Buông nhiệm vụ quản lý
Nguyễn Vạn Phú
Diễn tiến trong thời gian gần đây buộc chúng ta phải đặt câu hỏi liệu một số bộ, ngành trong bộ máy nhà nước có đang buông nhiệm vụ quản lý của mình.
Dễ thấy nhất là chuyện lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị vào ngày 7-4 “trước mắt, không duy trì lãi suất huy động trần”. Thế nhưng từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước, nơi chịu trách nhiệm về chính sách lãi suất lại không có một động tĩnh gì, từ việc xác định Công điện 02 ấn định trần lãi suất 12% có còn hiệu lực không đến việc giải thích cho khối ngân hàng cũng như cho người dân định hướng lãi suất sắp tới như thế nào. Trong thông báo gởi cho báo chí ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước không dành một dòng nào để nói về băn khoăn lãi suất trần của nhiều ngân hàng đã lên tiếng trước đó. Ở đây có hai vấn đề: về quản lý nhà nước, lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt sử dụng công cụ lãi suất để điều hành thị trường tiền tệ nhưng lại nhường vai trò này cho một thỏa thuận không mang tính pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng. Về mặt công luận, lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải phân tích cho người dân thấy lãi suất ở các ngân hàng với quy mô khác nhau, uy tín cũng như bề dày khác nhau thì sẽ khác nhau. Người nào ngại rủi ro sẽ gởi tiền vào ngân hàng lớn, đang chào lãi suất vừa phải; người nào thích mạo hiểm cứ nhắm đến các ngân hàng nhỏ, mới ra đời để hưởng lãi suất cao, kèm theo là mức rủi ro cao hơn. Có như thế mới hình thành một thị trường lành mạnh, có cạnh tranh để nâng cao năng lực, chứ không lẽ như hiện nay ngân hàng nào cũng như nhau. Vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước ở đây chính là sự phân loại các ngân hàng, là buộc họ cung cấp thông tin công khai cho người gởi tiền biết và cân nhắc chọn lựa. Một sự im lặng từ Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt từ người đứng đầu, chính là biểu hiện của sự buông quản lý.
Một bộ khác cũng lơ là hay hiểu sai nhiệm vụ quản lý của mình khá rõ nét là Bộ Y tế. Với bệnh tả, thay vì tập trung vào các biện pháp phòng chống đã trở thành kinh điển trên khắp thế giới, các cơ quan trực thuộc Bộ cứ thỉnh thoảng tung ra các tin “giật gân” không đâu vào đâu, như tin tiền giấy nhiễm vi khuẩn!!! Nhiệm vụ của Bộ Y tế lúc này là phải nhanh chóng in hàng triệu tờ rơi, tuyên truyền hướng dẫn cho người dân những biện pháp vệ sinh phòng dịch đơn giản như rửa tay trước khi ăn, uống nước đã đun sôi… Lâu dài hơn là một chiến dịch vận động người dân xây nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, làm sạch nguồn nước. Hoạt động của Bộ như thế nào trong nhiều năm qua để đến nay Bộ mới phát hiện rất nhiều cộng đồng dân cư không xây nhà vệ sinh và các quan chức của Bộ chỉ biết bày tỏ sự ngạc nhiên một cách rất vô tâm.
Một chuyện đơn giản là gọi tên cho đúng “tiêu chảy cấp” hay “bệnh tả”, Bộ cũng không giải quyết rốt ráo để Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị nên gọi “bệnh tả” thay vì “tiêu chảy cấp nguy hiểm”, còn Thứ trưởng Bộ Y tế thì cứ khăng khăng giải thích theo cách của mình. Riêng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường lại nói chưa công bố dịch vì chưa có quy định! Ở đây phải thấy một điều, chúng ta đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của người dân hay cố gắng làm nhẹ tình hình vì du lịch, vì uy tín? Không lẽ tính mạng người dân không quan trọng bằng sự thu hút khách du lịch hay sao? Và trong giai đoạn vừa qua, hoàn toàn không thấy phát biểu, giải thích, hướng dẫn gì cả từ người đứng đầu Bộ.
Một ví dụ khác về chuyện quản lý nhà nước. Năm ngoái Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo tổng vốn FDI đăng ký là 20,3 tỷ đô-la, giải ngân được 4,6 tỷ đô-la. Nay Bộ này cho biết con số chính xác là 21,3 tỷ đô-la (vốn đăng ký) và trên 8 tỷ đô-la (vốn thực hiện). Chênh lệch của con số vốn đăng ký không đáng kể, có thể tính vào sai sót thống kê nhưng con số vốn giải ngân từ 4,6 tỷ đô-la lên trên 8 tỷ đô-la là một sai số lớn, không thể chấp nhận được. Nếu nhìn vào cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2007 (xem thêm mục Sự kiện & Vấn đề, TBKTSG số 17-2008), số vốn FDI thực hiện cao, có nghĩa thâm hụt thương mại hoặc dự trữ ngoại tệ phải cao hơn thực tế nhiều. Con số giải ngân vốn FDI năm 2006 là 4,1 tỷ đô-la – nếu năm ngoái con số này lên trên 8 tỷ đô-la, kéo theo biết bao nhiêu mức tăng gấp đôi như thế, cả về số lao động tuyển dụng, lượng điện tiêu thụ, nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc, nhu cầu văn phòng, đất đai… Bộ lại không có một lời giải thích ngoài một dòng điều chỉnh trong báo cáo. Ở đây cũng có hai vấn đề: một là độ chính xác của các con số; còn nếu chúng là chính xác thì sự yếu kém trong công tác quản lý vốn đầu tư nước ngoài của Bộ từ khi phân cấp cho địa phương. Năm rồi đã xảy ra việc điều chỉnh số liệu như thế ở nhiều ngành, từ ngân hàng cho đến tài chính và ngay là đầu tư. Thiếu số liệu chính xác, làm sao trông chờ chính sách đúng đắn vì chúng sẽ chênh với thực tế ngay.
Một hiện tượng khác cũng không thấy Bộ Kế hoạch & Đầu tư lên tiếng là chuyện hàng loạt dự án tiền tỷ đô-la nghe rất hoành tráng nhưng thực chất là loại dự án xây sòng bạc casino ở nhiều địa phương – từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu hay Phú Quốc. Bộ đã có nghiên cứu gì chưa về lợi hại của việc mở casino ở Việt Nam, vì sao các dự án này lại lên đến nhiều tỷ, có chăng tình trạng dành đất làm địa ốc bên cạnh chuyện xây sòng bạc? Không khéo dòng vốn FDI lại rơi vào tình trạng đăng ký để xí chỗ như những năm giữa thập niên 1990.
Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-4 có hàng loạt công việc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện và báo cáo trước ngày 15-4, như giải pháp kiểm soát luồng vốn ngắn hạn, điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng, xây dựng tiêu chí phân loại dự án đầu tư công để loại các dự án không hiệu quả, tiêu chí thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, phương án giảm nhập siêu… Ngày 15-4 đã trôi qua, không biết bao nhiêu trong số đầu việc trên đã được thực hiện. Có lẽ Văn phòng Chính phủ, nơi truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên công bố cho mọi người cùng biết để góp thêm sức ép dư luận lên hoạt động của các bộ ngành trong bộ máy nhà nước. Và cuối cùng để nơi nào vẫn còn buông trách nhiệm quản lý như trong thời gian vừa qua, người dân, thông qua đại biểu Quốc hội của mình có thể yêu cầu bãi miễn ngay trong khóa họp sắp tới.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment