Cơ hội WTO đi
qua, ngổn ngang ở lại
Hơn sáu năm đã trôi
qua kể từ ngày Việt Nam
trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từng ấy
thời gian nay nhìn lại cũng đủ để nói rằng Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tận dụng tư
cách thành viên WTO, một phần do cái tâm thế “ăn xổi, ở thì” ngay sau khi gia
nhập.
Rất nhãn tiền
Theo báo cáo “Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội
Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO” mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa mới công
bố, tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2007-2011, tức 5 năm sau khi gia nhập
WTO thua sút giai đoạn 2002-2006, tức 5 năm trước khi vào WTO, về nhiều mặt. Từ
xuất khẩu, nhập khẩu, GDP đến đầu tư toàn xã hội… tất cả đều có mức tăng trưởng
kém hơn trước.
Thật ra tình hình không đơn giản
như thế.
Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào
tháng 1-2007. Sự hào hứng của giới đầu tư nước ngoài và dân kinh doanh trong
nước đã tạo ra những kỷ lục ngay trong năm đó. Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh
tế tăng kỷ lục ở mức 53,9% theo giá thực tế. Nhìn lại mức tăng chỉ vài ba phần
trăm hiện nay mới thấy đây là con số khó tưởng tượng nổi. Mức tăng tín dụng này
đã phần nào biến tiền ảo thành tiền thật.
Trước khi vào WTO, giá đủ loại tài
sản ở Việt Nam
đã tăng vọt. Chủ các công ty đang làm ăn bình thường bỗng một hôm thức dậy thấy
tài sản của mình được định giá gấp 5, 10 lần (mà từ phổ biến lúc đó gọi là 5
chấm, 10 chấm). Vào WTO, quả bong bóng tài sản này càng phình to rất nhanh. Không
hiếm công ty niêm yết trên sàn có giá cổ phiếu gấp mấy chục lần mệnh giá như FPT
(665.000 đồng), SJS (728.000 đồng). ACB (292.000 đồng)... Tiền ảo trên sàn
chuyển sang tiền ảo bất động sản, giá nhà đất tăng vọt từng ngày, từng giờ, làm
ai nấy đều “phấn khởi” vì biến thành tỷ phú trong chốc lát. Sự giàu có trên sàn
chứng khoán hay địa ốc dù sao cũng là ảo (trừ phi bán đi cho người khác) nhưng
định giá cho nó thì không ảo chút nào. Và dựa trên sự định giá cao ngất đó,
ngân hàng đã cho vay vô tội vạ trong khi vẫn tưởng mình đang cầm cái chuôi
trong tay là vật thế chấp đang lên giá đều đều. Tín dụng đã biến tiền ảo thành
tiền thật đổ vào nền kinh tế là thế.
Xã hội giàu lên nên nhập khẩu
tăng vọt đến 40% trong năm 2007 (lại một kỷ lục mới), nhập siêu hàng hóa tăng
mạnh, đạt 14,2 tỷ đô-la vào năm 2007 và 18,0 tỷ đô-la năm 2008. Thế nhưng đồng
tiền vẫn không hề mất giá; thậm chí còn lên giá trong một thời gian từ tháng
10-2007 đến tháng 4-2008. Đó là bởi dòng tiền nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam
trong năm 2007 ngay sau khi có tin Việt Nam trở thành thành viên WTO: vốn đầu
tư trực tiếp tăng kỷ lục đến 93,4% so với năm trước (5,6 tỷ đô-la); vốn gián
tiếp cũng đổ vào đến 6,5 tỷ đô-la. Cán cân tổng thể thặng dư đến 10,2 tỷ đô-la.
Một kỷ lục khác của năm này là mức đầu tư toàn xã hội tăng đến 46,5%. Tất cả
những yếu tố đó đã giúp GDP có mức tăng kỷ lục trong năm 2007 – 8,5%, cao nhất
so với 10 năm trước đó.
Và ở đây đã xuất hiện phép thử
rất nghiệt ngã: nếu mọi người bình tĩnh tận
dụng hết những lợi thế vừa mới xuất hiện trong năm 2007, năm đầu tiên sau gia
nhập WTO để đi vào sản xuất kinh doanh theo thế mạnh của từng người, tận dụng
cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, để đầu tư chiều sâu, thâm nhập thị
trường nội địa thì mọi chuyện đã khác. Đằng này bong bóng tài sản hào nhoáng
quá, sức hút của sự làm giàu trong chốc lát nhờ chứng khoán, địa ốc, ngân hàng
lớn quá, mọi người bỏ sở trường nhảy vào sở đoản và mọi chuyện hư sự từ đây.
Thị trường chứng khoán là nơi
phản ánh rõ nét cơ hội đã vụt qua như thế nào: sau khi đạt đỉnh 1.170 điểm vào
đầu năm 2007, thị trường đã lình xình lên xuống, rồi nhanh chóng tụt dốc từ
tháng 10-2007, xuống đáy còn 235 điểm vào tháng 2-2009.
Nhưng như những con bạc khát
nước, cộng với gói kích cầu của chính phủ lên đến xấp xỉ 9 tỷ đô-la Mỹ vào năm
2009, mọi người, kể cả các doanh nghiệp nhà nước vẫn lao vào cuộc chơi: đầu tư
vào địa ốc nhờ mối quan hệ với chính quyền địa phương và làm sân sau cho các
ngân hàng thương mại; đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty cháu; hùn
vốn mở ngân hàng, tiếp tục cho vay vô tội vạ. Khủng hoảng tài chính thế giới
bùng phát cùng thời điểm làm tình hình chuyển biến nhanh, sự suy thoái ngày
càng hiển hiện.
