The Reader – quá nhiều ẩn dụ
Trong năm phim được đề cử giải Oscar phim hay nhất năm nay, báo chí viết nhiều về Slumdog Millionaire hay The Strange case of Benjamin Button và ít thấy nói về ba phim còn lại. Với The Reader, có lẽ do phim thuộc loại khó xem, khó hiểu hết ý nghĩa vì sử dụng quá nhiều ẩn dụ về một giai đoạn lịch sử đã quá xa.
Nội dung bề mặt của The Reader khá đơn giản tuy kết cấu câu chuyện bị chẻ thành từng đoạn xen lẫn hiện tại với hồi ức của nhân vật chính. Michael Berg lúc mới 15 tuổi tình cờ rơi vào một mối tình với Hanna Schmitz, lúc đó đã 36 tuổi – một mối tình trộn lẫn giữa nhục cảm và thú đọc sách. Một thời gian sau Hanna biến mất và 8 năm sau lại xuất hiện trong phiên tòa xét xử tội của cô lúc còn làm giám thị một trại giam thời Đức Quốc Xã. Michael lúc này là sinh viên luật, dự khán phiên tòa. Vì sĩ diện không muốn tiết lộ mình là người không biết chữ, Hanna nhận hết tội về mình và bị kết án tù chung thân. Michael lớn lên, ám ảnh khôn nguôi về mối tình ngày xưa, chỉ còn biết đọc sách vào băng ghi âm và gởi cho Hanna. Phim kết thúc với cái chết của Hanna khi đã tự đọc được sách và đã gần ngày ân xá.
Tầng lớp ẩn dụ đầu tiên là nỗi ám ảnh của Michael, đại diện cho một lớp trẻ nước Đức sau Thế chiến thứ II, dù không dính líu trực tiếp vẫn có mặc cảm đồng lõa với các tội ác chiến tranh. Mối tình với Hanna chỉ là cái cớ, một dạng “ngôn ngữ điện ảnh” về sự dính líu đó. Việc đọc sách cũng chỉ là hình ảnh nỗ lực tìm hiểu cái quá khứ đầy bí mật, đầy nỗi đau và sự khoái cảm tình dục.
Thế nhưng tầng lớp ẩn dụ thứ nhì chính là lý do nhiều nhà phê bình cho rằng The Reader muốn tìm cách lý giải cho tội ác Đức Quốc Xã gây ra cho nhân loại. Hanna không biết đọc nhưng biết thưởng thức các tác phẩm văn học mà Michael đọc cho cô nghe trước mỗi lần giao hoan. Tức là cô biết đến thiện ác nhưng không biết chúng có tồn tại. Cô không mở cửa nhà thờ để 300 người chết cháy bên trong vì những suy nghĩ máy móc về nghĩa vụ của người làm công. Hình ảnh cô bước lên chồng sách đã đọc để tự treo cổ mình muốn gởi đi thông điệp: cái ác diễn ra chỉ vì sự ngu dốt.
Đây là một trong những phim ít ỏi không miêu tả trực tiếp nạn tàn sát người Do Thái mà nói về một thế hệ lớn lên trong ám ảnh về nó. Phim được đề cử nhận giải Oscar nhưng khả năng được giải thấp vì không phải ai cũng chấp nhận sự lý giải của các nhân vật trong phim. Riêng với Kate Winslet trong vai Hanna đã chứng tỏ tài năng diễn xuất tuyệt vời trong nhiều dạng nhân vật khác nhau. Những ai từng xem Titanic ngày xưa không thể hình dung một Winslet ít nói, hầu như chỉ diễn bằng nét mặt, cử chỉ. Người xem vừa thấy một Winslet thô kệch, cáu gắt lại vừa ngây thơ, bất lực ngay cả trong tội ác.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment