Vàng – vẫn có
cách khác
Con ngáo ộp “vàng hóa”
Chuyện tách vàng ra
khỏi hệ thống tiền tệ là đúng nhưng nói “vàng hóa” đang gây tác động lớn lên tỷ
giá, cán cân thanh toán e rằng hơi nói quá. Để vàng thật sự là một loại tiền
tệ, tác động trực tiếp lên chính sách thì nó phải có đầy đủ cả ba chức năng như
tờ đô-la: lưu giữ giá trị, đơn vị kế toán và phương tiện thanh toán. Hai chức
năng sau ngày nay hầu như đã biến mất, người ta chỉ còn giữ vàng như một phương
tiện cất giữ tài sản mà thôi. Câu hỏi đặt ra là hiện nay ai đang “vàng hóa”?
Một điều khá lạ: Tuần trước,
Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam
những tháng đầu năm 2013. Nhưng toàn văn báo cáo không có một dòng nào về
chuyện vàng, ngoại trừ một câu gián tiếp: “…vẫn
còn dựa nhiều vào các biện pháp hành chính để giải quyết các vấn đề - trần lãi
suất huy động, trần lãi suất cho vay, độc quyền một số ngành nghề (như vàng)…”.
Các báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam của các tổ chức nước ngoài hầu như cũng
không đề cập gì đến vàng hay chính sách quản lý vàng.
Đúng là vàng lẽ ra không chiếm
một vị trí nổi bật như thời gian qua trong quản lý, điều hành cũng như trong
tâm trí mọi người; lẽ ra đã có thể có những giải pháp thay thế nhẹ nhàng hơn
nhiều mà vẫn đạt được mục tiêu loại bỏ dần vàng ra khỏi hệ thống tiền tệ của
nền kinh tế. Ngoài vàng, nền kinh tế đang có vô số vấn đề cần quan tâm hơn
nhiều.
Điều đầu tiên phải khẳng định là
sự xáo động do vàng gây ra nếu có là từ phía cơ quan quản lý với những chính
sách bất nhất và sự tham gia của các ngân hàng vì động cơ lợi nhuận chứ đa phần
người dân không có khả năng để đầu cơ hay thao túng giá. Sự bất nhất về chính
sách (xem thêm bài “Vàng nhìn từ góc độ
chính sách”, trang xxx) đã lôi kéo nhiều ngân hàng vào cuộc chơi huy động
vàng, bán lấy tiền đồng để kinh doanh chênh lệch lãi suất trong suốt 10 năm
trời. Việc ngưng, rồi lại hoãn, rồi lại cho, rồi ngưng huy động vàng cứ lập đi
lập lại nhiều lần, gây chây nhờn về mặt tuân thủ, nhất là khi các ngân hàng làm
theo lời kêu gọi và hứa hẹn của NHNN vào cuối năm 2011.
Lẽ ra NHNN đã có thể đưa ra một
lộ trình rõ ràng, dứt khoát, không nhân nhượng về chuyện các ngân hàng phải tất
toán vàng nhưng lộ trình phải khả thi, không gây sức ép lên thị trường. Lộ
trình từng giai đoạn này nếu được công khai, các ngân hàng chủ động tuân thủ và
thông tin tuân thủ đến đâu cũng được công khai thì sẽ không còn chỗ cho đầu cơ,
thao túng giá. Việc huy động vàng kéo dài cả 1 thập kỷ thì không việc gì chỉ có
một cột mốc duy nhất, lại dời đi dời lại nhiều lần. Định ra các cột mốc tất
toán dần dần được 20%, 50%, 70%... hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà quản lý. Nếu
vàng cũng có vai trò như ngoại tệ thì nên nhớ cho đến nay chúng ta đã chống
được việc đô-la hóa 100% đâu và đô-la hóa, vì thế, vẫn còn có vai trò của nó
trong một thời gian dài nữa.
Một góc độ khác của sự nhất quán
trong chính sách nằm ở chỗ, nếu NHNN đã hứa với các ngân hàng tham gia “bình ổn
giá vàng” vào cuối năm 2011 là sẽ “xem xét cho phép nhập khẩu vàng để bù đắp
lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi” thì nay cứ cấp giấy phép cho nhập khẩu vàng. Để
các ngân hàng không lợi dụng hưởng siêu lợi nhuận thì cứ đánh thuế nhập khẩu
10%-15% như Ấn Độ đang tiến hành (thuế suất 8%). Lúc đó ngân sách nhà nước vẫn
thu được khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhưng
sẽ danh chính ngôn thuận hơn nhiều so với việc NHNN nhập vàng về độc quyền bán
đấu giá.
Cái lập luận NHNN bán đấu giá
vàng nên chủ động thu về cho ngân sách chừng 5.000 tỷ đồng là không chính xác. Với
bất kỳ mặt hàng nào trong nước không sản xuất được, chỉ cần ra lệnh cấm nhập,
rồi giao cho một đơn vị độc quyền kinh doanh, độc quyền định giá thì tiền thu
về cho ngân sách sẽ không biết bao nhiêu mà kể. Vấn đề là sự độc quyền như thế
sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế như thế nào. Ngân hàng giả thử mua vàng giá
cao nên bị thua lỗ, thay vì đóng thuế cao nay không đóng thuế thì rốt cuộc ngân
sách cũng không lợi được thêm 5.000 tỷ đồng như chúng ta tưởng.
Tiến hành như thời gian vừa qua,
lợi đâu chưa rõ mà thiệt hại ít nhất về mặt tâm lý là rất rõ. Mọi tuyên bố cũng
như lý giải của các quan chức quản lý đã lần lượt bị thị trường chứng minh
ngược lại; công cuộc chống “vàng hóa” chưa được bao nhiêu thì sự “vàng hóa” tâm
lý thị trường lại được tô đậm; giá vàng vẫn tác động lên tỷ giá ngoại tệ; tình
hình đầu cơ vàng vẫn chưa biến mất; sự găm giữ vàng như một nơi trú ẩn an toàn
cho tài sản người dẫn vẫn không giảm sút. Có một sự lúng túng thấy rõ, ít ra là
về mặt giải thích chính sách và công khai thông tin (chẳng hạn, hơn 1 triệu
lượng vàng vừa qua nay đang ở đâu, không ai biết).
Thị trường luôn luôn có cách ứng
xử của nó và tâm lý, thói quen của người dân không thể thay đổi dễ dàng trong
một sớm một chiều. Cách tốt nhất hiện nay là dần dần rút khỏi các biện pháp
mang tính hành chính, trả các mối quan hệ về cho thị trường chi phối và trong
lúc chuyển đổi, nên công khai thông tin để hạn chế việc lạm dụng như ai mua,
mua bao nhiêu trong từng phiên đấu thầu vàng để thị trường thay mặt nhà nước sẽ
giám sát và làm lộ diện bất kỳ kẻ đầu cơ nào.