Friday, December 31, 2021

Artificial Intelligence

 Khi AI vừa ngốc vừa bướng

 

Trong sự cố quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong video tường thuật trận bóng đá Việt – Lào trên kênh YouTube, một nhân vật ít ai để ý là con AI của YouTube.

Chính nó, hay nói đúng hơn chính sự vừa đần vừa bướng của cái được mệnh danh là “trí tuệ nhân tạo” này đã làm Next Media lo sợ bị cáo buộc vi phạm bản quyền bài hát này nên tự tắt tiếng. Họ sợ bởi từng có tiền lệ AI lấy hết doanh thu quảng cáo của một kênh chuyển cho kênh khác chỉ vì kênh trước phát tường thuật một trận bóng đá, đầu trận có phát bản ghi quốc ca Việt Nam do kênh sau đăng ký bản quyền.

Nếu AI thật sự thông minh hay YouTube được con người trực tiếp quản lý, ắt sẽ phải hiểu quốc ca là do ban tổ chức trận đấu chọn và phát, có liên quan gì đến kênh mua bản quyền phát sóng. Hơn nữa nếu nó thông minh, cùng lắm nó chỉ chuyển doanh thu quảng cáo gắn với thời lượng có hát quốc ca – sao lại chuyển cả doanh thu suốt trận đấu? Cứ hình dung giả thử tranh chấp giữa người với người, ắt không ai ứng xử như thế; nhưng đằng này mọi chuyện là do máy móc xử lý nên không biết khiếu nại với ai, với máy hay với người nếu bị phạt – liệu nói với máy nó có hiểu hết các lập luận?

AI chỉ mới như một đứa bé

Đây chỉ là một ví dụ mới nhất của một AI chưa trưởng thành mà nhiều người đã từng gặp phải. AI thực chất chỉ là những thuật toán do con người biên soạn theo dạng nếu… thì… Máy có năng lực tính toán gấp bội con người nên trong tích tắc có thể chạy qua cả triệu tình huống “nếu, thì” như vậy nên một khi được huấn luyện theo kiểu máy học, một chương trình AI có thể giải quyết rất nhiều bài toán cho thực tế đặt ra. Nhưng dù có bao quát đến đâu, con người vẫn không thể hình dung ra hết các tình huống và từ đó AI có thể rơi vào tình trạng ngu ngơ dở khóc dở cười.

Có lẽ ai cũng từng dùng Google tìm kiếm thông tin trước khi mua một sản phẩm gì đó và rất ấn tượng khi thấy hàng loạt quảng cáo về sản phẩm này cứ theo chân mình đi khắp mọi ngóc ngách Internet. Nhưng ấn tượng này nhanh chóng chuyển sang sự bực bội vì sản phẩm đã mua, tiền đã trả thế nhưng quảng cáo sản phẩm không chịu buông tha, ít nhất là vài tuần. Nhiều người khác kể AI của Facebook thật ngu ngốc khi họ viết để cảnh báo các lập luận của giới chống vaccine – thế mà Facebook dán nhãn “vi phạm cộng đồng” cho họ như thể họ là người chống vaccine. Có người viết mẩu chuyện bình thường bị Facebook xem là quảng cáo; có người đăng lại bài của chính mình bị Facebook bảo vi phạm bản quyền, xóa tài khoản. AI của Facebook từng xem các bức danh họa cổ điển là tranh khiêu dâm; Google từng ghi nhãn “khỉ đột” trên hình người da đen và khi bị phát hiện bèn cấm luôn các từ khóa tìm kiếm gồm “gorilla”, “chimp”, “chimpanzee” hay “monkey”.

Chính Andrew Moore, một phó tổng giám đốc của Google từng phát biểu: “AI hiện đang cực kỳ ngu ngốc. Nó thật sự giỏi ở một số việc mà trí não chúng ta không xử lý được nhưng nó chưa phải là một công cụ mà chúng ta có thể ép làm những điều chung chung như loại suy hay tư duy sáng tạo hay suy nghĩ bên ngoài khung khổ thông thường”.

Để tránh đi vào những lãnh vực gây tranh cãi như AI làm được gì, chưa làm được gì cứ giả định AI làm một số việc tốt đến 99% trường hợp. Nhưng chỉ cần 1% làm sai là đã có thể gây ra những tai họa bất ngờ. Công nghệ nhận dạng gương mặt hiện đã được thương mại hóa và được cảnh sát Mỹ dùng để tìm tội phạm. Thế nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy thuật toán đằng sau công nghệ này từng nhận diện sai nhiều vụ, dẫn tới bắt bớ sai người. Cứ tưởng tượng người ta dùng AI để quét các gương mặt hành khách tại cổng vào một sân bay lớn; cứ nghĩ nó đúng trong hầu hết trường hợp, nhưng chỉ cần trong 1.000 khách, nó nhận diện sai 10 người – 10.000 khách, sai 100 người. Sẽ có 100 người bị giữ lại, trễ chuyến bay, bị tra hỏi vô cớ - tất cả chỉ vì con AI “gần hoàn hảo”!

Cãi không lại em bé AI

AI sai sót cũng là chuyện tạm thời chấp nhận được đi nhưng vấn đề nằm ở chỗ hiện nay nhiều nơi dựa vào AI để giao tiếp với khách hàng như Amazon, Facebook, YouTube và từ đó khách phải chịu đựng sự bướng bỉnh của các AI này. Ví dụ khi đội bóng Washington Redskins đổi tên vì từ “Redskin” được xem là phỉ báng thổ dân da đỏ, AI của Amazon nhanh chóng cập nhật tình hình và… bất kỳ cuốn sách nào tựa đề có từ “Redskin” đều bị lột bỏ mặc dù chúng được viết trước khi đội bóng này mang tên khác. Mọi nỗ lực của các tác giả khiếu nại với Amazon đều bị con AI bác bỏ cho đến khi báo chí biết chuyện, đưa tin, nhân viên Amazon mới biết sự tình và sửa sai.

