Chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp
Nguyễn Vạn Phú*
Làng báo Việt Nam hiện đang phải đối diện với nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề theo tôi mang tính bao trùm, đang tác động mạnh đến các vấn đề khác. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp của làng báo nói chung và sự thiếu chuyên nghiệp của không ít quan chức quản lý báo chí. Hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau.
Chuyện thiếu chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam có lẽ nhà báo nào cũng có thể nhớ và kể đôi ba mẩu. Chúng tập trung vào những dạng như: phóng viên đưa tin không trích nguồn, phỏng vấn nguồn tin mà thực sự không phỏng vấn (thường là lấy từ báo khác), nhảy xổm vào tin để bình luận, suy đoán, viết tin bài theo trào lưu chung vào từng thời điểm, viết tin mà không hiểu nguồn tin nói gì, ghi sai ý của nguồn tin để phục vụ cho ý đồ của tin, không chịu tìm hiểu thông tin nền nên tin không có đầu có đuôi, chép gần nguyên văn thông cáo báo chí…
Một trong những biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp là khi phóng viên nghe sao về viết vậy cho dù nguồn tin đang nói về một nhân vật thứ ba, đưa ra thông tin liên quan đến một nhân vật thứ ba, có tác động lớn lên nhân vật này. Ít khi nào phóng viên chịu khó kiểm chứng nguồn tin ban đầu bằng cách hỏi thẳng nhân vật đang bị nói tới. Và lúc đó, phóng viên thường viết theo kiểu nguồn tin đang nói đúng, phóng viên hoàn toàn đứng về nguồn tin, cũng lên án, cũng buộc tội, cũng phê phán nhân vật thứ ba kia bằng những lời lẽ nặng nề.
Hậu quả dễ thấy nhất của sự thiếu chuyên nghiệp như thế là gì? Uy tín và độ tin cậy của báo chí ngày càng giảm sút. Giả dụ các nhà báo giả làm người ngoài nghề, cứ đi nghe người ta nói về nghề báo, chắc sẽ nghe không biết bao lời chê trách – từ quan chức quản lý đến doanh nhân, từ nhà giáo đến giới nghệ sĩ. Sự phát triển mau lẹ của làng báo, nhất là dạng báo ngày, đã kéo theo sự hụt hẫng trong đội ngũ làm báo, thiếu từ phóng viên đến biên tập viên… là một trong những nguyên nhân trực tiếp của sự thiếu chuyên nghiệp này nhưng không phải là nguyên nhân sâu xa.
Ở góc cạnh khác, không ít lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp, thể hiện rõ nhất là việc ra lệnh không đăng tin này, bỏ tin kia, không đề cập đến vấn đề này, không bàn vấn đề kia mà không có một giải thích thỏa đáng. Đã có nhiều lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra chậm chạp trong phản ứng trước các vấn đề thời sự. Trong thời đại thông tin ngày nay, sự thiếu chuyên nghiệp đó đã tạo ra một khoảng trống thông tin bị lấp ngay bởi thông tin không chính thống, tạo ra những luồng dư luận ngược chiều không đáng có.
Theo tôi việc cấm đoán không cần giải thích đó thoạt tiên có mối quan hệ từ việc thiếu chuyên nghiệp của báo chí. Thấy không thể tin tưởng phóng viên xử lý thông tin một cách đầy đủ, hiểu biết và bản lĩnh, cơ quan quản lý báo chí có lý do để siết lại báo chí, như ra lệnh phỏng vấn ai phải để cho người ta xem lại mới được đăng. Dĩ nhiên, chuyện cấm đăng tin này tin kia còn nhiều lý do khác nữa (ví dụ bài viết của các chuyên gia thì không thể nói là thiếu chuyên nghiệp – vấn đề là có chấp nhận sự tranh luận trên mặt báo không mà thôi) nhưng sự không tin vào tính chuyên nghiệp của báo chí, vào khả năng xử lý thông tin một cách nhạy bén của phóng viên càng làm giới quản lý nghĩ, thôi cứ cấm cho khỏe. Thoạt tiên, việc cấm đoán hạn chế vào một số báo có tay nghề yếu hay các bài cụ thể nhưng lan dần ra các tờ báo chính thống có lẽ vì thấy đây là cách quản lý dễ nhất.
