Gánh nặng nợ
nước ngoài
Theo số liệu chính thức, tính đến cuối năm 2017, trong tổng dư
nợ Chính phủ vào khoảng 2,593 triệu
tỷ đồng thì đến 1,547 triệu tỷ đồng là vay trong nước chủ yếu thông qua phát
hành trái phiếu bằng nội tệ. Nợ nước
ngoài của Chính phủ chiếm hơn 1 triệu tỷ đồng một chút, chủ yếu là các khoản
vay ưu đãi từ các định chế quốc tế.
Tuy nhiên, điều đáng lo nằm ở chỗ khác: Nợ nước ngoài của quốc gia vào thời điểm cuối năm 2017 là 2,451 triệu
tỷ đồng bằng 49% GDP; mặc dù nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (chưa vượt
50% GDP) nhưng đang tăng nhanh.
Ở đây cần lưu ý, nợ
nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ
nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước
ngoài được Chính phủ bảo lãnh và cả nợ
của doanh nghiệp vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả. Có nghĩa
doanh nghiệp tư nhân vay nợ nước ngoài, không dính dáng gì đến Chính phủ thì
khoản nợ của họ vẫn phải tính vào nợ nước ngoài của quốc gia. Chính vì thế ở
trên nói nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ hơn 1 triệu tỷ đồng trong khi nợ nước
ngoài của quốc gia lại lên đến gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Trong tổng nợ nước ngoài vào cuối năm 2017, nợ nước ngoài trung
hạn và dài hạn của doanh nghiệp tự vay tự trả cộng với nợ ngắn hạn của doanh
nghiệp và tổ chức tín dụng lên đến 1,158 triệu tỷ đồng, cao hơn cả nợ nước
ngoài của Chính phủ.
Nguyên nhân làm cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh nằm
ở các khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp (các khoản vay trung và dài hạn tăng
22,56%, các khoản vay ngắn hạn tăng 73% so với năm 2016). Doanh nghiệp tự vay tự
trả, mặc dù phải báo với Ngân hàng Nhà nước, nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát trực
tiếp của Chính phủ.
Chẳng hạn trong mức tăng đột biến 73% các khoản vay ngắn hạn
của doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài của công ty Vietnam Beverage (đăng ký
là công ty trong nước) khoảng 5 tỷ đô-la mà trước đó chúng ta cứ tưởng phía Thái
Lan trực tiếp rót vào ở dạng đầu tư để mua lại cổ phần của Sabeco.
Liên quan đến nợ nước ngoài, nhiều người cứ nhầm tưởng cuộc
khủng hoảng hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là do tranh chấp với Mỹ hai bên áp thuế lên
hàng hóa của nhau.
Thật ra, cũng giống trường hợp Thái Lan vào năm 1997, khủng
hoảng nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do nợ nước ngoài gây sức ép lên nền kinh tế.
Những năm trước đồng vốn giá rẻ thúc đẩy các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ vay ngoại tệ
về cho doanh nghiệp trong nước vay lại. Chỉ cần một hai biến cố làm chủ nợ lo
ngại là áp lực thu hồi nợ gia tăng, đồng nội tệ lira mất giá đến 70% từ đầu năm
đến nay, khả năng trả nợ khó dần, doanh nghiệp phá sản, hệ thống ngân hàng lung
lay… Nói cách khác, đó là cái giá phải trả khi vay nguồn vốn ngoại tệ thay vì dựa
vào khả năng tài chính trong nước.
Đã đến lúc Chính phủ phải siết lại các khoản vay nước ngoài của
doanh nghiệp dù dưới dạng tự vay tự trả nếu thực chất chúng là các khoản vốn
mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu cứ để các công ty thực chất là của
nước ngoài nhưng đăng ký là doanh nghiệp trong nước thì các khoản vay của họ sẽ
thành nợ nước ngoài của quốc gia.
Trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã giảm hạn mức vay nước ngoài
của doanh nghiệp theo dạng tự vay tự trả xuống còn 5 tỷ đô-la, giảm 0,5 tỷ
đô-la so với quyết định trước đó; dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp
không vượt quá số dư nợ vào cuối năm 2017. Đây là những biện pháp tình thế cần
thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vấn đề là giữ vững kỷ
cương phép nước để không doanh nghiệp nào được vượt rào vay quá hạn ngạch đã đặt
ra, đưa các cơ quan quản lý nhà nước vào thế khó như vụ mua lại Sabeco vừa rồi.