Tuần trước chính YouTube công bố trong sáu tháng đầu năm có đến 2,2 triệu vụ “đánh bản quyền” các video trên YouTube sau đó bị kiện là do AI “đánh sai”. Dù 2,2 triệu vụ chỉ chiếm 1% trong 729 triệu vụ được xem là vi phạm bản quyền, 99% là xuất phát từ “Content ID” - một công cụ AI của YouTube chuyên rà soát xem ai vi phạm bản quyền - nhưng “thông minh” gì mà để sai cả mấy triệu lần trong một thời gian ngắn!

Danny Caine là chủ một tiệm sách ở Mỹ năm 2019 từng viết thư cho Jeff Bezos, ông chủ Amazon để nói: “việc kinh doanh sách của ngài đã hạ thấp giá trị của sách”. Ông đang viết một cuốn sách về đề tài này với tựa đề ông đưa lên Twitter: “Amazon là xấu”. Điều buồn cười là AI của Amazon thấy hai từ “Amazon” đi liền với “bad” bèn đáp trả cũng trên Twitter: “Chúng tôi rất tiếc vì trải nghiệm của ông. Ông có thể cung cấp thêm chi tiết vấn đề ông gặp phải được chăng. Chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ bằng bất kỳ cách nào có thể được”. Như thể ông Caine mua phải một cuốn sách in bị nhòe!

Nhiều người châu Á kể khi họ vào trang web điền đơn xin hộ chiếu tự động, đến khâu tự chụp ảnh, tự tải lên trang web, họ không thể nào vượt qua vì chương trình cứ báo lỗi: “Ảnh bạn chụp không đạt yêu cầu của chúng tôi vì mắt đang nhắm”. Lỗi này do máy không phân biệt nổi người mắt híp và người đang nhắm mắt!

Thiên hạ kháo nhau hàng đống câu chuyện AI gây những lỗi buồn cười như ở khách sạn Henn-Na tại Nhật dùng robot và trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách nhưng đành sớm bỏ cuộc. Một chú robot phục vụ trong phòng cứ chờ khách ngủ, ngáy to là đánh thức khách dậy, hỏi: “Xin lỗi ông nói gì tôi nghe không rõ. Vui lòng nhắc lại yêu cầu”. Alexa, chiếc loa thông minh của Amazon nhanh nhẩu đặt mua búp bê cho một đứa bé 6 tuổi, ngẫu nhiên ra lệnh cho loa. Điều đáng nói là khi TV đưa mẩu tin này như một chuyện lạ bốn phương, hàng chục loa ở nhiều gia đình nghe câu tường thuật trên TV lại tưởng được lệnh mua búp bê nên liên tục đặt hàng! Một đội bóng Scotland dùng AI để camera tự động quay bằng cách theo dấu trái bóng; khốn nỗi camera lại bám sát cái đầu hói của ông trọng tài nên cuối cùng khán giả đề xuất nên cấp cho trọng tài cái mũ lưỡi trai che cái đầu hói cho AI khỏi nhầm.

Năm 2016 Microsoft giới thiệu phần mềm tán gẫu thông minh “Tay”; chỉ một thời gian ngắn sau khi bị thiên hạ cài cắm, chọc tức, “Tay” phán toàn những câu động trời như “Hitler nói đúng”; “Vụ khủng bố 11/9 là do chính phủ Mỹ dàn cảnh”… Microsoft đành gỡ bỏ chú AI này sau vỏn vẹn 16 giờ. Năm 2018 phần mềm nhận diện gương mặt “Rekognition” của Amazon khi cho nhận diện 28 nghị sĩ Mỹ đã nhanh chóng xác định danh tính của họ là… 28 tội phạm có đầy đủ hồ sơ.

Nhiều người nói, thôi kệ AI chưa hoàn chỉnh thì đành chịu với lại nó đâu ảnh hưởng gì đến tôi vì tôi đâu tiếp xúc với AI. AI hiện ở quanh mình mà chúng ta chưa nhận ra đó thôi. Một biên tập viên dù non kém đến đâu cũng không bày mâm bát như Google News, toàn đưa các bản tin giật gân, câu khách lên đầu. Bạn chỉ cần tìm “đồng hồ thông minh” một lần thôi, sau đó bản tin tự động của Google News sẽ có nhiều tin “đồng hồ thông minh” dù bạn đã hết quan tâm đến nó. AI như Google News hay YouTube là môi trường thuận lợi để tin giả, tin hở hang, tin về mọi ngóc ngách của giới showbiz nhảy vào máy của bạn.

Nhiều chuyên gia nay phải thừa nhận khó lòng xây dựng một AI thông minh thật sự. AI có thể đánh cờ giỏi hơn người, đọc phim chẩn bệnh giỏi hơn bác sĩ, tự lái xe, biết viết sách… nhưng AI không hiểu được mối quan hệ nhân quả nên không bao giờ tự suy luận ra điều gì có ý nghĩa. Quan trọng nhất, AI không bao giờ kết hợp được giữa “lý” và “tình”, lại luôn có một tỷ lệ sai sót nhất định. Giao cho AI quản lý các mối quan hệ xã hội lâu nay là sự tương tác giữa người với người là một sai lầm nên tránh. Nỗi sợ bị phạt như Next Media là chuyện quá viễn tưởng, không thể để nó lan ra nhiều lãnh vực khác

 

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...