Tải về và in ra
Nguyễn Vạn Phú
Mùa tuyển sinh đại học năm nay lại rộn lên chuyện Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM không nhận những hồ sơ họ cho là giả. Ở đây có hai vấn đề cần phân biệt. Chuyện Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM không chịu tiếp nhận loại hồ sơ không phải do họ phát hành nhưng có đóng khuôn dấu (giả) của Sở là hoàn toàn chính đáng. Không lẽ buộc sở phải nhận những hồ sơ in chình ình khuôn dấu của mình một cách trái phép?
Vấn đề thứ nhì, rộng hơn, là trong thời đại công nghệ thông tin đã khá phổ biến như hiện nay, có nhất thiết phải tốn công sức, tốn thời gian, in ấn bộ hồ sơ thi đại học không. Tại sao Bộ Giáo dục & Đào tạo, sau khi soạn mẫu hồ sơ thi đại học của năm đó, không chuyển nó thành tập tin dạng .pdf và cho tải lên mạng, không những trên trang web của Bộ mà cho cho phép bất kỳ website nào của các trường đại học, trường phổ thông, các sở địa phương để bất kỳ thí sinh nào cũng có thể tải về máy, in ra và điền hồ sơ một cách nhanh chóng, đơn giản. Làm được chuyện rất đơn giản này, có lẽ Bộ đã tiết kiệm cho xã hội khá nhiều tiền, không chỉ tiền mua hồ sơ mà còn tiền phụ huynh hay thí sinh phải cất công đi mua cho ra bộ hồ sơ “chính thức”.
Hiện nay, ngoài hồ sơ tuyển sinh đại học, còn có hàng loạt hồ sơ khác, không thể liệt kê ra hết ở đây. Và việc tin học hóa ngành giáo dục phải bắt đầu từ những chuyện đơn giản như vậy: bất kỳ hồ sơ nào có thể chuyển ra dạng .pdf, tải lên mạng để người cần sử dụng có thể tải về và in ra, cần được thực hiện ngay để tạo thuận tiện cho người dân. Đây là chuyện dễ làm và hầu như ở nước nào cũng đã thực hiện, tại sao ngành giáo dục nước ta còn chần chờ. Cứ thử vào bất kỳ trường đại học nào ở Mỹ, Anh, Úc, chúng ta đều thấy họ dành riêng một phần để giới thiệu các mẫu hồ sơ có thể tải về sử dụng. Dĩ nhiên, với những học sinh không có điều kiện vào mạng hay in ấn, vẫn có thể mua hồ sơ bằng giấy trực tiếp.
Còn nhìn xa hơn một chút nữa, tại sao công tác tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh không được thực hiện qua mạng, ít nhất cho những học sinh ở các thành phố. Giai đoạn đầu có thể tồn tại song song hai dạng nộp hồ sơ: qua mạng và nộp trực tiếp. Đến một lúc nào đó, vì lý do thuận tiện, hạn chế sai sót, được phản hồi là đã nhận hồ sơ… thí sinh ắt sẽ chọn cách nộp qua mạng. Hồ sơ nộp qua mạng sẽ tránh được những sai sót mà hầu như năm nào cũng xảy ra – vì có thể đặt yêu cầu cho phần mềm không chấp nhận những thông tin điền sai. Các trường tiếp nhận hồ sơ dạng này cũng khỏi phải gõ lại vào máy tính, có thể nhanh chóng lập bảng biểu thống kê, thông báo cho nhau thông tin cần chia sẻ… Khó khăn lớn nhất của việc nộp hồ sơ qua mạng là hạ tầng của Việt Nam chưa thể chấp nhận việc trả lệ phí tuyển sinh qua mạng một cách thông suốt và an toàn và trông chờ đại đa số thí sinh có phương tiện trả tiền qua mạng là điều không tưởng. Nếu vậy, việc nộp lệ phí tuyển sinh cứ tách ra và nộp trực tiếp như hiện nay, ít nhất trong vài năm tới.
Trang web Common Application của Mỹ là một mô hình nộp hồ sơ tuyển sinh đại học qua mạng đáng tham khảo. Hiện nay Common Application có hàng trăm đại học ở Mỹ tham gia; thí sinh nào đã điền xong hồ sơ trên mạng của Common Application, chỉ cần chọn trường và bấm nút, ngay lập tức hồ sơ của họ sẽ được chuyển đến những trường họ chọn. Vì thí sinh chỉ cần điền một lần nhưng có thể nộp cho nhiều trường nên hình thức hồ sơ Common Application ngày càng được ưa chuộng, hằng năm có khoảng 2 triệu hồ sơ dạng này. Có nhiều trường đã bỏ hẳn hồ sơ riêng của mình để yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ dạng Common Application. Thí sinh nào không thích nộp qua mạng vẫn có thể dùng mẫu trực tuyến để điền và in ra rồi nộp qua đường bưu điện.
Nhìn rộng thêm một chút nữa, công tác cải cách hành chính cũng nên chú ý đến việc sử dụng Internet làm công cụ để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công dễ dàng hơn nữa. Điều đáng mừng là nhiều cơ quan đã ứng dụng Internet vào việc phục vụ người dân, như Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong việc đưa các biểu mẫu lên mạng. Đáng tiếc là cơ quan này lại dùng định dạng .html nên khi in có thể không đúng kích cỡ, các dòng chữ có thể chạy sai chỗ. Định dạng .doc lại dùng font TCVN3 trong khi Chính phủ đã yêu cầu mọi văn bản nhà nước phải dùng font Unicode từ lâu. Một file theo định dạng .pdf đã khóa chức năng biên tập, sửa đổi, chỉ cho in không thôi sẽ là phương án tối ưu. Nếu điều chỉnh những điểm nhỏ này, Cục sẽ là một trong những nơi đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quan hệ với công dân, sẽ tiết kiệm cho người dân rất nhiều công sức, ít ra cũng là một lần đến Cục để mua biểu mẫu.
Monday, April 21, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment