Friday, September 22, 2017

Gay cấn hơn phim

Gay cấn hơn phim

Xung đột giữa chủ mới của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và các đạo diễn, diễn viên đang diễn ra như kịch bản một bộ phim gay cấn. Nhưng giả thử kịch bản này được viết lại ngay từ đầu thì nút thắt nên được tháo gỡ như thế nào? Và nếu cuộc đời không như kịch bản vậy xung đột này phải giải quyết làm sao?

Trước hết, nên nhìn lại quá trình cổ phần hóa VFS một cách cặn kẽ để nắm được các mâu thuẫn. Theo các tài liệu cổ phần hóa, VFS được chuyển đổi mô hình thành công ty TNHH một thành viên từ năm 2011 và trong nhiều năm qua, cứ lỗ triền miên. Tổng cộng VFS lỗ lũy kế đến 39,6 tỉ đồng, nợ tiền thuê đất 5,7 tỉ đồng. Doanh thu ba năm trước khi cổ phần hóa có xu hướng giảm dần: 66,4 tỉ (2012), 56,9 tỉ (2013) và 33,6 tỉ (2014); số lỗ lại cao, năm 2012 lỗ 3,5 tỉ, năm 2013 lỗ 1,3 tỉ và chín tháng đầu năm 2014 lại tăng lỗ lên 3,7 tỉ đồng.

Ngân sách nhà nước sao lại gánh lỗ cho một hãng phim vì vậy cổ phần hóa VFS là chuyện phải làm. Nhưng cổ phần hóa một hãng phim sao cho VFS vẫn làm phim chứ không dùng đất rồi kinh doanh bất động sản là một yêu cầu Nhà nước đặt ra. Vì thế điều kiện cổ phần hóa có bao gồm nhà đầu tư không chuyển nhượng cổ phần trong vòng năm năm, tuân thủ phương án sử dụng đất phục vụ việc sản xuất điện ảnh, cam kết 90% doanh thu phải đến từ hoạt động điện ảnh…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nhấn mạnh đất của VFS đang sử dụng (gồm trụ sở ở số 4 Thụy Khê rộng hơn 5.400 mét vuông, khu đất ở Hoàng Hoa Thám rộng hơn 900 mét vuông, trường quay ở Đông Anh rộng trên 6.300 mét vuông, một khu đất đắc địa ở đường Thái Văn Lung, TPHCM rộng trên 1.200 mét vuông) là đất thuê, không tính vào giá trị tài sản của hãng và nếu sử dụng sai mục đích có thể bị lấy lại.

Với thực trạng như thế, khi cổ phần hóa VFS lẽ ra Nhà nước nên kêu gọi các nghệ sĩ từng gắn bó với hãng phim bỏ tiền ra mua lại để cùng nhau vực dậy một thương hiệu lâu năm. Nếu các nghệ sĩ thật sự nghĩ bán VFS với giá 50 tỷ đồng là quá rẻ, tiềm năng thương hiệu lớn thì họ cứ tham gia đấu giá để mua, kể cả liên kết với các công ty tư nhân khác cùng ngành nghề. Nếu họ có tầm nhìn xa, biết đâu họ sẽ xin Nhà nước nợ khoản tiền mua ban đầu, chịu đựng làm việc không lương vài ba năm rồi đến lúc giá trị VFS tăng gấp 10 lần họ sẽ vừa được làm phim, vừa có những khoản thu nhập nhờ đầu tư đúng chỗ.

Đáng tiếc kịch bản này đã không xảy ra vì thực tế lúc nào cũng khó hơn kỳ vọng. Các nghệ sĩ đã không muốn đánh cược với một tương lai khó đoán định.

Nay cổ phần hóa đã xong, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) là chủ sở hữu 65% cổ phần VFS, đắt hay rẻ cũng là chuyện đã rồi, không thể bàn lại được nữa. Vấn đề là làm sao giúp VFS tiếp tục làm phim như mong muốn ban đầu khi đưa ra chủ trương cổ phần hóa.

Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở đây phải rất tế nhị, phải đối xử với VFS như hàng ngàn công ty đã được cổ phần hóa khác, trong đó Nhà nước chỉ còn giữ 20% cổ phần. Đó là giám sát để chủ đầu tư mới làm đúng theo những cam kết khá chặt chẽ như không dùng các địa điểm đắt địa này để kinh doanh như kiểu mở nhà hàng, cho thuê mặt bằng, 90% doanh thu phải đến từ hoạt động điện ảnh… Đó là giám sát để chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, nếu có, với nhân viên; còn chuyện không cam kết thì cứ để chủ mới của hãng toàn quyền quyết định, kể cả sa thải những người không làm việc. Còn lại không thể để các ý kiến chủ quan của các đạo diễn hay diễn viên lung lạc rồi đi đến những quyết định không đúng với quy trình cổ phần hóa.

Bởi đây sẽ là tiền lệ cho việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giải trí, thể thao... Một VFS thì Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch có thể họp ngay để giải quyết nhưng mười hay một trăm trường hợp cổ phần hóa khác trong tương lai thì sao?



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...