Tản mạn
chuyện tiết kiệm
Câu chuyện ông lão ăn xin bị cướp mất 25 lượng vàng đầu tiên
làm mọi người sửng sờ nhưng ngay sau đó là chê trách – lấy 25 lượng vàng này
bán ra, gởi tiền vào ngân hàng thì ông cụ gần 90 tuổi này sẽ sống sung sướng trọn
đời chứ đâu cần vất vả đi ăn xin nữa. Đây là một ví dụ mang tính cực đoan về
chuyện nên hay không nên tiết kiệm; còn những câu chuyện khác không đến nỗi cực
đoan như thế thì không dễ phán đoán đúng sai. Một cơ quan kỉ niệm 30 năm ngày
thành lập, trong thư mời khách ghi rõ không nhận hoa mà đề nghị chuyển thành tiền
cho một quỹ từ thiện cơ quan này đang tổ chức. Có người sẽ hoan nghênh tinh thần
tiết kiệm này bởi những năm trước hàng trăm lẳng hoa sang trọng sau một ngày sẽ
bị vứt bỏ rất lãng phí. Có người cho rằng nếu ai cũng ứng xử như cơ quan kia
thì những người trồng hoa sẽ bán cho ai, ngành kinh doanh hoa sẽ đi về đâu, người
đưa hoa sẽ làm việc gì...
Nói chung, khi bàn ở bình diện từng cá nhân, chuyện tiết kiệm
hay chi tiêu đến đâu là vừa phải thì không khó để xác định. Làm ra tiền thì cứ
tiêu miễn sao đừng vung tay quá đáng, theo kiểu vay mượn tiền để sắm iPhone cho
oai. Thế nhưng ngay ở đây, khái niệm thế nào là hợp lý cũng thay đổi theo thời
gian và hoàn cảnh. Ngày xưa không ai dám vay mượn những khoản tiền khổng lồ để
mua nhà. Ai mua nhà mắc nợ sẽ bị chê chứ không ai thán phục cả. Nhưng cứ thử
nghĩ, cặm cụi làm lụng vất vả suốt 40 hay 50 năm để dành dụm mua một căn hộ thì
trong suốt 40 hay 50 năm đó, người dành dụm sẽ sống ở đâu; trong khi cứ mua nhà
ở cho thoải mái, từ từ rồi trả nợ như kiểu trả tiền thuê nhà hàng tháng. Thế
nên ngày nay chuyện vay trước mua trả góp sau những món đắt tiền như nhà cửa,
xe cộ, máy móc vẫn nằm trong ngưỡng hợp lý nếu khoản tiền trả góp hàng tháng
không vượt quá thu nhập. Tiêu dùng trước, chi trả sau là cách sống rất bình thường
ở nhiều nước phát triển nhưng vẫn chưa được phổ biến ở nước ta.
Còn trên bình diện cả nền kinh tế, cái quán tính thắt lưng
buộc bụng vẫn mạnh hơn nhiều. Thế hệ người viết bài này ngày xưa được dạy dỗ rằng
Nhật Bản là tấm gương sáng khi người dân sau chiến tranh đã cùng nhau thắt lưng
buộc bụng để dành hết mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế. Thế
nhưng hàng chục năm sau, bây giờ nhiều nhà kinh tế lại nói dân Nhật tiết kiệm
quá mức, tiết kiệm nhiều là gây hại cho nền kinh tế; rằng sự trì trệ của kinh tế
Nhật Bản trong suốt chục năm qua là do trước đó dân Nhật không chịu chi tiêu! Nghĩ
cũng hợp lý: ai nấy đều làm lụng, không ai tiêu thì làm ra của cải để cho ai. Nếu
hàng làm ra không ai mua thì kinh tế sẽ trì trệ, lúc đó thu nhập sẽ giảm, lại
càng phải thắt lưng buộc bụng như một vòng luẩn quẩn. Xuất khẩu như một giải pháp
là điều dân Nhật ngày xưa và dân Trung Quốc ngày nay đang làm – ráo riết nữa là
đằng khác. Nhưng bán hàng cho cả thế giới để làm gì – ôm một mớ đô-la về - liệu
đó có phải là sự thịnh vượng hay lại là món nợ phải gánh, phải lo toan. Chính
vì thế Trung Quốc đang tìm cách nâng sức mua của người dân lên để chuyển đổi nền
kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào xuất khẩu như động lực tăng trưởng đến chỗ tăng
trưởng nhờ tiêu dùng như nước Mỹ.
Thế cho nên khoan vội nói chuyện lãng phí hay tiết kiệm khi
chưa nghĩ cặn kẽ đến dây chuyền tác động của một hành vi, một hoạt động.
Hollywood làm một bộ phim tốn vài trăm triệu đô-la, chiếu trong vài tuần là hết,
liệu như thế có lãng phí không? Có ai lập luận sao không để mấy trăm triệu
đô-la đó xây vài chục cái bệnh viện cho dân nghèo? Dĩ nhiên với công nghệ điện ảnh
thì không ai cắc cớ đặt câu hỏi như thế cả bởi ngành điện ảnh tạo công ăn việc
làm cho cả một cộng đồng lớn lao và cung cấp thức ăn tinh thần cho hàng triệu
triệu con người. Cũng không ai đặt vấn đề vì sao từ thập niên 1990 đến nay con
người chạy đuổi theo công nghệ thông tin với hàng triệu máy tính dùng một phần
chức năng, một phần vòng đời rồi vứt bỏ thay bằng máy mạnh hơn. Đó là sự lãng
phí cần thiết để công nghệ đạt được những bước tiến khổng lồ với chi phí chia đều
cho mọi người cùng san sẻ.
* * *
Cuối cùng hãy dùng góc độ tiết kiệm để nhìn vào một vấn đề
giáo dục đang nóng: bỏ thi “ba chung” để giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho
các trường đại học. Ngay sau khi chủ trương này được giới thiệu, lập tức có hai
luồng ý kiến khác nhau. Bên đồng tình cho rằng các trường đại học cần phải được
quyền tuyển chọn sinh viên cho mình một cách chủ động trong khi các kỳ thi “ba
chung” (chung đề thi, chung ngày thi, dùng chung kết quả để xét tuyển) không
đáp ứng được yêu cầu này. Bên phản đối lại nghĩ thi riêng từng trường sẽ rất
bát nháo, trường dễ trường khó, làm nảy sinh tệ nạn dạy thêm, khó bảo mật đề
thi…
Trong kinh tế có khái niệm “lợi thế nhờ quy mô” (economies of scale), đại khái nếu số lượng
sản phẩm tăng lên thì chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm sẽ giảm xuống. Ví dụ
một tờ báo mỗi số chỉ in 1.000 bản thì giá thành một bản sẽ rất cao trong khi
in 100.000 bản, giá thành mỗi tờ bán ra sẽ giảm mạnh. Thử nghĩ mỗi trường đại học
hay cao đẳng đều phải tổ chức có người ra đề, in ấn, bảo mật… thì sự tốn kém sẽ
nhân lên hàng trăm lần bởi trường nào cũng phải bỏ ra từng ấy chi phí. Nay nếu
có một tổ chức đứng ra biên soạn một bộ đề mà bất kỳ trường nào cũng có thể sử
dụng, ngay lập tức chi phí sẽ giảm đi rất nhiều nhờ được chia đều ra, mỗi trường
gánh một ít mà thôi.
Vậy, thay vì bỏ “ba chung” tại sao không nghĩ đến chuyện chỉ
bỏ cái chung cuối cùng mà thôi. Tức vẫn thi đề chung và cùng một ngày nhưng các
trường sẽ tuyển sinh riêng và kết quả thi chung đó chỉ là một trong những tiêu
chí mà trường sử dụng để xét tuyển. Vấn đề là Bộ Giáo dục & Đào tạo không
còn là nơi ra đề thi nữa bởi nhiệm vụ của Bộ là quản lý nhà nước chứ đâu phải
làm chuyên môn. Sẽ có những trung tâm, thoạt tiên là trực thuộc Bộ, chuyên lo
biên soạn đề thi cho các trường dùng chung. Sau này dần dần công việc “khảo
thí” như vậy cũng có thể “xã hội hóa” để các trường ngồi lại, cùng tìm giải
pháp để tổ chức, miễn sao tận dụng được “lợi thế nhờ quy mô” nói trên. Đó chính
là tiết kiệm đúng nghĩa.
Bổ sung: Đây là nhận xét của anh Lê Hồng
Giang về đề tài này (bên dưới có link vào Google Plus của anh Giang để mọi
người tham khảo):
Nhân anh Phú viết
về saving, tôi nhớ đến Solow Growth model, một trong những mô hình tăng trưởng
đầu tiên của kinh tế học. Mặc dù mô hình này rất đơn giản (nhưng vẫn giúp cho
Robert Solow đoạt giải Nobel Kinh tế) và sau này đã có rất nhiều growth model
khác hiện đại hơn, có thể nói cho đến nay Solow Growth model vẫn có ảnh hưởng
nhiều nhất vào tư duy chính sách của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Tóm tắt mô hình này một chút cho những bạn ngoài ngành. Một
nền kinh tế có năng lực sản xuất và tỷ lệ tiến kiệm nhất định sẽ dần dần tích
tụ capital (thông qua đầu tư từ tiền tiết kiệm) đến khi lượng capital trên đầu
người (ký hiệu là k) tiệm cận đến một ngưỡng nhất định (ký hiệu là k*). Ở giai
đoạn đầu phát triển khi k thấp hơn k* rất nhiều, tốc độ tăng trưởng của k và
GDP tương đối cao nhưng GDP trên đầu người thấp. Đến khi k tiệm cận k* tăng
trưởng sẽ hội tụ đến tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển.
Thuật ngữ growth convergence mà nhiều người nhắc đến có
nguồn gốc từ mô hình này. Ví dụ thực tế có thể thấy trường hợp Nhật bản hay gần
đây hơn là Hàn quốc có tốc độ tăng trưởng giảm dần khi tổng lượng capital trong
nền kinh tế đủ cao. TQ và VN đang trên con đường tích tụ tư bản nên tốc độ tăng
trưởng sẽ còn cao trong một thời gian nữa.
Khi k nhỏ hơn k* nhiều thì tốc độ tăng trưởng của k và GDP
phụ thuộc vào tỷ lệ saving, saving càng cao thì tốc độ tích luỹ tư bản càng
nhanh và do vậy GDP sẽ tăng nhanh. Nói cách khác tốc độ convergence sẽ cao nếu
tỷ lệ saving ban đầu cao, điều này cũng đúng cho Nhật và HQ. Đến khi k tiệm cận
k* thì tốc độ tăng chỉ còn phụ thuộc vào tăng năng suất dựa vào công nghệ mới,
tỷ lệ saving không còn ý nghĩa nữa mặc dù saving càng cao thì k* càng cao. Tuy
nhiên k* cao không hẳn đã tốt vì lúc đó tiêu dùng có thể không ở mức tối ưu.
Solow Growth model giải ra được qui tắc vàng (golden rule) cho saving, vừa đủ
để đảm bảo k* mà nền kinh tế vẫn có mức tiêu dùng tối ưu.
Quay lại thắc mắc của anh Phú: tiết kiệm hay tiêu dùng mới
giúp kinh tế tăng trưởng? Solow Growth model trả lời rằng trong giai đoạn
convergence (từ nước nghèo thành nước giàu) tiết kiệm có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên khi đã tích tụ tư bản đến một mức nào đó, tiến bộ công nghệ mới là
điều quyết định và tỷ lệ tiết kiệm cao chưa hẳn đã tốt.