Saturday, May 25, 2013

Biên dịch, biên tập các đài truyền hình nước ngoài


Biên dịch, biên tập các đài truyền hình nước ngoài
Kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam một hôm bỗng nhận thông báo từ những quốc gia họ đang phủ sóng (nghe đâu là toàn cầu) buộc VTV4 phải dịch tất cả các chương trình từ tiếng Việt sang ngôn ngữ bản địa, rồi phải nộp băng hình trước để một cơ quan của nước họ biên tập sau đó mới được phát hình. Đối diện với một khoản chi phí khổng lồ, Ban Giám đốc VTV quyết định rút lui khỏi các nước đưa ra yêu cầu này.
Đây chỉ là một chuyện giả tưởng nhưng nó giúp chúng ta hình dung được tình cảnh của các chương trình truyền hình nước ngoài đang gánh chịu ở nước ta.
Kể từ ngày 15-5-2013, các chương trình truyền hình nước ngoài muốn phát sóng ở Việt Nam phải được biên tập và biên dịch. Trước khi xem thử một quyết định như thế có lợi gì không, có lẽ nên làm rõ một số hiểu nhầm:
-          Theo quy định cũ, hầu như mọi chương trình đều phải biên dịch 100% sang tiếng Việt nhưng sau đó có điều chỉnh, miễn trừ việc dịch cho chương trình tin tức, khoa học và giáo dục, ca nhạc, thể thao. Cho nên nói phải cắt kênh CNN hay BBC vì không biên dịch là không chính xác.
-          Nhưng yêu cầu biên tập thì vẫn giữ nguyên cho mọi kênh. Mà việc biên tập phải được thực hiện ở các cơ quan nhà nước được cấp giấy phép biên tập (hiện nay chỉ có Đài Truyền hình và Thông tấn xã Việt Nam).
-          Biên tập ở đây là làm chậm lại chương trình phát sóng khoảng 30 phút, có người xem trước để bảo đảm nội dung không có gì vi phạm luật lệ.
Theo tôi thì không nên có yêu cầu biên dịch, biên tập gì các chương trình truyền hình nước ngoài cả. Chuyện biên dịch thì nếu có nhu cầu từ thị trường, ngay lập tức các đài phải tự lo mà biên dịch và chạy phụ đề như đã từng làm từ mấy năm nay rồi. Chi phí dịch phim truyện có thể không cao (vì có thể lấy file cũ có sẵn trên Internet) nhưng dịch các chương trình phóng sự, tài liệu là đắt lắm lại khó tìm người dịch cho có chất lượng. Việc biên tập cũng vậy, báo chí trong nước không hề có chuyện kiểm duyệt trước thì truyền hình nước ngoài mà áp dụng cái cách kiểm duyệt này nó phản cảm lắm. Thử tưởng tượng các đài CNN hay BBC mà biết chương trình của họ bị “săm soi” để cắt bỏ những đoạn nhạy cảm như thế thì ai mà cho phát. Ở đây nên áp dụng lý thuyết trò chơi, các nơi chịu trách nhiệm tự lo để khỏi bị phiền phức về sau.
Chỉ cần lập luận như thế này sẽ thấy không nên áp dụng quy định này. Hiện nay nội dung các chương trình truyền hình như thế đều có thể tiếp cận qua Internet. Tin từ CNN trên Internet làm sao ai mà bắt biên tập biên dịch được; vì sao lại phải loay hoay với chương trình phát trên sóng, ít người xem, chủ yếu là người nước ngoài và một số người Việt biết tiếng Anh.
Cũng bởi thế nên có kênh làm đúng quy định, tức đợi cấp giấy phép biên tập rồi mới phát; có nơi phớt lờ quy định. Kiểu luật lệ làm cho có, không thực thi nghiêm minh, lúc làm lúc không như thế này làm sút giảm hiệu lực quản lý nhà nước.


Wednesday, May 22, 2013

NHNN lấy đâu ra tiền cho vay mua nhà và mua nợ xấu?


NHNN lấy đâu ra tiền cho vay mua nhà và mua nợ xấu?

Đối với người không chuyên như chúng ta, có lẽ cũng không cần hiểu “tài khóa” và “tiền tệ” là gì, khác nhau như thế nào. Khổ nỗi, chúng là những khái niệm cơ bản để hiểu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy đâu ra tiền để rót vào bất động sản cũng như lấy đâu ra tiền để giải quyết đống nợ xấu mà không sử dụng đến ngân sách.

Tài khóa khác tiền tệ

Nói một cách đơn giản hóa, Bộ Tài chính lo các “chính sách tài khóa”; Ngân hàng Nhà nước lo các “chính sách tiền tệ”.

“Chính sách tài khóa” thì liên quan đến việc tăng (giảm) thuế, tăng (giảm) mức chi tiêu của chính phủ. Chính phủ thu thuế và các nguồn khác vào ngân sách để có tiền mà chi tiêu. Chi nhiều hơn thu sẽ dẫn tới bội chi, lúc đó phải vay tiền về mà tiêu. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân hoặc tăng đầu tư từ ngân sách nhưng chính sách tài khóa như thế có giới hạn nhất định vì giảm thuế mãi lấy tiền đâu để ngân sách đầu tư ra xã hội. Chi tiêu như thế phải được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

“Chính sách tiền tệ” thì liên quan đến lãi suất và nguồn cung tiền. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN có thể tăng nguồn cung tiền và nhờ đó giảm lãi suất. Lãi suất giảm thì kích thích doanh nghiệp đầu tư. Nhưng tiền bơm ra đến một mức nào đó sẽ gây ra lạm phát. Hay nói cách khác khi lạm phát cao thì NHNN phải tăng lãi suất, giảm cung tiền.

Nay 30.000 tỷ đồng bơm ra thị trường cho người dân vay để mua nhà và doanh nghiệp vay để xây nhà xã hội là từ bên nào? Không phải từ bên tài khóa (Bộ Tài chính) vì ngân sách đang thâm hụt, lấy đâu ra tiền mà bơm cho bất động sản. Mà lấy từ ngân sách thì phải báo cáo xin phép Quốc hội phiền phức lắm.

30.000 tỷ đồng này lấy từ NHNN. Vậy câu hỏi là NHNN lấy đâu ra tiền để làm chuyện này? Câu trả lời rất đơn giản: NHNN in tiền.

In tiền như thế nào?

Ở đây lại cần phải nói cho rõ: Hàng năm NHNN phải in một lượng tiền giấy nhất định (in tiền theo nghĩa đen) để thay thế tiền cũ, rách nát và bổ sung vào lượng tiền mặt đang lưu hành trên thị trường theo kế hoạch đã định trước. Còn nói NHNN “in tiền” đối với khoản 30.000 tỷ đồng nói trên là nói theo nghĩa bóng. Không có chuyện máy in chạy rầm rập in ra chừng ấy tiền mà đơn giản là NHNN ghi có một khoản tiền như thế cho các ngân hàng tham gia chương trình. Các ngân hàng lúc này lấy tiền ra để cho vay. Khỏe re!

Nếu mọi việc êm xuôi, 10 năm sau khách hàng trả nợ, ngân hàng thương mại trả lại cho NHNN, tức xóa đi cái khoản ghi nợ ngày xưa. Ai nấy đều vui vẻ.

Nhưng sự đời thường không êm xuôi.

Đầu tiên, hành động của NHNN đó gọi chính thức là “tái cấp vốn”, nghe rất mơ hồ, khó hiểu. Thực chất, đây là cách NHNN cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho ngân hàng, đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Chú ý đến từ “ngắn hạn” – tức dưới một năm. Nay NHNN lách chuyện “ngắn hạn” bằng cách quy định: “Thời hạn tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở từng lần là 364 ngày và tự động được gia hạn đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại tại thời điểm đến hạn thêm 01 (một) thời gian bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Việc tự động gia hạn được thực hiện tối đa kéo dài đến ngày 01/6/2023”. Cũng thật là khỏe re một kỹ thuật lách luật!

Thứ hai, luật cũng có nói, để được tái cấp vốn, ngân hàng phải đem một cái gì đó lên thế chấp với NHNN (như cầm cố trái phiếu), ở đây không thấy nói yêu cầu gì từ phía ngân hàng tham gia.

Như đã nói ở trên, tiền bơm vào nền kinh tế như thế sẽ gây áp lực lên lạm phát và nhiều hệ lụy khác. Còn nhớ các lần “bù lãi suất 4%” vào năm 2009 đã vừa gây ra lạm phát, vừa dẫn đến những khoản nợ xấu khổng lồ hiện nay. Giả thử một tỷ lệ nhất định người vay mua nhà không trả được nợ, NHNN sẽ gánh khoản lỗ này.

Quan trọng hơn, cái hình thức “tái cấp vốn” dễ dàng như thế đang được NHNN lạm dụng trong nhiều trường hợp khác như hứa hẹn cấp 10.000 tỷ đồng tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Rồi sắp tới, giải quyết nợ xấu, NHNN cũng sẽ dùng “chiêu” tái cấp vốn để hóa giải nợ xấu cho các ngân hàng với khoản tiền dự kiến không còn vài chục ngàn mà có thể lên cả trăm ngàn tỷ đồng. Biết bao nhiêu tiền sẽ được “in” ra, biết bao nhiêu rủi ro đang chực chờ phía trước.

Mua bán nợ xấu

Giả thử bạn cho người hàng xóm vay 100 triệu đồng, đến hạn rồi quá hạn một năm người này vẫn không trả được nợ, nợ biến thành nợ xấu. Đòi không được, bạn tính đến chuyện nhờ một công ty dịch vụ chuyên đi đòi nợ thuê đòi nợ, bên này đòi chi phí đến 50 triệu đồng. Nói cách khác bạn sẽ “bán” khoản nợ 100 triệu đồng cho công ty này với giá 50 triệu, vậy còn hơn không đòi được đồng nào.

Như vậy bán một khoản nợ xấu được bao nhiêu là tùy thương lượng giữa bạn và công ty đòi nợ, khả năng đòi khó thì giá còn giảm nữa.

Hôm qua Chính phủ vừa ra nghị định thành lập công ty mua bán nợ kiểu như thế nhưng có những đặc điểm rất lạ. Theo dự thảo trước đó, công ty này mua nợ của các ngân hàng bằng mệnh giá (tức ở đây mua đúng 100 triệu luôn), nhưng không trả bằng tiền mặt mà trả bằng tờ giấy nhận nợ (trái phiếu). Xong rồi ngân hàng đem tờ trái phiếu này lên NHNN, đưa cho NHNN như một dạng cầm cố, NHNN mới đưa cho ngân hàng một cục tiền ghi trong sổ sách (gọi là tái cấp vốn như nói ở trên) nhưng cục tiền này không bằng mệnh giá trái phiếu mà nhỏ hơn (kiểu như 100 triệu nợ, giờ chỉ còn 30 triệu, chẳng hạn).

-          Lẽ ra công ty mua bán nợ là nơi định giá khoản nợ chứ không phải NHNN.
-          Công ty mua bán nợ không bỏ tiền ra nên thực tế là ngân hàng chủ nợ bán nợ cho NHNN, cái công ty mua bán nợ chỉ là một dạng trung gian.
-          NHNN dùng “chiêu thức” tái cấp vốn nên đúng là không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng sẽ phải đảm nhiệm một mớ tài sản xấu, lại phải tung ra thị trường một lượng tiền lớn, gây áp lực lên lạm phát.
-          Lạ nhất là phát biểu của đại diện NHNN: “Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của TCTD theo quy định hiện hành”. Nhớ lại ông hàng xóm trên, lẽ ra phải liệt ông vào dạng khó chơi, bắt ổng chịu một phần trách nhiệm nay lại cho ông vay tiếp, lại đẻ ra nợ xấu tiếp.
-          Ở trên bạn bán nợ cho công ty dịch vụ, nơi này sẽ tích cực đi đòi nợ, thu tiền về. Đằng này cái công ty mua bán nợ sắp được thành lập làm sao có đủ người, đủ kinh nghiệm và đủ nguồn lực khác để đi đòi nợ. NHNN thì không thể trực tiếp đi đòi nợ rồi.
-          Thực chất đây chỉ là cách tạm thời chuyển nợ xấu từ ngân hàng qua cái công ty trung gian kia, sổ sách ngân hàng đẹp lên, hy vọng họ sẽ sẵn lòng cho vay tiếp. Còn cái cục nợ kia, hy vọng từ từ doanh nghiệp làm ăn khá trở lại sẽ trả được nợ.

Các tổ chức như IMF từng cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên đảm nhiệm những công việc lẽ ra thuộc bên “tài khóa” vì làm thế sẽ gây áp lực lên lạm phát, đi ngược lại vai trò chủ yếu của một ngân hàng trung ương. Thôi đành quan sát chờ xem NHNN sẽ xoay xở thế nào với lạm phát – gói bù lãi suất 4% ngày xưa nay trở thành nợ xấu – nợ xấu được giải quyết bằng tái cấp vốn – để xem nó lại biến thành cái gì nữa đây.


Sunday, May 19, 2013

Phép thử bauxite


Phép thử bauxite
Trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này thấy có bàn đến hai dự án khai thác bauxite. Tuy nhiên nếu các đại biểu cứ tranh luận dựa trên các lập luận cũ, đã đăng tải trên báo chí, kể cả dùng các số liệu chính thức từ TKV cũng không ăn thua. Bởi chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Phải chờ hiệu quả thí điểm làm xong đến đâu đã. Bây giờ đang tính toán trên sổ sách và dự báo, nên nói ngay là lỗ bao nhiêu, hay có lỗ hay không là chưa đủ cơ sở”. (Nói như thế có nghĩa những tính toán dự án có lãi, có hiệu quả kinh tế của TKV cũng không có cơ sở!).
Các đại biểu muốn biết các dự án bauxite có thật sự hiệu quả hay không thì phải dùng biện pháp chất vấn để tìm cho bằng được câu trả lời thỏa đáng.
  1. Vay vốn ở đâu mà rẻ thế?
Với dự án Lâm Đồng, TKV sẽ vay ngoại tệ 7.400 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư) với lãi suất chỉ có 4,75%.
Với dự án Nhân Cơ, TKV sẽ vay ngoại tệ 9.000 tỷ đồng (chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư) với lãi suất chỉ có 5,45%.
Câu hỏi các đại biểu phải đặt ra cho TKV và cho Bộ Công Thương là nguồn vay ở đâu mà rẻ thế trong khi ngay bây giờ muốn phát hành trái phiếu quốc tế thì lãi suất phải trên 8%. Vay một lượng ngoại tệ lớn như vậy có phải thông qua Quốc hội hay không? Ai đứng ra bảo lãnh?
(Điều đáng ngạc nhiên là trong phương án cũ năm 2009, vốn vay nước ngoài của hai dự án này thấp hơn và lãi suất cao hơn nhiều (Lâm Đồng vay 4.300 tỷ đồng, lãi suất 7,75%; Nhân Cơ vay 5.300 tỷ đồng, lãi suất 8%). Vì sao sau bốn năm phải cần vay nước ngoài tăng thêm nhiều trong khi lãi suất lại giảm ngon lành đến thế?
  1. Thuế sao tính lạ vậy?
Có hai loại thuế chính cho dự án bauxite là thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu.
Trong kế hoạch cũ năm 2009, thuế tài nguyên được tính là 7% X giá thành khai thác quặng nguyên khai; kế hoạch mới năm 2013, thuế suất thuế tài nguyên được nâng lên 12%. Ai cũng nghĩ giờ các dự án này nộp thuế tài nguyên cao hơn. Không phải. Giá thành bình quân mỗi tấn được tính là 6,5 triệu đồng nhưng kế hoạch mới cho phép tính thuế suất 12% nhân cho 140.000 đồng/tấn quặng nguyên khai (một con số cố định, không hiểu dựa trên cơ sở nào cho một dự án kéo dài 30 năm). Không biết chênh lệch giữa quặng nguyên khai với quặng thành phẩm là bao nhiêu nhưng tính thuế kiểu đó thì khôn quá.
Thuế xuất khẩu theo kế hoạch cũ là 5% nay thuế xuất khẩu còn 0%.
Câu hỏi đặt ra là Luật Thuế xuất khẩu do Quốc hội thông qua; vậy thay đổi thuế suất như vậy Quốc hội đã biết chưa và đã có sự đồng ý chưa?
Chỉ cần TKV hay Bộ Công Thương nói về nguồn vốn ngoại tệ vay được với giá rẻ như thế cũng đủ rõ vấn đề để Quốc hội quyết định làm hay ngưng dự án bauxite.

Thursday, May 16, 2013

Nước đổ ra rồi - 2


Nước đổ ra rồi - 2
Hôm qua tôi có viết về chuyện sunk cost ở dự án khai thác Bauxite Nhân Cơ dưới hình ảnh “nước đổ ra rồi” cho dễ hình dung. Hôm nay đại diện chủ đầu tư là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã họp báo với những phát biểu rất điển hình cho một tình huống sunk cost fallacy: “Chúng tôi không dám dừng vì thiệt hại sẽ rất lớn”; “Số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra là rất lớn”; “Những thiệt hại mà chúng tôi sẽ phải gánh vác xử lý, khó khăn còn nhiều hơn là tiếp tục dự án”.
Thiệt đáng tiếc cái tâm lý “nước đổ ra rồi” người ngoài dễ thấy còn người trong cuộc với nhiều ràng buộc thì khó nhận ra.
Theo tôi tốt nhất là thuyết phục cho Nhà nước thấy nếu tiếp tục thì càng mất thêm tiền, mới hy vọng sẽ có một quyết định can đảm dừng dự án Nhân Cơ.
Thuyết phục như thế cũng dễ nếu chịu lắng nghe: 1. Tổng mức đầu tư tăng 37,80% thì mọi thông số cũ xem như bỏ, làm lại từ đầu. Nếu cứ cho là khi tổng mức đầu tư chưa tăng thì dự án có lãi chút ít, nay tăng đến gần 40% thì chắc chắn sẽ lỗ.
2. Khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo với Quốc hội thì IRR của Nhân Cơ là 10,6% nay chỉ còn 7,62% thì lãi ở chỗ nào nữa. (Chúng ta không cần biết IRR là gì, chỉ cần nhớ nếu IRR này thấp hơn mức sinh lời mong muốn thì xem như dự án đổ sông đổ biển – ít nhất IRR cũng phải cao hơn mức lãi vay ngân hàng).
3. Cái con số IRR đó được 7,62% là do biến báo nhiều con số khác; ví dụ thuế xuất khẩu nay được miễn còn 0% (đào tài nguyên lên bán mà được miễn thuế thì làm để làm gì nhỉ?); vốn vay thì kê khống lên là vay được của nước ngoài lên trên 2/3 tổng mức đầu tư và lãi suất hạ thấp xuống từ 8% nay chỉ còn 5,45% (vay ở đâu thì không thấy nói). Tất cả những con số nói trên là lấy từ các con số chính thức của TKV. Nếu không biến báo như thế, IRR còn thấp hơn nữa.
Theo tôi bản thân TKV cũng muốn dừng dự án Nhân Cơ nhưng chưa tìm ra lý do chính đáng, lại sợ trách nhiệm nên bản thân họ khó có quyết định dừng. Chỉ có một nơi có thể ra lệnh dừng để giảm bớt thiệt hại: Đó là bên phía Đảng và dựa vào kết luận của Bộ Chính trị ngày 24-4-2009 trong Thông báo số 245- TB/TW ghi rõ: “Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Đó là lối thoát trong danh dự duy nhất.



Việt Nam có báo tư nhân không?


Việt Nam có báo tư nhân không?
Câu trả lời cho tít bài này là KHÔNG! Các quan chức đã nhiều lần khẳng định tất cả báo chí ở Việt Nam đều thuộc Nhà nước và Chính phủ không có kế hoạch tư nhân hóa báo chí.
Tuy nhiên sự khẳng định này nhiều lúc lại đẩy chúng ta vào thế kẹt, không biết nói sao cho ổn.
Thứ nhất, đó là sự lúng túng. Hiện nay có nhiều tờ báo không biết của ai cho rõ ràng, dứt khoát. Lấy ví dụ tờ VnExpress.net là tờ báo mạng được nhiều người đọc nhất Việt Nam. Ai cũng biết đây là tờ báo do công ty FPT lập ra vào tháng 2-2001. Bản cáo bạch của FPT viết: “Tháng 11-2002, VnExpress.net trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy phép”. Sau đó nhiều trang thông tin đi theo tờ báo này đã lần lượt ra đời như Ngoisao.net, Danduong.net, Sohoa.net… Khổ nỗi FPT là công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bất kỳ ai bỏ ít tiền ra mua cổ phiếu FPT cũng có thể nói tôi đang sở hữu một phần tờ báo VnExpress.net này? Vậy không lẽ đây là tờ báo tư nhân?
Danh chính ngôn thuận mà nói VnExpress.net tự nhận cơ quan chủ quản của mình là Bộ Khoa học Công nghệ! Trong cơ cấu tổ chức của Bộ này cũng ghi VnExpress là một trong những đơn vị thuộc khối sự nghiệp của Bộ. Thế nhưng, báo cáo tài chính năm 2012 của FPT (trang 19) vẫn ghi nhận tập đoàn có các bộ phận chia theo hai lãnh vực kinh doanh chính dưới sự quản lý của Công ty Cổ phần FPT, trong đó, phần nội dung số có liệt kê hệ thống báo điện tử VnExpress, Ngoisao.net… FPT là một công ty niêm yết, công bố thông tin mù mờ kiểu này là không được.
Vậy cuối cùng VnExpress là của ai? Xin nói ngay, theo tôi, nếu VnExpress là tờ báo “cổ phần” đầu tiên lại càng hay.
Thứ hai, đó là sự nhập nhằng. Những trang thông tin điện tử như Vietstock.vn, CafeF.vn đang hoạt động như những tờ báo tài chính chuyên nghiệp thế nhưng lại đang ẩn mình thành các trang thông tin điện tử tổng hợp chứ không phải là báo. CafeF.vn là của Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam, nơi có hàng loạt “cổng thông tin” như Afamily khét tiếng chuyện tình dục, hay Kênh 14, CafeBiz... Vietstock tự nhận có “cơ quan chủ quản” là công ty cổ phần Tài Việt. Cả hai chủ yếu lấy tin từ các báo khác nhưng thỉnh thoảng vẫn có tin bài riêng, ký Vietstock hay CafeF đàng hoàng, tức vẫn có “phóng viên” đi lấy tin, viết bài như một tờ báo. Một số nơi nhiều lúc phải nhờ các tờ báo khác “hợp thức hóa” tin rồi đăng lên, tức là tin của mình nhưng ở dưới lại ghi “theo…”, thật trái khoáy.
Loại hình này ngày càng nhiều, không thể đếm hết, có thể kể đến Gafin.vn (công ty cổ phần tích hợp dữ liệu NextCom); Vinacorp.vn (Công ty cổ phần Công nghệ Hoàng Minh)… Theo số liệu của tờ Nghề báo, hiện có đến 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp, riêng tại TPHCM có 270 trang như thế được cấp phép. Chính đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận xét các trang này không phải là cơ quan báo chí nhưng hoạt động như một cơ quan báo chí.
Phải thừa nhận một số ít các trang thông tin điện tử là hữu ích nên khuyến khích (CafeF hay Vietstock có tiềm năng trở thành một Yahoo Finance hay Google Finance của Việt Nam) nhưng sự nhập nhằng này có thể đẩy họ vào chỗ hoạt động trái phép vì đã là trang thông tin điện tử tổng hợp thì không được hoạt động báo chí theo luật hiện hành. Ngược lại, đa phần các trang thông tin điện tử chỉ làm công việc sao chép, lấy tin bài của báo chính thống nên đang gây ra biết bao phức tạp, kể cả vấn đề bản quyền, vấn đề chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải.
Thứ ba, đó là sự xấu hổ. Nếu nói Việt Nam không có báo chí tư nhân thì câu hỏi đặt ra là “báo chí Nhà nước” sao nhiều tờ cứ chăm chăm nói chuyện kích dục lộ liễu đến thế. Cứ thử lấy 10 tin đọc nhiều nhất của các tờ báo vẫn đang được xem là báo Nhà nước, người rộng lượng nhất cũng thấy xấu hổ vì các tít này (ví dụ tờ Người Đưa Tin, cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam rút các tít sau: Chồng muốn tôi đề nghị tư thế 'yêu'; Sợ mất trinh nên muốn 'yêu cửa sau'; Thường xuyên ngoại tình, tôi biến mình thành ‘gái’; Ngày càng đẹp hơn và chậm mãn kinh nhờ mùi đàn ông (truy cập lúc 15g ngày 30-4). Loại báo này ngày càng nhiều, tít ngày càng bạo, hình ảnh ngày càng thiếu vải… Trang Phunutoday, một chuyên trang của Người Đưa Tin càng bạo liệt hơn với nhiều tít bài không tiện trích dẫn ở đây.
Người ta có thể đặt câu hỏi vì sao Hội Luật Gia lại cho ra đời các tờ báo này làm gì, phục vụ gì cho nghề nghiệp của họ? Vấn đề tôn chỉ mục đích được hiểu như thế nào trong trường hợp này? Loại hình lá cải này ngày càng nhiều, đang dẫn nhau xuống đáy.
Thứ tư, đó là sự khó giải thích. Nói làm sao khi ra sạp báo, thấy hàng loạt tờ báo mang măng-sét tiếng nước ngoài như Women’s Health, Her World, Esquire, Elle, Cosmopolitan, Harper’s Bazaar… Chúng không phải là báo tiếng nước ngoài được nhập khẩu vào Việt Nam đâu. Chúng là báo tiếng Việt, có “cơ quan chủ quản” đàng hoàng. Nhưng không lẽ Nhà nước rảnh đến nỗi đi xuất bản hay mua bản quyền để xuất bản các tờ báo giải trí này. Gọi chúng là báo chí Nhà nước thì phi lý quá. Chúng tôi không phản bác loại hình báo giải trí này bởi chúng có những chức năng nhất định đối với một giới độc giả nào đó nhưng phải gọi chúng là gì cho danh chính ngôn thuận là điều chúng tôi muốn đặt ra.
Cuối cùng là sự lấn sân. Trước đây các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù có được ra báo thì cũng chỉ làm những ấn phẩm mang tính nội bộ mang tính quảng bá là chính. Thế nhưng đã có nơi cho ra đời tờ báo hoàn chỉnh.
Luật Báo chí hiện nay quy định “Báo chí… là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…”, không thấy nói doanh nghiệp có quyền ra báo, dù đó là doanh nghiệp nhà nước.
Thiết nghĩ doanh nghiệp cũng có thể ra báo nhưng lúc đó phải sửa Luật và phải xem đây là một lãnh vực đầu tư khác ngành nghề chính, hoạt động tách biệt, chỉ liên hệ với nhau qua đồng vốn đầu tư. Không thể xem báo của một tập đoàn kinh tế là công cụ tuyên truyền cho tập đoàn. Bởi lúc đó có thể sẽ nảy sinh những mâu thuẫn như dùng báo để vận động chính sách, phê bình chính sách, dùng báo để cạnh tranh với đối thủ một cách bất chính.
Xin khẳng định lại, rằng ngoài các trang tin lá cải đáng lên án, các nơi chuyên sao chép đáng đóng cửa, các tờ báo đủ hình thức sở hữu như trên đem lại sự phong phú cho làng báo chứ không phải là điều đáng chê trách. Vấn đề là tìm cho thể loại này một cái tên chung. Tư nhân thì chắc chắn chưa được vì nhiều lý do, Nhà nước thì không ổn như đã nói, vậy tại sao không gọi chúng là báo chí phi chính phủ hay báo chí dân lập chẳng hạn? Trong ngành giáo dục, hình thức dân lập là một bước đệm để chuyển từ hình thức công lập sang tư thục. Với lãnh vực báo chí cũng thế, nên gọi chúng bằng một cái tên miêu tả chính xác tình trạng của chúng để đánh dấu một bước phát triển của làng báo và để tránh sự nhập nhèm dễ bị lợi dụng lại khó cho giới quản lý.
Nói báo chí Nhà nước làm mọi người dễ liên tưởng đến việc lấy ngân sách nhà nước để bao cấp trong khi thực tế hầu hết báo chí hiện nay không sử dụng ngân sách nhà nước, các loại báo kể trên càng không hề. Nhưng một tên gọi chính xác sẽ giúp xóa tan suy nghĩ này, lại giúp các tờ báo chính thống hiện đang nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước xác định rõ lại vai trò của họ. Việc quản lý báo chí sẽ dễ dàng hơn nếu phân loại báo chí rõ ràng hơn, lúc đó việc đóng cửa các tờ báo vi phạm thuần phong mỹ tục cũng dễ dàng hơn. Các báo gọi đúng tên cũng sẽ giúp chịu trách nhiệm tốt hơn những gì được đăng tải; mọi sai sót nếu có sẽ bị kiện ra tòa và lúc đó bên nguyên bên bị sẽ ở trong tư thế cân bằng và bình đẳng hơn.

Box
Khi báo chí đánh mất vai trò
Những người làm báo lâu năm thường nói, mỗi khi có sự việc gì xảy ra, trước sau gì cũng có nguồn tin muốn tiết lộ, chủ yếu do xung đột lợi ích. Đây là đặc điểm mà người làm báo thường tận dụng để săn tin, nhất là loại tin bài chống tiêu cực, phanh phui các vụ tham nhũng. Nhưng giờ đây, các nguồn tin trước đây của báo chí dường như không còn muốn sử dụng báo chí như một kênh để đưa thông tin đến công luận nữa. Có thể sau các vụ như PMU 18, báo chí đã thận trọng hơn, đã biết kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải. Cũng có thể các nhà báo ngại trước những phiền phức khi bị điều tra nguồn tin mà ví dụ gần đây nhất là việc Bộ Công an muốn sửa Luật Báo chí để buộc báo chí tiết lộ nguồn tin. Nhưng rõ nhất là các nguồn tin, bất kể là ai, với động cơ nào, đã thấy sử dụng các phương tiện khác như mạng xã hội chẳng hạn sẽ đơn giản hơn cho họ rất nhiều, vừa nhanh chóng vừa an toàn cho nguồn tin. Thậm chí đã có những trang web ra đời để chuyên lo việc đó. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, đây là một xu hướng không thể phủ nhận.
Chính đặc điểm này làm báo chí đánh mất vai trò là người đưa tin đến công luận. Các cơ quan Nhà nước lại chưa thấy được xu hướng này nên vẫn còn suy nghĩ theo kiểu độc quyền thông tin, cung cấp thông tin nhỏ giọt cho báo chí, thậm chí hạn chế thông tin đưa ra mà không hiểu rằng thông tin sẽ tìm cách đến với công luận, bỏ qua báo chí. Trên con đường không chính thống này, tin tức không qua phối kiểm, tin tức sai lệch, tin tức giả có khả năng lây lan; nhưng chỉ cần một vài tin đúng là đủ để người dân chọn con đường tiếp cận thông tin không qua báo chí; lúc đó họ sẽ xem báo chí chỉ còn lại vai trò giải trí mà thôi.
Đứng trước một thực tế như vậy, báo chí đang tự điều chỉnh bằng nhiều cách để vẫn còn thu hút bạn đọc, nhất là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế. Con đường dễ thấy nhất “lá cải hóa” báo chí, câu khách bằng các chiêu thức rẻ tiền đã nói ở trên.
Với các tờ báo đứng đắn hơn, quan điểm về thế nào là tin cũng đang thay đổi, việc xử lý tin thay đổi theo. Chuyện một ngôi sao ca nhạc mất đồng hồ trở thành tin; chuyện một cặp ngồi tâm sự bị cướp lột mất quần cũng được xử lý thành tin; chuyện một bà và một ông cá độ nhau để xem bà có dám cắn chỗ quý của ông cũng thành tin! Có những nhân vật được báo chí khai thác đến cạn kiệt, đến nỗi cô ta mặc thử áo cũng thành tin. Những điều tra phóng sự làm nên thanh danh các tờ báo ngày càng thiếu vắng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ còn phóng viên giả danh đi mát-xa hay đi vào động mại dâm. 
Cũng từ đó xuất hiện xu hướng khai thác tin từ các mạng xã hội, các trang cá nhân, các diễn đàn chuyên biệt. Thay vì chuyện trên báo được bàn tán sôi nổi trên Facebook, nay ngược lại, chuyện nóng trên Facebook lại biến thành tin bài đăng báo. Các diễn viên biết tận dụng xu hướng này để biến báo chí thành công cụ “PR” cho họ một cách lộ liễu và không mất tiền. Xu hướng “xì-căng-đan” hóa này đang đẩy người đọc xa rời báo chí bởi loại thông tin đó họ cũng có thể tiếp cận nhiều hơn, đầy đủ hơn trên các mạng xã hội.

Ghi chú: Cũng nội dung này nhưng được sắp xếp lại cách khác thành một bài mang tựa đề “Làng báo trước nguy cơ biến dạng” đã đăng trên TBKTSG số tuần này.

Wednesday, May 15, 2013

Ghi chép 1


Ghi chép 1
Nghe mấy ông bà nghị sỹ nước ta “chém gió” thiệt đã lỗ tai. Nào là “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”; nào là “Tiền mà cứ ngồi trong ngân hàng thì chết”; nào là “Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm”; hay những phát biểu đúng đến độ không còn biết bình ra sao nữa: “Cần tích cực đưa vốn vào nền kinh tế”. Cũng không thiếu những phát biểu đánh đố người nghe vì mức độ cao siêu của nó: “Lạm phát ‘quá tốt’ do điều hành dở”.
Kiểu này, chúng ta chỉ cần vào Facebook nghe bà con “tán chuyện kinh tế” còn cụ thể và hấp dẫn hơn nhiều lần.
Nếu các ông bà đại biểu Quốc hội mà thật sự muốn giải quyết các vấn đề hóc búa của nền kinh tế, lẽ ra họ phải có những nghiên cứu sâu để yêu cầu Chính phủ giải trình một số vấn đề cấp bách: Vì sao cho phéo đảo nợ, nợ xấu thật sự là bao nhiêu, vì sao giải quyết bài toán nợ xấu chậm chạp thế, áp lực gì từ các nhóm lợi ích làm trì hoãn việc giải quyết nợ xấu….
Rõ ràng cả xã hội hiện đang nghiêng về các giải pháp tiền tệ, chỉ nói đến các chính sách tiền tệ trong khi những chính sách khác không ai đề cập: Ví dụ đã hơn một năm trôi qua từ khi có những chủ trương từ Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, vậy Chính phủ đã làm được gì, chưa làm được gì; ba hướng tái cơ cấu gồm doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, và đầu tư công đã triển khai đến đâu. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tránh vết xe đổ của Vinashin, Vinalines đang diễn ra như thế nào, số phận các tập đoàn khác ra sao…
Không nói đâu xa, hiện nay dân tình đang hoang mang trước việc Nhà nước không cho doanh nghiệp nước ngoài mua trực tiếp gạo, cà phê của nông dân để xuất khẩu nữa. Việc này giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhưng lại có hại cho nông dân bị ép giá. Vậy quan điểm của Quốc hội như thế nào? Sao lại cứ ngồi chém gió và than thở chuyện ai cũng biết.
Thay vì than thở về sự thiếu hụt của ngân sách, vì sao họ không rà soát lại các khoản chi vô tội vạ, để dùng quyền giám sát, cắt bỏ. Loại này nhiều lắm, báo chí từng liệt kê chi tiết. Hoặc các khoản vay dù của doanh nghiệp nhà nước nhưng có bảo lãnh của Bộ Tài chính tức ngân sách sẽ gánh chịu nếu doanh nghiệp không trả được. Dự án bauxite cũng có khoản vay 200 triệu đô-la do Citibank dàn xếp, Bộ Tài chính bảo lãnh.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là sự đánh mất niềm tin nên người ta không bỏ tiền ra đầu tư nữa. Họ co cụm lại hoặc thậm chí bán sản nghiệp cho nước ngoài. Mấy ông bà nghị sĩ đã không tìm cách xây dựng lại niềm tin thì thôi; nay lại chém gió theo kiểu “Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm” trong khi lại không đưa ra kiến giải gì. Thử hỏi họ đại diện cho dân ở đâu vậy?
*                      *                      *
Mọi người chắc còn nhớ câu chuyện thương tâm về bà mẹ tự vẫn để khỏi là gánh nặng cho chồng con, để cho con có điều kiện tiếp tục việc học. Có một chi tiết làm tôi phải viết mẩu này, đó là khi con chị được tuyển vào một trường cao đẳng, chị đã tìm mọi cách viết đơn để xin vay tiền cho con đi học nhưng Ngân hàng Chính sách từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.
Nay Nhà nước bỏ ra 30.000 tỷ đồng cho người “chắc chắn không phải là nghèo” vay để mua nhà. Nói “chắc chắn không phải là nghèo” bởi để được vay tiền lãi suất thấp, họ phải là người có khả năng mua nhà chứ đâu phải như bà mẹ nói trên chỉ vì gánh nặng tiền thuốc chừng 140.000 đồng/ngày mà phải tìm đến cái chết.
Mọi so sánh đều khập khiễng bởi biết đâu vốn mồi cho vay mua nhà sẽ kích thích thị trường địa ốc sôi nổi trở lại, làm các ngành nghề như xây dựng hồi sinh, chồng của bà mẹ được tiếp tục làm thợ hồ… và cuối cùng là kinh tế phục hồi, biết đâu được!
Nhưng rõ ràng nhìn từ góc cạnh chính sách, trong điều kiện ngân sách ngày càng eo hẹp, lấy 30.000 tỷ đồng ở chỗ này thì phải giảm 30.000 tỷ đồng ở chỗ khác. Như vậy đồng thời với việc nhiều người được vay tiền mua nhà thì sẽ có các chương trình (có thể là an sinh xã hội, phát triển nông thôn, thậm chí xóa đói giảm nghèo) bị ảnh hưởng. Nếu ở nước khác, chắc nông dân sẽ phản đối dữ (họ sẽ lý luận vì sao họ không được vay ưu đãi như thế để nuôi tôm, nuôi cá, trồng mía đường, chẳng hạn).
Có lẽ cho vay tiền mua nhà vì một đại diện Chính phủ vừa phát biểu: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” – vậy nên phải hỗ trợ người trung lưu chứ gì nữa. Và còn 30% dành cho doanh nghiệp nữa!

Bổ sung: 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà là tiền từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước nên nó không tính vào ngân sách. Nhưng chuyện NHNN lấy đâu ra tiền để tái cấp vốn để hỗ trợ lãi suất lại là một đề tài khác, sẽ viết sau. 

Tuesday, May 14, 2013

Nước đã đổ ra rồi


Nước đã đổ ra rồi
Tâm lý con người thường hành động trái ngược với suy luận đúng đắn.
Chẳng hạn, lỡ mua một món ăn về nhà mới phát hiện nó vừa dở vừa đắng nhưng các bà mẹ chúng ta thường vẫn cố gắng ăn cho bằng hết, với lập luận bỏ đi thì tiếc. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong cuộc sống: bỏ tiền mua vé xem phim, phim vừa nhàm vừa nhảm nhưng vẫn có người nán lại coi cho hết để khỏi phí tiền mua vé; mua phải một món đồ bàn ghế trong nhà nhưng không vừa ý, ít ai dám quẳng cho ve chai mà vẫn phải gánh chịu sự bực mình hàng ngày!
Những tưởng sự phi lý đó chỉ xảy ra ở các cá nhân, trong cuộc sống bình thường. Thế nhưng hiện tượng tiếc nuối chi phí đã bỏ ra, rồi để các chi phí không còn cứu vãn được nữa này tác động lên quyết định tiếp tục thực hiện dự án hay thôi vẫn đang xảy ra với khá nhiều doanh nghiệp.
Khác với dự án Tân Rai đã đưa vào vận hành, dự án khai thác bauxite Nhân Cơ ở Đắk Nông vẫn đang thi công dang dở. Dự án này chịu cảnh chi phí tăng so với dự tính ban đầu đến 40% (lên quá 16.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu là 11.624 tỷ đồng). Đến nay đã thực hiện việc xây dựng đạt tổng giá trị 6.900 tỷ đồng.
Theo nhiều phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, dự án này nếu đi vào khai thác sẽ từ lỗ đến lỗ. Còn bản thân chủ đầu tư thì nói dự án sẽ có hiệu quả bởi giá nhôm hiện đang thấp nhưng “chắc chắn sẽ lên cao và ổn định sau này”! Dù không có hiệu quả kinh tế thì dự án cũng có hiệu quả kinh tế-xã hội và phải nhìn đến tương lai mấy chục năm về sau. Hay nói cách khác, chủ đầu tư cũng gián tiếp thừa nhận dự án khó mà có lãi.
Thế nhưng nếu có ai khuyên nên dừng dự án thì hàng loạt câu hỏi sẽ bật lên: vật liệu, máy móc đã đổ vào đó rất lớn rồi, tiền đã đổ ra hàng ngàn tỷ đồng, dừng là dừng thế nào?
Tiền đã đổ ra là nước đã đổ đi rồi, làm sao thu về được nữa. Cái gì đã không thu về được nữa thì tốt nhất là quên nó đi, đừng đua nó vào những toan tính cân nhắc cho tương lai dự án. Cái lập luận này, dễ thấy khi nói về món ăn, vé xem phim, cái bàn, cái ghế nhưng sẽ rất khó hình dung khi liên quan đến một nhà máy khổng lồ, đến những khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng bản chất chúng vẫn giống nhau – tất cả đều là chi phí đã bỏ ra và đã biến mất – mà giới kinh doanh gọi là sunk cost. Ngưng bây giờ thì Nhân Cơ chỉ mất 6.900 tỷ đồng. Nếu không ngưng con số thiệt hại chắc chắn sẽ lên 16.000 tỷ đồng và số lỗ lã hàng chục năm sau đó nữa. Ngưng thì bauxite vẫn còn đó không ngưng thì vừa mất tiền vừa mất tài nguyên.

Wednesday, May 8, 2013

Sự thật đằng sau việc NHNN liên tục bán vàng


Sự thật đằng sau việc NHNN liên tục bán vàng
Nói “sự thật” cho kêu vậy chứ đến nay hầu như ai cũng rõ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng thông qua các phiên đấu thầu là nhằm giúp các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng. Vấn đề là vì sao NHNN phải làm như vậy?
Dùng chữ “tất toán” với “trạng thái” có thể gây khó hiểu. Nói theo kiểu đơn giản hóa, là trước đây ngân hàng thương mại huy động vàng của dân về hoặc đem cho vay lại, hoặc bán ra lấy tiền kinh doanh nay phải mua vàng để trả lại cho dân. Cho nên về mặt kỹ thuật có hai loại trạng thái: trạng thái cho vay và huy động và trạng thái kinh doanh. Cái đầu đã có lâu rồi còn cái sau mới có từ cuối năm 2011 và có phần trách nhiệm rất lớn của NHNN.
Đã làm thì phải chịu
Nếu nhớ lại, vào ngày 6-10-2011, NHNN thành lập nhóm G5+1, tức gồm năm ngân hàng thương mại (ACB, Đông Á, Techcombank, Eximbank và Sacombank) cộng với SJC với mục đích bình ổn giá vàng. Các ngân hàng này được chuyển đổi tối đa 40% số vàng tồn quỹ đã huy động của dân từ trước thành tiền mặt, tức bán vàng ồ ạt ra thị trường dưới danh nghĩa bình ổn giá theo yêu cầu của NHNN mặc dù trước đó đã có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc huy động vàng, cho vay bằng vàng... 
Ngày đầu tiên bán ra 5 tấn và chỉ trong một tuần 10 tấn vàng đã được bán ra, sau đó lên 16 tấn (giá lúc đó khoảng 44-45 triệu/lượng, chênh lệch so với giá vàng thế giới chừng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng).
Trên nguyên tắc, các ngân hàng này bán ra bao nhiêu vàng thì phải mua vào bấy nhiêu vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Lúc đó ngân hàng nào được chọn cũng “phấn khởi” vì kiếm lãi dễ dàng. Nói là chỉ được bán 40% vàng tồn quỹ nhưng chắc chắn có tình trạng lấy vàng ở các ngân hàng khác về bán bởi lúc đó nhiều ngân hàng không nằm trong G5+1 vẫn nâng lãi suất huy động vàng lên cao, có khả năng đưa vàng cho G5+1 bán, lấy tiền về kinh doanh. Lãi suất huy động vàng được nâng lên cao từ 2% đến 3%, và trên nguyên tắc họ bị cấm huy động vàng nhưng vẫn huy động được theo kiểu giữ hộ. Nhiều nguồn tin nói người dân mua vàng về lại đem vào ngân hàng gởi hưởng lãi, ngân hàng lại tiếp tục bán ra. Tổng số vàng bán ra trong đợt bình ổn giá này là bao nhiêu, không rõ nhưng chắc chắn cao hơn con số 16 tấn, có lẽ vào khoảng 25 tấn như một số nguồn cho biết.
Ai nấy cứ tưởng giá vàng sẽ giảm, lúc đó họ sẽ mua lại vàng để bù lại chỗ đã bán ra hoặc cùng lắm thì nhập vàng từ tài khoản vàng ở nước ngoài về.
Không ngờ NHNN không cho nhập vàng vật chất, dành lấy vị thế độc quyền vàng, giá vàng thế giới lại tăng tiếp mãi cho đến gần đây mới giảm. Vậy là từ đó đến nay các ngân hàng liên tục mua vàng vào để tất toán trạng thái và chịu lỗ nặng. Đông Á cho biết lỗ trên 137 tỷ đồng do phải tất toán tài khoản vàng, ACB lỗ đến 1.800 tỷ đồng mới tất toán xong trạng thái. Eximbank cũng lỗ vài trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể vàng trên tài khoản nước ngoài nay cũng lỗ vì mua với giá cao nay giá giảm mạnh. 
Một người rành hoạt động kinh doanh vàng kiểu này cho rằng, do liên đới chịu trách nhiệm nên NHNN nay phải tìm cách bán vàng cho các ngân hàng thôi. Có người cho rằng các ngân hàng đã tất toán trạng thái kinh doanh vàng nay chỉ còn trạng thái cho vay và huy động vàng mà thôi. Dù sao đi nữa, vàng bán ra bao nhiêu là các ngân hàng mua hết chính vì nhu cầu tất toán đó.
Thử đặt mình vào vị trí của NHNN thì thấy nếu NHNN bán với giá thấp (gần bằng giá quốc tế) thì thiệt hại cho dự trữ quốc gia, lại mang tiếng hỗ trợ cho lợi ích nhóm; cho ngân hàng thương mại nhập khẩu thì phải bán đô-la cho họ với giá chính thức, cũng thiệt hại cho dự trữ ngoại hối. Nhưng thế thì phải nói thật, trình bày cho người dân nắm rõ chứ đừng loanh quanh lúc nói thế này lúc nói thế khác.
Thật ra, nếu NHNN lên tiếng thừa nhận sai lầm vào thời điểm yêu cầu G5+1 bán vàng bình ổn rồi làm đúng cam kết là cho các ngân hàng này nhập vàng từ tài khoản nước ngoài thì đã giải quyết được vấn đề một cách khéo léo hơn nhiều. Đằng này NHNN chọn cách giải thích vòng vo, đòi độc quyền vàng và đích thân bán vàng như một tổ chức kinh doanh. Hành động đó đã có những tác hại sẽ nói kỹ ở phần hai.
Vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ
Người ta thường phân vàng thành hai loại:
Vàng tiền tệ: Theo định nghĩa của các tổ chức tài chính quốc tế thì đây là loại vàng ngân hàng trung ương đưa vào dự trữ ngoại tệ. Tất cả các loại vàng còn lại là vàng phi tiền tệ. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam, nhiều nhà kinh tế cho rằng cần phải xem vàng miếng do các ngân hàng thương mại huy động từ người dân, trả lãi cho họ, rồi đem cho vay cũng là vàng tiền tệ. Thậm chí vàng được đem ra để làm phương tiện thanh toán vào những năm trước cũng là vàng tiền tệ.
Vàng phi tiền tệ: Gồm cả vàng của người dân mua về làm trang sức, cất giữ như một phương tiện lưu trữ giá trị, hay vàng dùng trong công nghiệp.
Trước đây, NHNN đã làm đúng khi cố gắng hạn chế loại vàng tiền tệ, như không cho ngân hàng thương mại huy động vốn bằng vàng, không cho phép cho vay vốn bằng vàng, không được chuyển đổi vàng cất giữ dùm người dân thành tiền để kinh doanh. Nhà nước cũng dần dần xóa bỏ được thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán, hiện nay ngay cả mua bán nhà, ít ai tính bằng vàng nữa. Lý do là khi tồn tại vàng tiền tệ trong nền kinh tế, xem như lượng tiền lưu thông bị thay đổi, bị khuếch đại lên, mà sự thay đổi, biến động đó không nằm trong vòng kiểm soát của NHNN nên dễ xảy ra biến động tỷ giá, lãi suất…
Có lẽ phần ở trên ai cũng thấy và ai cũng đồng ý. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nói vàng là ngoại tệ.
Thế thì chỉ vì lý do như ở phần một mà NHNN lại lấy vàng từ dự trữ ngoại hối của quốc gia, tức vàng tiền tệ đem ra bán rộng rãi ra bên ngoài. Có phải Ngân hàng Nhà nước đang đi ngược lại chủ trương chống “vàng hóa” của mình? Có phải Ngân hàng Nhà nước đang pha loãng lượng tiền lưu thông bằng ngoại tệ, một yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chính mình?
Quản lý dự trữ ngoại hối là một công tác quan trọng, không thể khinh suất bán hết vàng dự trữ trong khi các nước đã từng nâng tỷ lệ vàng dự trữ lên trong những năm qua. Bán như thế thì tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối sẽ giảm xuống còn bao nhiêu?
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng tiền tệ ra thị trường như thế dẫn đến những hệ lụy:
-          Hút tiền đồng về trong khi thị trường vẫn đang thiếu thanh khoản, dư nợ tín dụng tăng không đáng kể, đi ngược lại nỗ lực giảm lãi suất của thị trường.
-          Làm giảm dự trữ ngoại hối trong bối cảnh xuất siêu chưa bền vững, vẫn còn nguy cơ nhập siêu lớn.
-          Thay vì tìm cách huy động vàng trong dân như từng chủ trương, nay lại đưa vàng về cho dân cất dưới nệm.
Chính vì thế nhiều chuyên gia đã tiên đoán việc đấu thầu vàng như hiện nay sẽ không kéo dài được lâu, sẽ phải sớm chấm dứt.
Ở đây có câu hỏi nhiều người đặt ra: vì sao có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế cao như thế mặc cho NHNN bán ra thị trường trên 15 tấn vàng? Lý do thì có nhiều nhưng một chuyên gia về vàng đưa ra một lý do mà tôi cho là chính xác nhất: Chừng nào NHNN còn độc quyền về vàng chừng đó giá sẽ còn chênh lệch như thế bởi độc quyền đồng nghĩa với khó mua nên dẫn đến tâm lý găm giữ vàng, ai có đều lo thủ thế nắm giữ chứ không bán ra, làm sao giá không chênh lệch cho được.
Khi NHNN nói và làm sai luật
Nghị định 86 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước quy định: Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm “vàng tiêu chuẩn quốc tế”. Điều 10 còn nói rõ hơn: “Vàng của Quỹ dự trữ ngoại hối phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế”.
Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.
Trong hai văn bản này hoàn toàn không có dòng chữ nào về vàng thương hiệu quốc gia, không đề cập đến nhãn hiệu SJC.
Ngay chính Ngân hàng Nhà nước, trong một văn bản gần đây nhất, vẫn khẳng định:
-          Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC.
-          Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC.
Khi ra Thông tư 16, hướng dẫn thi hành Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đề cập đến thương hiện vàng quốc gia cũng như nhãn hiệu SJC.
Đến Thông tư 06, hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước thì Ngân hàng Nhà nước mới quy định loại vàng miếng được giao dịch mua bán: “Ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ”. Cũng không có cụm từ “thương hiệu vàng quốc gia” hay “SJC”.
Trong lúc đó, phát biểu trước Quốc hội vào ngày 25-11-2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói “Nhà nước sẽ độc quyền về sản xuất vàng miếng và trước mắt, SJC sẽ là thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước”.
Trước đó vào ngày 4-7-2012, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho báo chí biết “Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ và thống nhất với UBND TPHCM quyết định lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước”.
Như vậy luật từ nghị định đến thông tư không đề cập, chỉ có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát biểu một cách chính thức về SJC đã gây ra không biết bao nhiêu là tốn kém, phiền toái và lộn xộn.
-          Chỉ tính riêng việc tạm xuất vàng bốn số chín phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu cũng bốn số chín về để dập thành vàng SJC, đã lãng phí biết bao nhiêu công sức và chi phí.
-          Chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng phi SJC ngày càng lớn cũng do những tuyên bố và cách làm này.
Như vậy rõ ràng NHNN cần phải làm hai việc để chấm dứt sự bất ổn chung quanh vàng.
-          Chấm dứt việc bán vàng từ nguồn dự trữ quốc gia vì góp phần tạo nên tình trạng vàng hóa và làm giảm dự trữ ngoại hối quốc gia. Tìm con đường khác để buộc các NHTM tất toán vàng, trả lại cho dân.
-          Lãnh đạo NHNN lên chính thức đính chính phát biểu của mình để nói rõ không chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia.
Chỉ cần làm hai điều đó, tôi nghĩ cũng đã ổn định được thị trường.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...