Saturday, October 13, 2018

Cố tình nói chưa hết ý


Cố tình nói chưa hết ý

Nhiều người khen bài “Surprising Truths About Trade Deficits” của GS Gregory Mankiw là hay, dễ đọc. Đúng là bài này phê phán quan điểm thương mại của Tổng thống Donald Trump, nhất là về thâm hụt thương mại một cách dễ hiểu, thậm chí học sinh trung học đọc cũng hiểu được cặn kẽ ý tác giả. Có lẽ tác giả chọn lối viết này để nhỡ Trump có đọc thì cũng hiểu một giáo sư kinh tế đại học Harvard muốn nói gì.

Tuy nhiên, tác giả đã nói không hết ý. Hay nói cách khác, để chê Trump hiểu sai về thâm hụt thương mại, lẽ ra tác giả phải nói thẳng, đây là lợi thế trời cho của Mỹ, có khùng mới đòi giải quyết thâm hụt. Lẽ ra tác giả phải mắng Trump, ở đó mà than thâm hụt, nếu không thâm hụt, thế giới đâu thèm dùng đô-la Mỹ làm đồng tiền dự trữ như hiện nay!

Đầu tiên xin tóm tắt ý chính của bài “Surprising Truths About Trade Deficits”: Tổng thống Trump thường lẫn lộn, cho rằng Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch tức Mỹ đang thua thiệt. Mankiw bác bỏ bằng cách ví von chuyện gia đình ông đi ăn tối tại tiệm không mua cuốn sách nào của ổng, tức ông đang chịu thâm hụt với tiệm ăn này. Điều này không sao cả vì ông có thặng dư với nơi khác như báo NYT đang trả nhuận bút cho ông cao gấp nhiều lần tiền ông trả để mua báo.

Xét tổng thể thương mại với mọi nước, một sự thâm hụt chỉ đáng lo khi nước chịu thâm hụt không đủ khả năng chi trả trong tương lai cũng như một gia đình làm ra thì ít, ăn tiêu lại nhiều. Nếu gia đình này mua xe hơi, tức chịu thâm hụt lớn nhưng không đáng lo nếu họ có khả năng trả dần nên cả nước cũng vậy. Dù sao thâm hụt tổng thể của một nước là do cách chi tiêu và tiết kiệm của nước đó chứ đâu phải do các đối tác thương mại đang có thặng dư?

Lập luận trên có lẽ đúng với hầu như mọi nước trên thế giới – trừ Mỹ. Mỹ có một lợi thế trời cho, một đặc quyền hiếm có – xách tiền của chính mình (tức đồng đô-la Mỹ) trực tiếp đi mua hàng khắp nơi trên thế giới chứ không cần chuyển qua đồng tiền trung gian nào cả. Nước khác chịu thâm hụt trước sau khi cũng chịu sức ép lên đồng tiền của nước mình còn Mỹ thì không. Các nước nhận tiền của Mỹ để bán hàng cho Mỹ phải cố gắng duy trì giá trị của nó, bằng không họ sẽ chịu thua thiệt.

Nói cách khác, Mỹ phải chọn lựa giữa hai cái: một là thâm hụt và đồng tiền nước mình được sử dụng làm đồng tiền dự trữ cho thế giới; hai là giảm thâm hụt thì thế giới đâu có đủ đô-la Mỹ để tạo thanh khoản. Chọn một trong hai chứ không thể chọn cả hai. Mỹ luôn phải đi vay về để chi tiêu – họ làm điều đó một cách khoái trá vì chi phí in tờ bạc 100 đô-la màu xanh ít hơn rất nhiều so với mớ hàng hóa tờ 100 đô-la đó có thể đổi được.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...