Hậu quả thì ai cũng rõ: Lạm phát
tăng liên tục, đạt đỉnh 28,3% vào tháng 8-2008; Nợ xấu bùng phát mà con số
chính thức cho đến nay vẫn chưa xác định; Các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn như
Vinashin, Vinalines đổ vỡ; Thị trường địa ốc đóng băng, thị trường chứng khoán không
hồi phục nổi; Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân phá sản, ngưng hoạt động. Đau nhất
là nhận xét của báo cáo: “Dường như gia nhập WTO chưa mang lại lợi ích đáng kể
đối với tăng trưởng xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp nước ta chưa tận dụng được
đáng kể cơ hội mới từ các nền kinh tế thành viên WTO”. Tổng quát hơn, cũng theo
báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn
5 năm sau WTO giảm sút hơn nhiều so với 5 năm trước WTO.
5 năm tới
Lúc nào nhìn lại cũng dễ hơn
nhìn tới. Nhưng có một điều có thể đoan chắc, tư cách thành viên WTO không gây
ra những điều nói trên: nó chỉ là chất xúc tác, đẩy nhanh quá trình phát triển
nếu đi đúng hướng và đẩy nhanh xuống vực suy thoái nếu chọn sai con đường. Thứ
hai, chúng ta đang ở giai đoạn giải quyết hậu quả nên chưa thể nói chắc tương
lai 5 năm sắp tới sẽ như thế nào.
Tuy nhiên một số xu hướng cũng
đã dần dần hình thành khá rõ nét: Trong khi khu vực trong nước đang lao đao vì
hậu quả chạy theo bong bóng thì khối đầu tư nước ngoài đã có những sự bức phá ngoạn
mục tiếp tục tận dụng được cơ hội WTO từ phía họ. Dần dà những cam kết của Việt
Nam
như mở cửa thị trường ngân hàng, tài chính, logistics đã được nhà đầu tư nước
ngoài nắm lấy: các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài chiếm thị phần
ngày càng lớn; xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ngày càng tăng trong khi trong
nước lại đang giảm.
Cũng do cam kết giảm thuế nên
một số nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ việc sản xuất tại Việt Nam cho thị trường Việt Nam (để tận
dụng ưu đãi thuế trước đây) mà chuyển sang nhập khẩu (vì chênh lệch thuế không
còn đáng kể nữa). Ngược lại cũng một số doanh nghiệp FDI khác chọn Việt Nam
làm cơ sở sản xuất cho dây chuyền tiêu thụ toàn cầu của họ, đúng y bài bản của
việc tận dụng đúng cách WTO.
Riêng nước ta, cho đến bây giờ
vẫn còn loay hoay tìm một chiến lược hậu WTO mà trong nhiều trường hợp lại thất
bại. Lấy ví dụ, để chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, Việt Nam tham gia Công ước
Berne, các nhà xuất bản đã biết mua bản quyền thay vì dịch lậu. Nhưng cũng từ đó
mới có chuyện cân nhắc giá rẻ, nhiều nhà xuất bản đã quay sang mua bản quyền từ
Trung Quốc. Thế là nảy sinh vấn nạn chất lượng sách, sách in cờ Trung Quốc, sách
dạy tiếng Anh mà toàn nói chuyện văn hóa Trung Quốc…
Cuộc khủng hoảng vừa qua cũng có
mặt tốt của nó khi mỗi doanh nghiệp không còn hào hứng vô căn cứ như ngày xưa
nữa, nay phải tự mình thiết kế chiến lược WTO cho mình.
Riêng ở tầm mức vĩ mô, cũng không
thể kỳ vọng gì nhiều vì ngay chính đề án tái cơ cấu nền kinh tế vừa mới ban
hành cũng đã nhận được nhiều góp ý, đòi sửa lại nhiều điều, thậm chí là viết
lại.
Chỉ biết có những bài học từ
cuộc khủng hoảng mà cho đến nay tính thời sự vẫn còn nóng hổi. Ví dụ, giảm mức
tăng tín dụng là tốt để giới ngân hàng từ từ xử
lý những năm tháng nôn nóng cho vay tràn lan, có lúc có ngân hàng cho
vay đến 250% vốn huy động. Tại sao cứ khăng khăng đòi ngân hàng phải cho vay ồ
ạt, phải tăng tín dụng lên nhanh, phải giảm lãi suất khi tài chính chưa vững?
Hay ví dụ, để tăng xuất khẩu,
không chỉ tập trung tìm cách tăng sản lượng mà còn phải nâng cao chất lượng
hàng xuất khẩu. Thay vì xuất thô titan, hãy đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để
tăng giá trị hàng xuất khẩu. Công cụ trong tay nhà nước là thuế, đánh thuế cao
nguyên liệu xuất thô và khuyến khích giảm thuế nếu xuất hàng tinh chế. Xét ở
góc độ này, câu trả lời nên ứng xử như thế nào với khoáng sản bauxite từng gây
nhiều tranh cãi e đã rất rõ – để đó cho con em khai thác và chế biến trong
tương lai chứ không xuất thô và gánh chịu lỗ lã như bây giờ.
Có lẽ câu nói của Adam Smith, nhà
kinh tế kinh điển nổi tiếng, nay càng thấm thía hơn cả: “Sự thịnh vượng của thế
giới không phải được mua bằng vàng hay bạc – nó được tạo ra bởi lao động” – đơn
giản vậy thôi.