Friday, December 31, 2021

Tayor Swift

 Nàng không thích thì nàng làm lại!

 

Có nhiều người ngạc nhiên khi thấy báo chí âm nhạc giới thiệu album “Red” của Taylor Swift như thể đây là một album mới trong khi “Red” ra đời cách đây đã 9 năm. Cái báo chí nói là “Red” phiên bản mới, “Taylor’s Version” – là cách ca sĩ này chống lại các hãng băng đĩa, giành quyền sở hữu các đứa con tinh thần về lại cho mình.

Số là vào năm 2004 lúc này Taylor Swift mới 15 tuổi, một ca sĩ chưa có album nào nhưng đã bắt đầu nổi tiếng với cây đàn ghitar và mái tóc vàng hoe, cô ký hợp đồng độc quyền với Big Machine Records. Cũng như các hợp đồng lúc đó, hãng ghi âm sở hữu các đĩa gốc, ca sĩ chỉ hưởng tỷ lệ phần trăm ăn chia. Với các đĩa master này hãng ghi âm hưởng phần lớn lợi nhuận từ bán CD, đĩa nhựa, kể cả sau này khi đưa lên các dịch vụ streaming như Spotify hay Apple Music, tiền cũng chảy về Big Machine Records phần lớn rồi sau đó nơi này mới chia lại cho Taylor Swift theo thỏa thuận ban đầu. Đổi lại hãng phải đầu tư mọi chi phí sản xuất rồi chi phí quảng bá cho tên tuổi ca sĩ trong khi chưa biết có thành công hay không.

Cả sáu album đưa tên tuổi của Taylor Swift lên thành một ca sĩ nổi danh khắp thế giới đều được sản xuất theo cách này (gồm Taylor Swift - 2006, Fearless - 2008, Speak Now - 2010, Red - 2012, 1989 - 2014, và Reputation - 2017) với hàng chục triệu album được bán ra. Hợp đồng kéo dài 13 năm đến năm 2018 Taylor Swift mới được “tự do” để chuyển sang ký với hãng Republic Records của Universal. Lúc này cô mới có thể đặt điều kiện bản master tương lai thuộc quyền sở hữu của cô và có lẽ cô đành chịu thua với các bản master của 6 album cũ.  

Nhưng đến tháng 6-2019, hãng Big Machine Records bán mình cho Scooter Braun và sau đó ông này bán các bản master của Taylor Swift cho một hãng khác, Shamrock Holdings lấy 300 triệu đô-la nhưng vẫn được chia doanh thu từ các bài hát của Swift trong tương lai. Vấn đề nằm ở chỗ Scooter Braun là một nhà quản lý âm nhạc, từng làm quản lý cho Kanye West mà West và Swift từng đụng độ ầm ĩ trên sân khấu. Năm 2009 lúc MTV trao giải cho nữ ca sĩ hay nhất cho Taylor Swift thì Kanye West nhảy lên sân khấu giật micro Swift đang cầm lớn tiếng nói video Single Ladies của ca sĩ Beyonce mới hay hơn, xứng đáng được giải hơn. Sau đó một thời gian dài hai bên cứ gấu ó nhau miết.

Thế là Taylor Swift lên án vụ bán đĩa master của cô, thề sẽ ghi âm lại hết cả 6 album để trả đũa. Ngay vào hôm Scooter Braun trở thành chủ nhân mới các đĩa master của mình, Taylor Swift viết trên Tumblr: “Tôi cứ bị ám ảnh bởi cảnh bắt nạt không ngưng tôi phải chịu đựng từ anh ta trong nhiều năm qua. Di sản âm nhạc của tôi nay lại nằm trong tay kẻ muốn hủy hoại nó. Đây là kịch bản tồi tệ nhất có thể hình dung”. Swift cho biết đã thương lượng với Braun để mua lại nhưng không thành.

Nói về lý, dù Taylor Swift không sở hữu các đĩa gốc nhưng cô vẫn còn quyền xuất bản nhạc do cô sáng tác và biểu diễn cũng như quyền ghi âm phiên bản mới 2 năm sau khi hết hạn hợp đồng ký với Big Machine Records. Dĩ nhiên Shamrock Holdings vẫn sở hữu bản master cũ như album Red nguyên thủy nhưng nay Taylor Swift sở hữu album Red mới – Red Taylor’s Version. Người vào Spotify nghe, nếu chọn Red cũ thì tiền về tay Shamrock, nếu nghe Red mới thì tiền về túi Taylor. Cho đến nay cô đã phát hành 2 album làm lại, Fearless (Taylor’s Version) hồi tháng 4 và Red (Taylor’s Version) vào đầu tháng 11 này.

Phóng viên cũng như người hâm mộ cố ý nghe kỹ để phân biệt giữa hai phiên bản nhưng đa phần không thấy gì khác biệt. Taylor Swift cố ý giữ nguyên giai điệu, lời nhạc và hòa âm phối khí để trung thành với bản gốc càng gần càng tốt. Các phiên bản mới có thêm các bài bonus để tặng thêm người nghe. Red bản gốc bán được 1,2 triệu bản ngay trong tuần đầu tiên và tính đến tháng 10-2020 chỉ riêng ở Mỹ Red bán được 4,49 triệu bản, còn tính cả trên thế giới có chừng 8 triệu bản được bán ra. Red bản mới bán được nửa triệu bản trong tuần đầu tiên, trong đó có hơn 100.000 đĩa than. Nhưng ngày nay thiên hạ chủ yếu nghe nhạc “stream” chứ ít mua CD – ngay trong ngày đầu tiên Red phiên bản Taylor được đưa lên Spotify, đã có 122,9 triệu lượt nghe nhạc của cô, trong đó ba phần tư là từ album Red mới. Chỉ cần 4 ngày lượt người nghe bản mới đã vượt bản cũ trên Spotify mặc dù Red cũ đã có sẵn trong playlist của nhiều người.

Theo Forbes, tài sản của Taylor Swift cho đến nay đã lên đến 550 triệu đô-la từ nhạc, bản quyền streaming, các chuyến lưu diễn. Chỉ tính riêng năm 2019 cô đã làm ra đến 185 triệu đô-la, cao nhất trong các nhân vật nổi tiếng, kể cả diễn viên điện ảnh. Về mặt kinh doanh, cô không phải là người dễ bị bắt nạt. Lúc album “1989” của cô ra mắt, cô và hãng ghi âm yêu cầu Spotify chỉ cho người nghe có đăng ký trả tiền mới được truy cập album này nhưng Spotify từ chối (dịch vụ này vừa cho nghe miễn phí kèm quảng cáo và bán tài khoản có trả tiền, nghe không bị chêm quảng cáo; tiền chia cho ca sĩ cũng bên ít bên nhiều). Thế là Swift rút toàn bộ nhạc của cô ra khỏi nền tảng Spotify rồi lên Wall Street Journal viết bài ý kiến nêu rõ quan điểm “âm nhạc không thể miễn phí”.

Sau khi dùng mạng xã hội vận động người hâm mộ gây sức ép buộc Swift đưa nhạc về lại không thành công, Spotify phải nhượng bộ, nâng tiền bản quyền chia cho hãng ghi âm, Swift theo yêu cầu mới được quyền sử dụng kho nhạc của cô như cũ. Ngay cả với Apple Music lúc mới ra mắt dự định cho người dùng nghe miễn phí ba tháng nên sẽ không trả tiền bản quyền trong ba tháng đó. Taylor Swift phản đối và Apple phải nhượng bộ, đồng ý trả đầy đủ ngay từ đầu.

Nay với cú “ta không thích thì ta làm lại” này của cô, giới nghệ sĩ và giới kinh doanh âm nhạc rúng động. Trước đây hàng loạt ca sĩ từng bày tỏ sự bức xúc trước các điều khoản ràng buộc của các hãng ghi âm nhưng ít ai chịu bỏ công ghi âm lại các album cũ của mình như Taylor Swift, cũng nhờ nguyên một năm không lưu diễn, tránh đại dịch nên có thời gian. Biết đâu cô sẽ là người tiên phong cho một phong trào làm lại bản master mới của nhiều ca sĩ. Và như thế bên thua thiệt là các hãng ghi âm vì phần lớn trường hợp phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào những tên tuổi chưa biết có thành danh hay không. Họ đòi sở hữu các bản master là để phần nào bù đắp các rủi ro đó.

Theo số liệu trên tờ Wall Street Journal, thông thường hãng ghi âm hưởng đến 80% doanh thu được chia từ các nền tảng streaming, 20% chia cho ca sĩ. Nhưng nếu ca sĩ nắm quyền sở hữu và khai thác bản master, họ sẽ hưởng từ 80% đến 95% doanh thu.

Hiện nay các hãng ghi âm tìm cách phòng ngừa các trường hợp như Taylor Swift như hãng Universal tăng gấp đôi thời gian nghệ sĩ không được ghi âm lại các bản nhạc cũ. Các thỏa thuận tiêu chuẩn trước đây thường là hạn chế ca sĩ ghi âm lại các bản nhạc cũ trong vòng 5 năm sau khi thực hiện bản gốc hay 2 năm sau khi hết hạn hợp đồng. Thời hạn mới của hãng Universal đưa ra lần lượt là 7 năm và 5 năm.  

Trước khi có các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Tidal, các hãng ghi âm không sợ lắm khả năng nghệ sĩ trở chứng ghi âm lại các bản master họ đang nắm giữ vì chi phí tổ chức thu đĩa không phải là nhỏ và ghi xong rồi phát hành cũng không phải là chuyện đơn giản. Nay chuyện ghi âm dễ như không rồi các kênh phát hành nhạc có sẵn khắp nơi, kể cả trên YouTube. Vai trò các hãng ghi âm ngày càng nhỏ đi và doanh thu vì thế cũng teo tóp lại – ngày càng nhiều nghệ sĩ đòi sở hữu bản master. Dĩ nhiên tăng thời gian độc quyền thì đổi lại Universal phải tăng tỷ lệ chi trả cho nghệ sĩ.

Đó là chưa kể các nền tảng phi tập trung mới trong thế giới giao dịch trên blockchain có thể cho phép ca sĩ bán nhạc trực tiếp cho người nghe không cần qua trung gian như Apple Music – lúc đó không chỉ các hãng ghi âm phải lụi tàn mà Spotify cũng không còn gì để chào bán.

 

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...