Khủng hoảng, ừ thì khủng hoảng!
Nguyễn Vạn Phú
Đôi lúc vì ở ngay tâm của khủng hoảng, người trong cuộc bị cuốn vào dòng chảy thông tin tràn ngập mỗi ngày. Để đến lúc ra khỏi khủng hoảng mới thấy nhiều lúc người ta quá chú tâm đến điều không quan trọng và bỏ qua những yếu tố mang tính sống còn.
Vào khoảng thời điểm này năm ngoái, tâm điểm chú ý là thị trường chứng khoán với mối lo ngại chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh sẽ tác động xấu lên nền kinh tế. Nhiều quan chức nhà nước ra sức trấn an dư luận, lúc thì nói giá chứng khoán đã giảm đến đáy, nên mua vào sẽ có lời; lúc thì bàn tính chuyện dùng tiền ngân sách giải cứu chứng khoán.
Chắc chắn thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe của nền kinh tế và việc thị trường sụt giảm để lại những hệ quả to lớn cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư mãi tận đến bây giờ. Nhưng khủng hoảng kinh tế đầu năm ngoái không có mối quan hệ nhân quả với giá cả trên thị trường chứng khoán – nó chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của những căn bệnh sau đó được chẩn đoán đầy đủ: mức tăng quá nhanh của tổng phương tiện thanh toán và tín dụng dẫn đến lạm phát, đầu tư tràn lan, kể cả đầu tư tài chính, nhập siêu, biến động tỷ giá. Nửa cuối năm ngoái hầu như không còn ai nhắc đến thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với các giải pháp vực dậy nền kinh tế nữa.
Nay cũng thế, có những mối quan tâm nghe qua tưởng chừng liên quan rất chặt chẽ với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động lên Việt Nam nhưng cũng chỉ là chuyện triệu chứng bên ngoài. Giá vàng là một ví dụ. Giá vàng hiện đang biến động bất thường, chủ yếu là do giới đầu cơ tìm cách hưởng lợi từ khủng hoảng. Không cần quá quan trọng hóa những biến động này, làm cho người dân có thể chịu thiệt hại không cần thiết, trừ những người buôn bán vàng qua mạng – một dạng cờ bạc không hơn không kém đánh cược vào sự lên xuống giá vàng chẳng khác gì cược ngày mai trời mưa hay nắng.
Nếu không có cái nhìn tỉnh táo, vượt lên trên những triệu chứng khủng hoảng hiện nay, rất dễ lập lại những sai lầm về mặt chính sách và lúc đó, rất dễ xảy ra khả năng thế giới sẽ thoát cơn khủng hoảng còn chúng ta lại trở về đối diện với những khó khăn của nền kinh tế như năm ngoái.
Những triệu chứng nổi lên hiện nay là xuất khẩu giảm và có khả năng giảm mạnh hơn nữa, sản xuất công nghiệp tăng rất chậm, thậm chí còn giảm khá mạnh ở khu vực nhà nước, thất nghiệp cao, hàng hóa tiêu thụ chậm lại… Trong bối cảnh đó rất dễ đưa ra những chính sách mang tính giải quyết tình thế nhằm nâng năng lực sản xuất. Và khi thực hiện, rất dễ quay ngược trở lại, sử dụng những biện pháp tăng trưởng mà chúng ta từng phải mất khá nhiều công sức mới xác định chúng là thủ phạm gây khó khăn cho nền kinh tế trong năm ngoái. Đó là để tín dụng tăng quá nhanh, là sản xuất bất kể tiêu thụ, là rót tiền cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, có thể bây giờ không phải để đầu tư tràn lan nữa mà là duy trì sự tồn tại của các dự án không hiệu quả…
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã làm thay đổi nhiều mô hình kinh doanh. Nếu không nhận ra sự dịch chuyển đó, chúng ta chỉ sẽ loay hoay với các biện pháp ngắn hạn. Thay vì chú trọng nhắm đến đối tượng doanh nghiệp làm nơi tháo gỡ khó khăn, hãy để chính họ cảm nhận những thay đổi đang diễn ra trên thị trường và tìm biện pháp thích nghi. Điểm mạnh của khối doanh nghiệp dân doanh ở Việt Nam là tính linh hoạt, xoay chuyển chiến thuật và chiến lược rất nhanh để đáp ứng tình hình mới. Sự thâm nhập thị trường Mỹ nhanh chóng và mạnh mẽ sau khi ký kết hiệp định thương mại song phương hay kể cả sự lợi dụng thị trường chứng khoán vào năm ngoái năm kia chứng tỏ điều đó. Trụ vững sau khủng hoảng sẽ là những doanh nghiệp trưởng thành, có tầm nhìn, có bản lĩnh; còn những doanh nghiệp chỉ biết dựa vào các mối quan hệ để làm giàu thì dù có phá sản cũng là điều đáng mừng cho nền kinh tế.
Vì vậy, chính sách khả dĩ nhất hiện nay là tập trung vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân vì họ sẽ là chỗ dựa cho cả nền kinh tế nếu khó khăn tiếp tục kéo dài. Dùng ngân sách rót vào các dự án thật sự cần thiết cho xã hội cũng là cách kích cầu trực tiếp nhất, lại sàng lọc doanh nghiệp có năng lực thật sự để nhận dự án và tạo công ăn việc làm cho công nhân mất việc từ các doanh nghiệp yếu kém. Điều đáng nói là năng lực hành chính của Việt Nam còn rất yếu cho nên kích cầu thông qua các tập đoàn nhà nước luôn là lựa chọn hàng đầu vì dễ thực hiện. Kích cầu trực tiếp cho người dân đòi hỏi một bộ máy linh động, năng nổ và công tâm hơn nhiều. Chính sách nông thôn hiệu quả trải dài trên cả nước cũng vậy, đòi hỏi quyết tâm lớn từ lãnh đạo và sự thống nhất của bộ máy hành chính để triển khai nhanh và đều khắp.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment