đang chứng kiến với quy mô chưa từng có.
Cập nhật: Xin bổ sung một "fact" rất thú vị của nhà báo Lưu Trọng Văn: Giá trị thật của nhà hát giao hưởng xây ở Thủ Thiêm phải cộng thêm giá trị đất mà ông tính đâu khoảng 2.400 tỷ đồng, tức cộng lại phải là 3.9000 tỷ đồng.