Sunday, December 15, 2013

Tỷ giá và người nghèo

Tỷ giá và người nghèo

Hai gia đình ở sát nhau nhưng hoàn cảnh khác nhau. Gia đình ông A dành dụm được chừng 2 tỷ đồng, dự trù sang năm cho con đi du học ở nước ngoài. Gia đình ông B nghèo hơn chỉ tiết kiệm được 20 triệu đồng, cũng dự trù sang năm dùng nó cho con đi học đại học tư trong nước. Cả hai gởi tiền vào ngân hàng vì năm đó lãi suất đang rất cao, chừng 20%/năm. Năm sau, tiền ông A lên thành 2,4 tỷ đồng, tiền ông B lên thành 24 triệu đồng.

Cả năm đó tỷ giá hầu như không thay đổi nên ông A đổi được thành 100.000 đô-la cho con đi du học mà vẫn dư ra một khoản lớn; còn trường con ông B vì học phí tính bằng tiền đồng nên đã điều chỉnh theo lạm phát, học phí thay vì 20 triệu đồng nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng làm ông B méo mặt vì hụt một khoản không nhỏ đối với ông.

Câu chuyện ở trên chỉ là giả định với những con số cố ý làm tròn cho dễ hình dung. Trong bối cảnh con số thống kê ở Việt Nam bị chê là thiếu tin cậy, tốt nhất là dùng cách “tính rợ” của dân gian. Tính nhẩm kiểu như trên cũng cho ta thấy: khi lạm phát cao mà tỷ giá không điều chỉnh theo tương ứng thì cái tỷ giá đó có lợi cho những ai có liên quan đến ngoại tệ và có hại cho những ai chỉ biết dùng tiền đồng.

Gia đình ông C chuyên ăn thịt bò ngoại nhập dù đắt hơn thịt bò trong nước. Năm trước ổng bỏ ra 350.000 đồng mua một ký thịt bò Úc trong khi gia đình ông D chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng mua thịt bò dưới quê. Qua một năm, đồng bạc mất giá, giá thịt bò trong nước lên thành 350.000 đồng trong khi đó vì tỷ giá hầu như không thay đổi, dân nhập thịt bò Úc vẫn giữ nguyên giá bán 350.000 đồng. Nay coi như ông C lợi hơn ông D vì trả cùng giá như nhau mà được ăn thịt bò ngoại; ông D cũng không dại, bèn chuyển sang mua bò Úc luôn – thế là thị trường bò trong nước ngày càng tiêu điều vì không cạnh tranh nổi.

Ví dụ thứ nhì cho thấy vì sao nhiều chuyên gia kinh tế nói chính sách tỷ giá đang làm sản xuất trong nước ngày càng kiệt quệ, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập. Cứ thử làm những phép tính tương tự, sẽ thấy không một mặt hàng nào, từ đường, sữa đến cả cây tăm mà cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu cùng loại nếu năm nào lạm phát cũng cao mà tỷ giá vẫn được giữ hầu như cố định. Nhìn cách khác, có thể nói lạm phát làm chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng lên quá nhanh làm lần lượt nhiều mặt hàng mất tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Bây giờ chúng ta nhìn vào bức tranh ngược lại để xem tình hình này tác động như thế nào với những người hoạt động xuất khẩu. Giả dụ năm này ông nông dân E bán gạo cho công ty xuất khẩu với giá 21.000 đồng/ký, tức chừng 1 USD/ký (lấy con số giả định cho dể hình dung). Một năm sau đó, ông vẫn phải bán với cùng giá này vì giá thế giới không đổi, tỷ giá không đổi. Trong năm đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng khoảng 25%, tức giá cả tăng thêm chừng một phần tư trong khi thu nhập ông E không đổi. Biểu sao gia đình ông ngày không một nghèo thêm, bởi chỉ số giá tăng chừng đó mà chi phí cho y tế và giáo dục thường tăng vọt cao hơn nhiều lần.

Công nhân và nhân viên làm cho nhà nước cũng nghèo như nông dân nhưng dù sao hàng năm lương còn được điều chỉnh theo sự trượt giá của đồng tiền. Còn nông dân, trừ phi bán sản phẩm cho thị trường nội địa, nếu cứ bám theo thị trường xuất khẩu, sẽ chịu thiệt thòi, nhất là khi giá nông sản thế giới lại giảm.

Nói như thế không có nghĩa cổ xúy cho việc phá giá đồng tiền; dân ta mỗi khi nghe hai chữ phá giá lại càng lo ngại, lại tác động mạnh lên lạm phát, hóa ra lợi bất cập hại. Điều dễ làm nhất, mà cũng là chủ trương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa sao cho linh hoạt, từng ngày, từng tuần chứ không phải tự nhiên làm một lần cho gây sốc. Nói cách khác tỷ giá thật đang cho thấy tiền đồng đã và đang tăng giá so với đô-la Mỹ, cần điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa để tỷ giá trở về đúng giá thật của nó. Vấn đề là nói linh hoạt nhưng dường như ai cũng quên, có lẽ vì để nguyên tỷ giá như thế có lợi cho người có tiền, người sử dụng nhiều hàng nhập, nhất là người nợ nước ngoài nhiều. Thêm nữa, tỷ giá giữ nguyên trong khi lạm phát cao tạo ra một ảo tưởng là thu nhập đầu người tính bằng đô-la Mỹ đang tăng nhanh, làm mọi người an tâm rằng tình hình phát triển kinh tế đang tốt đẹp.

Tình hình cứ như thế này, ông H sẽ mua được xe hơi nhập từ Nhật. Giá nay còn cao nhưng thu nhập ông H đang tăng dần theo sự mất giá của tiền đồng. Cứ đợi thêm một thời gian, lấy mớ tiền đồng mà thực chất giá trị sử dụng chưa bằng một phần so với những năm trước, đổi sang đô-la (được bảo đảm tỷ giá “ổn định”), ông H sẽ có đủ tiền đô mua xe như  ông A cho con đi du học mà có lẽ vẫn còn dư kha khá.

###




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...