Tiếng Anh trong WTO
Trích lại bài này từ cuốn “Tám chuyện tiếng Anh” nhân mọi người đang nói về TPP và chuyện thuế.
Nói đến WTO trước hết là nói đến tổ chức tiền thân của nó - GATT,
viết tắt từ General Agreement on Tariffs
and Trade (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Thế nhưng vì sao từ
thuế có lúc được dịch là tariff, có
lúc là duty, có lúc là tax?
Tariff chỉ các
loại thuế nhập khẩu, thu ở cửa khẩu trong khi tax chỉ các loại thuế thu trong
nội địa. Duty có thể dùng thay cho
hai từ này nhưng có một khác biệt nhỏ - duty
chỉ các loại thuế đánh lên hàng hóa, tài sản, giao dịch chứ không đánh lên
người. Vì thế người ta nói import duties
và income tax, chứ không dùng lẫn
lộn.
Ví dụ, báo chí có lần tường thuật phát biểu của một quan chức
và nói: “He was careful to explain that
“duty-free” does not mean “tax-free” as far as a country’s internal consumption
taxes are concerned”. Như vậy sản phẩm “duty-free”
được miễn thuế khi nhập khẩu nhưng có thể phải chịu thuế VAT khi bán lại cho
nên mới có chuyện nó không phải là “tax-free”.
Từ “thuế” còn có thể gây khó khăn khi dịch là vì cùng một loại thuế, các nơi
lại gọi khác nhau. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng ở nước ta và châu Âu gọi là VAT
(value-added tax) nhưng ở Mỹ gọi là sales tax, một số nước khác như Úc gọi
là goods and services tax (GST); thuế
tiêu thụ đặc biệt mình thường dịch là special
consumption tax nhưng thiên hạ thích nói excise tax hơn. Chú ý tariff
còn có nghĩa biểu giá như giá điện, giá thuê nhà.
Sự khác biệt khá tinh tế như trên thật ra xuất hiện ở nhiều
từ chúng ta thường dùng mà không để ý. Ví dụ, khấu hao có hai từ amortization và depreciation; từ đầu dùng cho khấu hao tài sản vô hình, từ sau dùng
cho khấu hao tài sản hữu hình. Công ty “con” cũng có vài từ, trong đó affiliate chỉ loại công ty mà công ty mẹ
có đầu tư vốn nhưng không chiếm tỷ lệ kiểm soát còn với subsidiary thì công ty mẹ sở hữu cổ phần đa số, thậm chí lên 100%
gọi là wholly owned subsidiary. Vì
thế, để phân biệt hai loại hình, công ty hạch toán độc lập và công ty hạch toán
phụ thuộc nên dùng từ subsidiary và division cho dễ hiểu.
Trở lại chuyện WTO, một trong những nguyên tắc cơ bản của
thương mại thế giới là most-favored-nation
(MFN) thường được dịch là tối huệ quốc. Tài liệu chính thức của WTO giải thích:
“Under the WTO agreements, countries
cannot normally discriminate between their trading partners. Grant someone a
special favour (such as a lower customs duty rate for one of their products)
and you have to do the same for all other WTO members”. Theo tinh thần này,
tối huệ quốc có nghĩa là không phân biệt đối xử, chứ đâu có ưu đãi gì. Vì thế,
chính WTO cũng phải thừa nhận: “This
sounds like a contradiction. It suggests special treatment, but in the WTO it
actually means non-discrimination - treating virtually everyone equally”.
WTO nói thêm cho rõ là sự đối xử đặc biệt này chỉ có nghĩa một nước thành viên
dành sự đối xử “tốt” nhất cho một nước thì tự động các nước còn lại cũng sẽ
hưởng đặc quyền này. Vì thế ngày nay nhiều người thích dùng từ “normal trade relations” (quan hệ thương
mại bình thường) hơn.
Nhân nói chuyện “các nước thành viên”, chúng ta đều biết có
một số vùng lãnh thổ tuy là thành viên WTO nhưng không được xem là nước. Vì
vậy, một tài liệu của WTO thường có phần “ghi chú” nói rõ: “The words country and nation are frequently
used to describe WTO members, whereas a few members are officially customs
territories, and not necessarily countries in the usual sense of the word”.
Nguyên tắc cơ bản thứ nhì của WTO là “national treatment” (đối xử quốc gia). Cái này có nghĩa hàng hóa,
dịch vụ... của nước khác khi đã vào thị trường một nước phải được đối xử bình
đẳng như hàng hóa, dịch vụ trong nước. Lưu ý, WTO có khẳng định: “National treatment only applies once a
product, service or item of intellectual property has entered the market”
và cho ví dụ: “Therefore, charging
customs duty on an import is not a violation of national treatment”.
Hai nguyên tắc cơ bản này và một số ít nguyên tắc nữa là nền
tảng để WTO hoạt động chứ bản thân WTO không là cái gì cả. Ngay chính WTO,
trong một tài liệu chính thức, đã kể câu chuyện nửa đùa nửa thật sau để định
nghĩa mình là gì.
Participants in a
recent radio discussion on the WTO were full of ideas. The WTO should do this,
the WTO should do that, they said. One of them finally interjected: “Wait a
minute. The WTO is a table. People sit round the table and negotiate. What do
you expect the table to do?” (interject
ở đây là nói xen vào, bỗng thốt lên).
Cho nên nói WTO là cái bàn hóa ra cũng không sai! Hay như
một thượng nghị sĩ Mỹ có lần phát biểu đùa rằng GATT là “Gentlemens Agreement to Talk and Talk!” còn WTO thì chuyển sang “Woman Talk Organization”.
------
Đường link đến các sách ebook vừa tái bản:
Tám chuyện tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tiếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Chuyện chữ & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tám chuyện tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tiếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Chuyện chữ & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)