Tuesday, February 17, 2009

Tu mot chuyen nho xiu

Từ một chuyện nhỏ xíu

Nguyễn Vạn Phú

Một blogger, sau khi đọc thấy tin “Mai Linh: lời giả, lỗ thật” đăng trên TBKTSG số ra ngày 5-2-2009, đã vào mạng để tìm ấn bản điện tử của tin này. Không biết vì lý do gì, blogger này tìm không ra, bèn viết trên blog của mình:

“… Chuyện thứ hai, cũng là một sự việc đã đăng rồi lại gỡ xuống, nhưng lại chẳng liên quan gì đến chính trị, mà dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng. Đó là mẫu tin trên trang 16 Thời báo KTSG, số 7-2009 ra ngày 5-2-2009 về tập đoàn “Mai Linh: lời giả lỗ thật”. Tạp chí ra hàng tuần (được xem là uy tín nhất về kinh tế hiện nay) và được đăng tải lên mạng dưới dạng e-paper (bản scan). Nhưng bản e-paper của số này bị cắt mất 1 tờ của trang 15 và 16, tức trang có thông tin đăng tin tức về Mai Linh báo cáo không trung thực. Các bạn có thể vào link này để xem e-paper bị mất 2 trang: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/324/22505/14/, và xem cái ảnh ở trên là tin tức về Mai Linh được scan lại từ báo in. Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền. Sao thế TBKTSG?”

Đây là một nhầm lẫn đáng tiếc vì blogger này chỉ cần nhìn lại cái địa chỉ mình đã cất công cắt dán vào bài để thấy rằng nó là trang 14 và chỉ cần nhấn thêm một cú nhấp chuột để chạy sang trang kế thì sẽ thấy tin này nó nằm ngay ở đầu trang, không ai cắt bỏ nó đi đâu cả.

Điều đáng nói là một số website khác cũng vội vàng đăng lại nội dung này lên mà không một ai chịu khó kiểm chứng lại thông tin bằng cách coi thử cái trang nó dẫn mình đến là trang số mấy và coi tiếp xem có phải TBKTSG thật sự cắt mất hai trang báo hay không.

Từ câu chuyện có vẻ nhỏ xíu này, tôi bỗng nhớ lại những bài viết cảnh báo về hiện tượng “đám đông a dua” (mob rule) và tâm lý thích “suy đoán âm mưu” (conspiracy theory) đang đe dọa tính dân chủ của các cộng đồng Internet.

Lấy đoạn trích từ blog nói trên, tại sao người viết có thể dễ dàng suy luận một cách võ đoán “dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng” cũng như cáo buộc một cách hồ đồ “Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền”. Giả thử tìm không thấy, blogger này có thể nhấc điện thoại hay gởi email hỏi tòa soạn, chắc chắn sẽ được bày cách tìm ra trang tin này. (Ở đây xin mở ngoặc nói thêm: Khi sử dụng định dạng epaper, nếu từ Mục lục, bấm vào link Tin chứng khoán thì sẽ được dẫn đến trang đầu tiên - chưa có tin về Mai Linh và nếu bấm vào link kế đó cũng từ Mục lục sẽ được dẫn đến mục khác, cũng không thấy tin Mai Linh; nhưng từ trang đầu tiên của phần Tin chứng khoán, bấm để nhảy từng trang sẽ thấy tin này xuất hiện. Có lẽ đây là lý do blogger này không tìm thấy tin Mai Linh chăng).

Và các blogger khác, khi đọc nội dung, liền có tâm lý chấp nhận điều blogger đưa ra là chính xác và chỉ cần bình luận dựa trên sự khẳng định ấy mà không ai chịu kiểm tra xem cái căn bản để mình bình có chính xác hay không. Đáng buồn thay khi có một blogger khác chịu khó vào xem và cho biết trang tin đó vẫn có, chủ blog vẫn tiếp tục hồ đồ: “Ít ra họ cũng phải biết sợ dư luận và biết lo cho uy tín của mình chứ”!!!

Mạng Internet là nơi người ta có thể nói thoải mái suy nghĩ của mình, nhất là khi ẩn danh. Nhưng điều đáng buồn là lối suy nghĩ theo định kiến, rập khuôn hiện khá phổ biến. Cái lối suy nghĩ như thế là mảnh đất màu mỡ cho sự “cả vú lấp miệng em”, triệt tiêu sự độc lập trong tư duy, đầu óc phê phán – những yếu tố cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ thật sự.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...