Chuyện vỉa hè
Kinh tế vỉa hè là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế
phi chính thức. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng kinh tế phi chính thức,
hiện bằng chừng 30% nền kinh tế chính thức, đóng vai trò là tấm bình phong che
chắn bão tố, là tấm đệm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam.
Các bạn ở nước ngoài thường nói, bên đó mà thất nghiệp thì
dễ rơi vào khủng hoảng (nếu không có những dạng an sinh xã hội khác nhau). Bên
mình, thất nghiệp nhiều, khó khăn cũng nhiều nhưng dù sao tình trạng bức bối
cũng giảm nhẹ nhờ tham gia vào nền kinh tế phi chính thức (mà phương tiện
thường là chiếc xe gắn máy đang bị một số ý kiến đòi dẹp). Thất bại trong kinh
doanh chính thức, người ta có thể ra vỉa
hè buôn gánh bán bưng để sống đắp đổi qua ngày.
Nếu không có kinh tế vỉa hè, xã hội này phải đối diện với
biến bao bất ổn, tệ nạn và xáo động.
Thế nhưng chính quyền các thành phố lớn dường như không
hiểu; họ cứ đòi dẹp kinh tế vỉa hè mà thực chất chỉ dẹp kẻ cô thế, người gánh
hàng rong.
Họ không chịu hiểu người dân đang tự xoay xở để sống và nhờ
vậy họ bớt đi nhiều gánh nặng phải lo toan. Thế mà thỉnh thoảng cứ có những
chiến dịch dẹp buôn bán lòng đường vỉa hè. Tại sao không tổ chức cho người ta
buôn bán trong một chừng mực trật tự nhất định. Ngay cả ở New York vẫn có xe
đẩy bán hotdog, vẫn có sạp báo vỉa hè. Ở Tokyo vẫn có những đường phố, chiều
xuống, người ta cấm xe, để dân mua bán tràn xuống đường giao dịch thoải mái.
Đáng tiếc là các trường đại học kinh tế không ai chịu làm
những nghiên cứu về kinh tế vỉa hè để tham mưu chính sách đúng đắn cho chính
quyền. Tất cả đều xem số phận của người dân nghèo như con ve cái kiến, ưa đè
bẹp lúc nào cũng được.
* * *
Nói chuyện nghiệp vụ báo chí, nhiều bạn thắc mắc, hai tin
gần đây của tờ Tuổi Trẻ về vụ người
bán hàng rong bị lực lượng trật tự đô thị phường 25 quận Bình Thạnh đánh (gồm
tin “Lực
lượng ủy ban phường không đánh người bán hàng rong” và tin “Nếu
bị bóp yết hầu, người bán hàng rong đã chết”) có khách quan không, sao có
vẻ như báo dành diện tích cho ông chủ tịch phường thanh minh quá nhiều.
Theo tôi, khi làm tin thì nhân vật phát biểu sao báo phải
đưa như thế. Dù mình bức xúc gì đi nữa cũng không thể nhảy vào tin để bình
luận, phê phán.
Tuy nhiên, hai tin trên báo Tuổi Trẻ có những thiếu sót về mặt nghiệp vụ, nên góp ý cho phóng
viên. Tin đầu tiên khẳng định trên tít (Lực lượng ủy ban phường không đánh
người bán hàng rong) mà không nói rõ ai nói, không để trong ngoặc kép là không
được, không khách quan. Cả hai tin đều trích lời ông chủ tịch nói về một người
thứ ba là anh Tính, người bán hàng rong mà không có câu nào phỏng vấn anh này
cả là không sòng phẳng. Cho dù có dùng chấm hỏi để bày tỏ sự nghi ngờ phát biểu
của ông chủ tịch cũng chưa đủ, lẽ ra phải cho người bán hàng rong hay ít nhất
cũng là nhân chứng lên tiếng.
Cả hai tin đều đưa ra những chi tiết mà không làm rõ những
chi tiết này là thiếu sót lớn. Đó là khi viết câu: “Ông Quý cũng cho hay tổ
công tác đã dùng còng số 8 còng tay anh Tình, khống chế anh này để không tấn
công tổ công tác nữa và đưa lên xe của UBND P.25” thì lẽ ra phóng viên phải đặt
vấn đề, lực lượng trật tự đô thị hay bảo vệ dân phố có quyền sử dụng còng để
còng tay công dân hay không, họ có quyền bắt giữ công dân để đưa về phường khi
công dân không phạm tội quả tang nào hết là có đúng luật không.
Chi cần bổ sung chi tiết này và lời phát biểu của một nhân
vật có thẩm quyền nào đó thì tin mới hoàn chỉnh và không tạo sự phản cảm ở
người đọc. Bởi nói cho cùng làm báo là để đi đến cùng sự thật, trong đó tiếng
nói người yếu thế phải được tôn trọng, phải được lắng nghe như tiếng nói của
quan chức – bằng không làm báo để làm gì.
(Thêm các chi tiết phải làm rõ)
Phản ứng của quan chức mỗi khi có
sự cố gì xảy ra là tìm mọi cách biến báo để chạy tội cho bản thân hay chạy tội
cho cấp dưới. Do đâu mà có phản ứng này?
Lấy ví dụ ông chủ tịch phường 25
quận Bình Thạnh, lúc xảy ra vụ việc liên quan đến một người bán hàng rong được
nhân chứng cho là bị lực lượng trật tự đô thị phường đánh, chắc ông không có
mặt. Vậy thì khi nghe nhân chứng (có cả ảnh chụp) tố cáo thì cứ từ từ tìm hiểu
để nhân đó chấn chỉnh lại nhân viên của mình (người quản lý nào cũng phải ứng
xử như vậy). Vì sao ông này (theo báo Tuổi Trẻ) khẳng định lực lượng này của
phường không đánh người bán hàng rong.
Tuy nhiên chính trong bản tin chối
tội đó, có những chi tiết khẳng định cái sai của ông chủ tịch theo kiểu bất
chấp pháp luật rất nguy hiểm. Đó là chi tiết “Phía UBND phường 25 đã yêu cầu
bệnh viện cho xem giấy chứng thương của anh Tình khi anh này nhập viện để chữa
trị vào tối 6-12”. Sao họ không hiểu hồ sơ bệnh án là thông tin riêng tư được
pháp luật bảo vệ, UBND phường có quyền gì yêu cầu bệnh viện đưa cho xem; vì sao
bệnh viện cũng dại dột nghe theo mà không biết bảo vệ quyền của bệnh nhân. Có
lẽ cái tâm lý coi thường người nghèo, người thất thế đã lan rộng.
Chi tiết thứ nhì: “phía UBND
phường 25 đã đề nghị Công an phường 25 vào cuộc điều tra, đồng thời mời cho
được anh Tình để làm rõ vụ việc nêu trên”. Vì sao họ nghĩ chuyện “mời” công dân
lên để làm việc là chuyện đơn giản và dễ dàng như thế?
* * *
Viết thêm một mẩu nữa về chuyện trật tự đô thị và bán hàng
rong cho đỡ sự bức xúc. Ông chủ tịch phường cứ bao biện cho đội trật tự đô thị
và bảo vệ dân phố rằng họ chỉ tịch thu chiếc xe của người bán hàng rong thôi
chứ không đánh vì “Nếu nhân viên đó mà bóp
đúng vào huyệt yết hầu trên cổ anh Tình thì anh này đã chết rồi”!
Ít ai để ý đến chuyện liệu đội trật tự đô thị và bảo vệ dân
phố hay thậm chí chủ tịch phường có quyền tịch thu tài sản của ai không? Liệu
nhìn cảnh các đội này tịch thu bàn ghế, xe cộ, cả quang gánh của những người
bán hàng rong từng diễn ra khá thường xuyên, có ai đặt câu hỏi, làm gì họ có
quyền tịch thu tài sản của công dân?
Sở dĩ nói như vậy bởi có lẽ ai cũng còn nhớ khi được hỏi vì
sao không tịch thu xe đua, đã có quan chức nói không có luật nào cho phép họ
tịch thu xe dù xe đó được đem ra đua trái phép. Lúc đó đã có nhiều ý kiến tranh
cãi gay gắt, yêu cầu phải sửa quy định để áp dụng biện pháp tịch thu phương
tiện đua xe mới làm do dân đua xe sợ. Nhớ lại những lập luận lúc đó mà buồn:
- Bộ luật Dân
sự quy định rõ, quyền sở hữu là bất biến, đó là nguyên tắc tối cao.
- Cơ quan
công an không có quyền tịch thu, tiêu hủy xe, kể cả khi đó là phương tiện đua
xe trái phép. Muốn tịch thu xe phải có phán quyết của toà án.
- Vân vân và
vân vân...
Thế mà tịch thu cái bàn, chiếc ghế, gánh hàng rong thì chẳng
thấy ông luật sư hay đại biểu Quốc hội nào lên tiếng.
Phải khẳng định không ai được quyền tịch thu tài sản của
công dân trừ phi có lệnh của tòa án.
Và cho dù có quyền tịch thu tài sản đi chăng nữa, cũng phải
làm đàng hoàng, tức là ghi biên bản, có nhân chứng, có ghi hiện trạng tài sản,
có niêm phong... Tại sao với dân nghèo, ai muốn làm gì thì làm?
Với những ai lập luận phải giữ kỷ cương để duy trì trật tự
mỹ quan đô thị - chính cái cảnh xô đẩy, ném đồ của dân lên xe thùng mới là mất
mỹ quan. Giả dụ có đồng tình với việc giải tỏa vỉa hè đi chăng nữa, tại sao
không làm việc một cách văn minh, lịch sự, có lập biên bản và phạt nặng để họ
sợ mà không lấn chiếm vỉa hè. Vì sao lại quẳng quật tài sản của dân một cách
trái luật? Cho nên nói cách nào cũng sai lè ra cả. Tôi nghĩ chúng ta phải lên
tiếng buộc chủ tịch phường phải xin lỗi người dân và cấp trên của ông ta phải
lo mà chấn chỉnh cách làm việc của các đội trật tự đô thị.