Saturday, October 13, 2018

Phạt tiền trong giáo dục


Phạt sao cho đúng

Giới giáo chức lại xôn xao vì một dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nghe đâu mức phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 50 triệu đồng. Thật ra các báo khi đưa tin đều nhầm lẫn về dự thảo này.

Đây là một nghị định được dự thảo để thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013. Nói cách khác chuyện phạt dạy thêm không phép, phạt hành vi xúc phạm danh dự hay thân thể nhà giáo là đã có từ năm năm nay chứ không phải là tin mới.

Nhìn qua thì thấy dự thảo này mới so với Nghị định mà nó thay thế ở chỗ tăng mức phạt lên, tăng cả tiền lẫn xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chia nhỏ các hình thức vi phạm, bổ sung các hành vi vi phạm…

Thế nhưng ở đây có một chuyện trái khoáy: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thường phải dựa vào luật; chẳng hạn, luật quy định giáo viên không được “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” thì khi đó Nghị định mới đưa ra mức phạt để chế tài các hành vi vi phạm điều này. Hiện nay Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn còn nằm trên bàn các đại biểu Quốc hội, đã được đem ra tranh luận nhiều lần, đã có đến 5 bản dự thảo vẫn chưa ngả ngũ. Luật gốc chưa có đã vội vàng đưa ra dự thảo nghị định xử phạt hành chính, làm sao biết được hành vi nào là vi phạm để xử phạt đây?

Ở đây chỉ xin lấy một ví dụ minh họa từ dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần thứ 5 hiện có trên trang Dự thảo Online của Quốc hội. Trong các hành vi mà nhà giáo không được làm ở điều 69, có chuyện “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Như thế Nghị định chỉ có thể xử phạt hành vi “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” chứ làm sao có thể quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường”. Nói như vậy hóa ra giáo viên trường tư thì dạy thêm thoải mái, giáo viên trường công lại bị cấm!

Ép buộc học sinh của mình đi học thêm ở nhà mình là một hành vi đáng lên án, phạt bao nhiêu cũng được, phạt càng nặng, phụ huynh càng đồng tình. Nhưng viết như dự thảo không lẽ bất kỳ giáo viên có biên chế nào tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường điều bị phạt, kể cả dạy cho học sinh trường khác, kể cả dạy thêm ở các lớp tình thương, kể cả dạy thêm cho con em hàng xóm không lấy tiền? Đã gọi là quy định pháp luật thì phải viết cho chặt chẽ, bao quát hết mọi tình huống. Trong đời thật không hiếm trường hợp cô giáo, thầy giáo tổ chức dạy thêm ở nhà cho các em thất học, ra đời sớm, các em con nhà nghèo không đủ khả năng đi học chính thức. Không lẽ đi phạt những thầy cô này chỉ vì soạn dự thảo không rõ ràng, thiếu chặt chẽ?

Rất có thể chúng ta sẽ đồng tình với quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày” bởi tệ nạn o ép học sinh nhỏ tuổi, luôn sợ và nghe lời thầy cô để ép học thêm không cần thiết. Thế nhưng viết như dự thảo hàm ý giáo viên nào dạy thêm cho học sinh không phải là tiểu học hay không học ngày hai buổi là ổn, không bị phạt? Hiểu như thế là ngược với các quy định khác về các hành vi vi phạm chuyện dạy thêm khác.

Hay với quy định này: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”. Rõ ràng ai cũng sẽ đồng tình chuyện phạt giáo viên nào nhẫn tâm cắt giảm nội dung khi dạy chính khóa để ép học sinh đi học thêm mới được dạy đầy đủ. Thế nhưng với vế sau của quy định “dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá” làm sao phạt được và tại sao lại phạt. Giả thử giáo viên được cấp phép dạy thêm một cách đàng hoàng, họ dạy cho học sinh bằng cách đi trước chương trình một hai bài cũng không được?  Vì sao?

Nghị định cũ quy định về các vi phạm trong chuyện dạy thêm rất gọn nên chặt chẽ. Đó là dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định; không đúng đối tượng; không đúng nội dung đã được cấp phép; khi chưa được cấp phép. Chỉ chừng đó thôi chứ không chẻ nhỏ ra như dự thảo nghị định thay thế.

Khi các luật làm nền tảng cho nghị định xử phạt hành chính chưa thay đổi hay không thay đổi các quy định liên quan đến chuyện dạy thêm thì không được tự tiện thay đổi nội dung hành vi bị xử phạt chỉ nhằm để tiện lợi cho việc quản lý hành chính của mình.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...