Friday, December 31, 2021

Nỗi phiền… công nghệ

 Nỗi phiền… công nghệ

 

N. là một người yêu công nghệ, mỗi tối đọc xong chương sách định đi ngủ, anh ước gì có thể ra lệnh cho chiếc đèn trong phòng để nó tự tắt, khỏi mất công ngồi dậy đến bấm công tắc đèn. Vì thế khi đọc thấy có loại đèn tuýp 1,2 mét tích hợp wifi, có thể điều khiển bằng điện thoại di động, N. đặt mua ngay. Đèn mang thương hiệu của một hãng trong nước nhưng ứng dụng tải về chỉ có tiếng Anh. N. đoán đây là sản phẩm của các công ty bên Trung Quốc, hãng trong nước đặt sản xuất rồi ghi nhãn của mình; còn ứng dụng thì được giao trọn gói, chưa thể Việt hóa ngay.

Loay hoay một hồi cũng bắt được đèn vào tường, cài ứng dụng, kết nối đèn với hệ thống wifi, N. khoái chí bấm bấm, xoay xoay trên màn hình điện thoại để tắt mở, tăng sáng, làm mờ, chuyển tông màu từ trắng qua vàng… Nhưng N. chưa thỏa mãn, anh thấy ứng dụng báo có thể kết nối với Google Assistant để ra lệnh bằng giọng nói và đúng như nghi ngờ của anh, khi tìm tên hãng để kết nối, anh phải điền tên khác theo hướng dẫn chứ không phải thương hiệu của công ty trong nước. Không sao, miễn là nó hiểu mệnh lệnh của mình để thực hiện.

Lần đầu khi N. ra lệnh “OK, Google, tắt đèn”, máy bèn hỏi lại, “Bạn nói gì tôi chưa hiểu. Xin vui lòng nhắc lại”. Nhắc vài lần thì máy báo, “Hệ thống nhà bạn chưa có đèn kết nối”. Có lần N. ra lệnh tắt được nhưng biểu bật đèn thì máy cứ ““Bạn nói gì tôi chưa hiểu. Xin vui lòng nhắc lại”. Đứa con của N. sau một hồi ngồi chờ, mất kiên nhẫn bỏ đi chơi sau khi phán: “Sao ba không ngồi dậy đi tắt đèn còn khỏe hơn”.

Chưa hết, khi N. từ bỏ giấc mơ ra lệnh bằng giọng nói, quay về điều khiển trên điện thoại di động thì đèn báo “offline”, tức mất kết nối với wifi. N. phải xóa đi làm lại nhưng lâu lâu ứng dụng lại đơ ra, báo mất kết nối.

Có thể nói sau vài ba năm nghe ca tụng về các thứ từ “Internet vạn vật” đến “thành phố thông minh”, từ “mạng 5G tốc độ khủng” đến “dữ liệu lớn”… công nghệ ứng dụng vào cuộc sống để làm ra ngôi nhà thông minh có những tiến bộ nhưng đa phần chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, biễu diễn. Hiện nay đã có thể mua một bộ phát hồng ngoại vài trăm nghìn về để biến mọi vật dụng có dùng điều khiển từ xa như máy lạnh, TV, quạt, dàn máy… từ “vô tri” thành “thông minh”. Kết nối để biểu diễn tiềm năng thì được còn không ai có thể, muốn mở cái máy lạnh, phải cầm chiếc điện thoại lên, mở ứng dụng, ngồi chờ màn hình điều khiển hiện lên để bấm nút. Không ai đủ kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại một lệnh đơn giản vài lần để máy hiểu mà làm theo.

Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng rất đậm nét thị trường vật dụng công nghệ rẻ tiền nhập từ Trung Quốc. Nó còn đúng với các nước Âu, Mỹ. Mới cách đây hơn một tuần, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon trục trặc làm hàng chục ngàn người ở Mỹ không thể mở cửa vào nhà. Đó là do họ lắp cửa có khóa thông minh đóng mở bằng giọng nói. Một khi ứng dụng của họ trên điện thoại di động không thể kết nối với máy chủ họ đành chịu, ra lệnh không được mà mở ứng dụng cũng thua. Lần sụp mạng này còn ảnh hưởng đến những người sử dụng tủ lạnh thông minh, dịch vụ coi phim trực tuyến, hệ thống đèn thông minh, loa thông minh.

Đáng buồn nhất là bây giờ các tờ báo chuyên về công nghệ lại khuyên người dùng không nên dựa quá nhiều vào các thiết bị luôn kết nối (được mệnh danh là Internet of Things – vạn vật kết nối). Như tờ Computerworld khuyên: “Máy rửa chén, hệ thống đèn màu dùng trong mùa lễ, tủ lạnh, bàn chải đánh răng… đâu cần kết nối với đám mây”. Có tờ còn phán, Giấy mơ ngôi nhà thông minh đã chết!

Các hệ thống thiết bị gia dụng thông minh hiện còn rất phức tạp, đắt tiền, nhiều trục trặc và không chịu nói chuyện với nhau. Cứ hình dung từ thập niên 1990 đến nay biết bao nhiêu phiên bản Windows ra đời để chúng ta có thể sử dụng máy tính suốt ngày không bị treo; mỗi lần ra phiên bản sửa lỗi Microsoft lại bắt người dùng bỏ tiền ra mua như mới. Các trợ lý thông minh ảo từ Siri của Apple, Google Assistant của Google hay Alexa của Amazon vẫn còn như Windows phiên bản 3.1 với Siri là khá nhất vì dù không hiểu lệnh cũng cố gắng trả lời theo kiểu hài hước, dí dỏm cho đỡ quê.

Trong khi thế hệ trẻ quay về xài đĩa than để nghe nhạc, thế hệ lớn tuổi một chút vẫn có thể “chơi công nghệ” bằng các món đồ rẻ tiền để có được cảm giác “kiểm soát cả thế giới quanh ta” nếu đặt kỳ vọng thấp hơn. Thế nhưng đừng ảo tưởng công nghệ “thông minh” sẽ đem lại sự tiện dụng, thoải mái như một cây đũa thần; nó chỉ là các món đồ chơi có thể đem lại sự phiền toái và sự thất vọng.

 

 

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...