Bitcoin: Ảo hay thật?
(Bài đăng trên báo Thanh Niên)
Bitcoin đã trở thành một đề tài nóng từ khi giá của một
bitcoin vượt mốc 1.000 đô-la vào gần cuối tháng 11-2013 trong khi đầu tháng giá
của nó chỉ là 215 đô-la và đầu năm chỉ là 13 đô-la. Hàng trăm bài báo nói về nó
đều dành chừng một phần ba để giải thích nó là gì nhưng có lẽ độc giả những bài
đó đọc xong cũng vò đầu bức tai chưa hiểu. Để cho đúng bài bản, chúng tôi cung
cấp phần giải thích đó ở hộp (box) bên dưới nhưng nên nhớ sự mơ hồ
về Bitcoin là một phần nguyên do tại sao nó hấp dẫn mọi người đến thế. Cứ thử
tưởng tượng chúng ta giải thích như thế nào đây cho một người ở năm 1975
Internet là gì – dù có nói cặn kẽ đến mấy ắt người đó cũng khó lòng hình dung
ra. Có lẽ người bình thường như chúng ta cũng không cần hiểu cách Bitcoin được
tạo ra, ai tạo ra nó mà chỉ cần nắm một số đặc điểm của Bitcoin.
Giá của nó đang dao
động dữ dội. Có lẽ minh họa tốt nhất cho điều này là câu chuyện được nhiều
báo tường thuật. Anh chàng Kristoffer
Koch mua 5.000 Bitcoin với giá 27 đô-la vào năm 2009 rồi quên béng nó mất. Nay
sực nhớ ra thì số Bitcoin này đã có giá đến 850.000 đô-la (giá lúc báo tường
thuật) và Koch bèn bán một phần, đủ tiền mua được căn hộ ở Oslo, Na Uy. Khỏe
re.
Câu chuyện này và hàng ngàn mẩu tương tự đã tạo nên cơn sốt
đầu cơ Bitcoin làm giá của nó ngày càng tăng vọt. Cộng với tin đồn dân Trung
Quốc đang tìm mua Bitcoin để làm phương tiện chuyển tiền ra nước ngoài, việc
Thượng viện Mỹ nghe điều trần về nó, rồi Chủ tịch Fed Ben Bernanke úp mở về việc
công nhận nó như một sáng kiến tiền tệ - giá Bitcoin không tăng mới là chuyện
lạ. Chỉ có điều đây cũng sẽ là yếu huyệt của Bitcoin. Một đồng tiền mà ai nấy
đều muốn cất giữ, không đem ra xài thì chắc chắn nó không phải là đồng tiền
đúng nghĩa.
Tương lai của nó là
điều đang tranh cãi. Các nhà kinh tế thì ít khi nhất trí với nhau điều gì –
bàn về tương lai Bitcoin càng minh họa cho điều này. Một bên cho rằng Bitcoin
là loại tiền tệ của tương lai khi không ngân hàng trung ương nào kiểm soát được
nó, không nước nào lạm dụng chính sách tiền tệ để gây ra lạm phát. Bitcoin làm
cho việc thanh toán trực tuyến ngày càng dễ dàng, không tốn kém chi phí cho các
bên trung gian như thẻ tín dụng. Bitcoin sẽ làm cho nền kinh tế tri thức thật
sự cất cánh khi người ta có được phương tiện giao dịch lý tưởng, từ việc trả
tiền để đọc một bài báo đến góp tiền cho một dự án đầu tư đầy tiềm năng – tất
cả chỉ bằng cái bấm chuột hay lắc chiến điện thoại di động.
Bên kia thì cho rằng Bitcoin là cơn sốt kiểu nước hoa Thanh
Hương hay phong trào nuôi chim cút ngày xưa, là một sự đầu cơ trắng trợn, ai
cũng muốn xí phần nên bây giờ là giai đoạn bong bóng phìng
ra, người sau trả tiền cho người trước để nuôi cơn sốt Bitcoin thêm một
thời gian nữa. Bitcoin không có giá trị sử dụng mà chỉ có giá trị do những người
trao đổi nó với nhau gán lên – trước sau gì nó cũng sụp đổ và lúc đó, sự mất
mát của người giữ nó sau cùng sẽ rất lớn.
Hiện đang có nhiều nơi
nhảy vào khai thác Bitcoin theo đủ kiểu. Hàng loạt trang web đã được nhanh
chóng đẻ ra để tận dụng cơn sốt Bitcoin. Chúng ăn theo Bitcoin theo đúng từng
lãnh vực. Đầu tiên là loại trang mời tham gia cộng đồng “khai thác” Bitcoin. Kế
đến là loại mua bán Bitcoin mà Việt Nam cũng đã có khá nhiều (cái hay là đa
phần đều làm ra vẻ khó tham gia, mua Bitcoin cũng không phải là chuyện dễ). Sau
đó là các phần mềm để tự động hóa hay đơn giản hóa các quy trình liên quan đến Bitcoin.
Lời khuyên của các chuyên gia từ nhiều nguồn là người dùng hãy thận trọng khi
giao dịch với các trang web này. Cũng còn một loại nữa là các nơi đang tìm cách
cho ra đời các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin, loại này thì càng cần phải
cảnh giác hơn nữa.
Bitcoin thường bị gán
với các hoạt động mờ ám. Bởi khả năng giữ bí mật cho mọi giao dịch, Bitcoin
là đồng tiền lý tưởng cho giới rửa tiền, giới mua bán ma túy. Thật vậy, trước
khi Bitcoin trở thành cơn sốt, giao dịch Bitcoin chủ yếu là với trang web The
Silk Road, là nơi bán tân dược không có phép. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay
mọi giao dịch liên quan đến Bitcoin đều được ghi lại chi tiết trong cuốn sổ
“block chain” mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập cho nên nói Bitcoin là phương
tiện rửa tiền là không chính xác. Chỉ có điều dân xài Bitcoin thường có tư
tưởng phi chính phủ, chống lại mọi sự kiểm soát, ủng hộ cho tự do tuyệt đối nên
chung quanh nó mang màu sắc “phi chính thống”.
Nói tóm lại cái thúc đẩy Bitcoin ban đầu có thể là sự chống
đối hệ thống ngân hàng chính thống, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính bộc lộ
lòng tham của giới tài phiệt. Cộng đồng Bitcoin ban đầu có thể có mong muốn xây
dựng một đồng tiền ảo “phi chính phủ” thật sự. Nhưng cái thúc đẩy Bitcoin hiện
nay là lòng tham của các bên tham gia, tương tự như làn sóng đi tìm vàng ở nước
Mỹ thời xưa. Trong bối cảnh đó, Bitcoin đúng ra là một thứ tài sản ảo hơn là
tiền tệ ảo.
Nên có thái độ như thế nào?
Lịch sử đã cho thấy tiền luôn luôn là công cụ của chính
quyền. Khả năng in tiền (dù trực tiếp như ngày xưa hay gián tiếp như hiện nay)
đều là một sức mạnh mà không một chính phủ nào muốn để lọt vào tay ai khác. Vì
thế cho dù các chính phủ hiện nay có nêu quan điểm như thế nào đi nữa, chắc
chắn họ sẽ tìm cách ngăn cản Bitcoin trong tương lai nếu nó đe dọa đến khả năng in tiền của ngân hàng trung ương nước
họ.
Tiền lúc nào cũng có đủ ba chức năng: phương tiện thanh
toán, đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị. Bitcoin chưa trở thành phương tiện thanh
toán dễ dàng nên chưa phải là tiền tệ thật sự. Cái nguyên tắc vật thay thế phải
tốt hơn vật nó thay thế thì mới có cơ may phát triển đã không áp dụng được với
Bitcoin. Các loại tiền tệ ngày nay vẫn hữu dụng hơn rất nhiều lần so với
Bitcoin thì không lý gì nó có khả năng thay thế tiền thật. Bitcoin có giá trị
khi người dùng cho là nó có giá trị - cái giá trị này không được ai bảo chứng
cả. Vì thế tương lai của Bitcoin luôn luôn hàm chứa sự bất định, sự rủi ro mất
trọn giá trị rất lớn.
Tuy nhiên Bitcoin có vai trò của nó. Nó là hồi chuông cảnh
tỉnh cho các nước cứ sử dụng quyền in tiền để dùng nó như một sắc thuế đánh lên
đầu người dân thông qua lạm phát. Nó là tiền đề cho những loại tiền tệ mới ra
đời, nơi quyền lực kiểm soát tiền tệ được chia đều giữa người dân và chính
quyền để không ai lợi dụng được ai. Nó là một hình thức thúc đẩy cạnh tranh với
giới chức thẩm quyền: nếu anh không làm tốt vai trò của anh, tôi sẽ có cái để
thay thế. Nên nhớ Bitcoin ra đời cùng với sự bùng nổ khủng hoảng tài chính toàn
cầu vào năm 2008 – và đó không phải là điều ngẫu nhiên.
Box
Bitcoin là gì?
Cuối năm 2008 một nhân vật hay một nhóm người dưới cái tên
Satoshi Nakamoto xuất bản một công trình nghiên cứu về một hệ thống tiền tệ
điện tử không cần thông qua ngân hàng, tạo nền tảng cho sự ra đời của Bitcoin. Nếu
tiền ảo là thông tin thì nguy cơ đầu tiên là người dùng cứ dùng đi dùng lại một
món tiền để mua hàng, theo kiểu cắt dán thông tin. Chỉ có thể ngăn chận điều
này bằng cách lập nên một hệ thống sổ sách ghi chép mọi giao dịch nhưng như vậy
thì cần một bên thứ ba làm trung gian, chẳng khác gì một ngân hàng trung ương. Bitcoin
loại bỏ bên thứ ba này bằng cách công khai sổ cái ghi chép này, ai cũng có thể lấy
về xem.
Dùng hệ thống máy tính ngang hàng, những người tham gia vừa
tạo ra Bitcoin vừa dùng máy tính để ghi lại hết mọi giao dịch của các đồng
Bitcoin này trong một cuốn sổ cái ghi chép nói trên gọi là “block chain”. Mỗi
khi có người gởi Bitcoin từ địa chỉ của mình đến một nơi khác, anh ta tạo ra
một chữ ký gắn vào cuối giao dịch, tất cả đều kèm vào cái “block chain”chung. Những
người tình nguyện dùng máy mạnh để xử lý
các giao dịch này và ghi vào sổ thì được thưởng Bitcoin, là cái mà các báo
thường dùng từ “khai mỏ” (mining) để miêu tả.
Hiện nay cứ mỗi 10 phút thì sổ “block chain” được cập nhật
một lần và máy nào hên giành được quyền cập nhật đó thì được nhận 25 Bitcoin. Đó
là quá trình tạo ra Bitcoin. Các thuật toán tạo ra Bitcoin được viết sao cho
ngày càng khó để việc tạo ra Bitcoin ngày càng phức tạp, đòi hỏi máy xử lý ngày
càng phải mạnh hơn. Tổng số tiền Bitcoin tạo ra theo cách này tối đa là 21
triệu Bitcoin (dự đoán là vào năm 2140). Cho đến nay đã có 11 triệu Bitcoin
đang lưu hành
Bitcoin thực chất là một dãy con số và chữ cái như một địa
chỉ (ví dụ 1DTAXPKS1Sz7a5hL2Skp8bykwGaEL5JyrZ). Bạn sở hữu một Bitcoin có nghĩa
bạn nắm trong tay một mật mã gắn với địa chỉ này, cho phép bạn truy cập vào
cuốn sổ cái “block chain” để xác định trị giá của nó. Bạn trả tiền cho một
người hay một nơi nào đó có nghĩa bạn báo cho “block chain” bạn sẽ chuyển giao
bao nhiêu... Hiện nay đã có những phần mềm cài lên điện thoại di động cho phép dùng
màn hình quét một hình mã vạch để nhập tự động địa chỉ này và tự động hóa quy
trình giao dịch – gọi là ví tiền (wallet). Và vì sổ cái “block chain” được cập
nhật 10 phút một lần nên giao dịch của bạn cũng thường phải chờ cả 10 phút mới
được chấp nhận.
Box
Giao dịch với Bitcoin như
thế nào?
Với người bình thường, ít ai nghĩ đến chuyện dùng máy tính
tham gia vào công đoạn “khai mỏ” Bitcoin. Họ dùng cách đơn giản hơn là mua nó. Hiện
nay đã có rất nhiều trang web (kể cả ở Việt Nam) chuyên giao dịch Bitcoin (như
blockchain.info). Bạn vào đăng ký tài khoản và được cấp một cái ví (wallet),
sau đó chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào để mua Bitcoin (như ở Mt. Gox).
Có Bitcoin rồi thì cứ dùng nó mà thanh toán ở bất kỳ nơi nào chấp nhận loại
tiền ảo này. Thật ra cho đến nay vẫn có rất ít nơi chấp nhận Bitcoin dù con số
này đang tăng nhanh (nổi bật có dịch vụ tạo trang blog WordPress hay hãng du
hành không gian Virgin Galactic, và nhiều sòng bạc trực tuyến). Mỗi Bitcoin
được chia nhỏ thành nhiều phần, nhỏ nhất là 0.00000001, gọi là một Satoshi.
Nhiều nơi cũng đã lắp đặt một dạng máy đọc Bitcoin, tức một
máy tính kết nối với hệ thống mạng Bitcoin. Ai mua hàng, có thể dùng điện thoại
di động đã cài ví Bitcoin để quét hình mã vạch và trả tiền.
Lúc Bitcoin mới ra đời, một nhà lập trình ở Mỹ tên Gavin
Andresen mua 10.000 bitcoin với giá 50 đô-la rồi lập ra một website tên Bitcoin
Faucet để biếu không bitcoin cho bất kỳ ai quan tâm. Một nhà lập trình khác tên
Laszlo Hanyecz ở Florida được xem là người đầu tiên sử dụng Bitcoin để mua
hàng. Lúc đó anh này bỏ ra 10.000 bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza (anh ta
gởi bitcoin cho một người tình nguyện tham gia ở Anh, người này gọi điện cho
nơi bán pizza đọc số thẻ tín dụng để thanh toán). Số bitcoin này bây giờ tương
đương hơn 10 triệu đô-la!