Và đây chính là một sai lầm có tính nhân quả - càng cấm đoán, báo chí càng thiếu chuyên nghiệp và báo chí càng thiếu chuyên nghiệp, càng bị cấm đoán. Muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này, báo chí phải tự mình nâng tính chuyên nghiệp lên và cơ quan quản lý báo chí phải chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa phải để báo chí hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật đã quy định.
Thật ra, với làng báo, việc hoạt động chuyên nghiệp hay không không khó. Những người làm báo có tay nghề đều biết đâu là yếu tố cần tuân thủ để tạo ra sự chuyên nghiệp hóa. Làng báo vẫn không thiếu phóng viên giỏi, biên tập viên tay nghề cao. Ở trên tôi có nói sự phát triển quá nhanh trong khi nguồn nhân lực không đáp ứng kịp là nguyên nhân trực tiếp nhưng không phải là nguyên nhân sâu xa của việc báo chí thiếu chuyên nghiệp. Theo tôi, biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp nói trên cũng khởi nguồn từ sự cố ý dễ dãi, như một sự phản kháng, một cách thu hút độc giả khi không còn có thể đưa tin chuyên nghiệp trong nhiều trường hợp. Lâu dần, một thế hệ phóng viên mới đã lậm sâu vào cách viết báo không chuyên nghiệp và không biết mình đang làm sai nghề. Hiện nay phóng viên không còn động lực săn tin, tìm bằng chứng cho thể loại chống tham nhũng vì họ nghĩ công sức bỏ ra chưa chắc đã được đăng, đăng rồi chưa chắc đã tránh rắc rối. Sự cạnh tranh gián tiếp của thế giới blog hoàn toàn chủ quan, nhiều lúc hàm hồ, càng thúc đẩy sự thiếu chuyên nghiệp như thế.
Khi báo chí được tôn trọng, được đối xử như thế một diễn đàn của công luận, không bị cấm đoán, không bị chỉ đạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, thì lúc đó bắt buộc báo chí phải tự mình chuyên nghiệp hẳn lên mới được độc giả bỏ tiền ra mua. Cạnh tranh theo hướng lành mạnh sẽ buộc báo chí phải đua nhau đưa tin một cách khách quan nhất, trung thực nhất bởi thế giới thông tin ngày nay sẽ phản bác ngay bất kỳ thông tin nào cố ý đưa sai, đưa không chuyên nghiệp.
Để báo chí làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, cần xác định điều quan trọng nhất là báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải làm đúng theo Hiếp pháp và pháp luật, xem đó là cơ sở vững chắc nhất để hoạt động. Không thể dựa vào ý kiến của bất kỳ một cá nhân nào đó để hôm nay bảo báo chí không được nói về chuyện tỷ giá, hôm sau nói báo chí chưa nên vội viết về xuất khẩu gạo. Cũng không thể dựa vào nhận xét của bất kỳ ai để phê phán bài báo này sai bài báo kia đúng. Tất cả phải dựa trên luật pháp đã có sẵn. Báo chí sẵn sàng chịu phạt, phóng viên chịu bị rút thẻ nhà báo, thậm chí tờ báo bị đình bản nếu sai phạm của họ được chỉ ra rõ đối chiếu với các điều luật hiện hành. Lúc đó, tính chuyên nghiệp tự khắc phải được chú ý, tay nghề phóng viên buộc phải nâng lên… Còn làm ngược lại như hiện nay, làng báo sẽ dần bị đẩy vào chỗ yếu kém, bất lực và tê liệt trước những biến động ngổn ngang của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
-------------
* Tham luận đọc tại Đại hội Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, ngày 26/2/2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment