Trói bớt
tay người dạy
Chuyện Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cấm sử dụng các thiết bị
nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video… trong giờ dạy
tiếng Anh của giáo viên bản ngữ mà các báo xem là chuyện lạ thật ra đã được quy
định từ năm ngoái, năm nay nhắc lại và có thêm một quy định lạ đời nữa: giáo
viên bản ngữ chỉ được dùng những tài liệu được Sở cho phép sử dụng, tuyệt đối
không dạy những tài liệu chưa được Sở thẩm định hoặc cho phép.
Quy định từ năm ngoái, năm nay nhắc lại, chứng tỏ những người
ra quy định không thấy đó là chuyện lạ, không thấy sự phi lý của lệnh cấm này,
không thấy nó vô hiệu hóa những công cụ hỗ trợ người thầy nên sẽ giảm đi hiệu
quả của việc mời giáo viên bản ngữ như thế nào.
Giáo viên bản ngữ môn tiếng Anh, ngoài việc tiếng Anh là
ngôn ngữ mẹ đẻ còn phải tốt nghiệp đại học, có bằng giảng dạy tiếng Anh như một
ngoại ngữ như chứng chỉ CELTA của Cambridge. Trong khi các khóa đào tạo người bản
ngữ đi dạy tiếng Anh đều có phần hướng dẫn sử dụng các công cụ hỗ trợ kỹ thuật
nghe nhìn, có lẽ khi qua Việt Nam dạy, họ phải quên phần này đi.
Quy định đang được nói tới là áp dụng cho môn tiếng Anh cấp
tiểu học mà ai cũng biết học sinh tiểu học học tiếng Anh chủ yếu qua các bài
hát, trò chơi, đóng kịch, nói chung là bắt chước sinh hoạt của các bạn cùng lứa
tuổi ở Anh hay ở Mỹ. Sở cũng biết chuyện này nên có nói học kỳ 1 lớp 1 các trường
chỉ dạy học sinh kỹ năng nghe nói, tuyệt đối không dạy viết, văn phạm, không được
dùng tài liệu gì cả. Thế nhưng cứ tưởng tượng một giáo viên bản ngữ vào lớp giả
giọng hai em bé trò chuyện với nhau hay cưa sừng làm nghé, chuyển giọng để hát
bài thiếu nhi vì bị cấm không được dùng đĩa CD? Nó làm sao thật bằng cho các em
xem video người thật, việc thật vừa lôi cuốn các em vừa giúp các em cơ hội bắt
chước đúng giọng.
Cứ thử tưởng tượng bạn được tuyển sang dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học ở nước Anh mà
không được đem theo các cuốn băng hoạt hình có trẻ em Việt Nam đối đáp nhau hay
đĩa nhạc các bài ca thiếu nhi như Bé bé bồng bông thì có phải bó tay không? Một
thầy giáo có lòng tự trọng ắt sẽ từ chối điều kiện giảng dạy như thế.
Quy định năm ngoái còn kỳ lạ hơn nữa khi nhắc các trường
“tránh tình trạng giáo viên bản ngữ vào lớp chỉ chơi trò chơi mà không giảng dạy
theo chương trình của nhà trường” – may mà năm nay đã bỏ phần này. Học tiếng
Anh với học sinh tiểu học, quan trọng nhất là tạo sự hứng thú ở các em nên các
chương trình đều chú trọng dạy qua bài hát, qua trò chơi. Quy định như năm
ngoái là hoàn toàn phản sư phạm nên bỏ đi là phải.
Dù sao nếu cố gắng đặt mình vào vị trí người ra quy định có
thể hiểu nỗi lo của họ: mời giáo viên bản ngữ tốn kém, đắt đỏ nên phải tận dụng
thế mạnh của họ, ai lại để họ chơi không, ai lại để họ cứ mở băng cassette hay cho
học sinh xem video suốt. Giả thử có giáo viên bản ngữ cũng lười, vào lớp chỉ
khư khư các công cụ nghe nhìn mà không chịu giao tiếp với học sinh, liệu quy định
này có phải là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hiện tượng đó?
Nỗi lo đó là có thật vì thực tế chất lượng và lương tâm nghề
nghiệp của các giáo viên bản ngữ cũng đa dạng lắm kiểu. Nhưng đó là mối quan hệ
giữa người học và người dạy, đó là nỗi lo, là mối qua tâm của nhà trường chứ
không phải là một lãnh vực quản lý nhà nước.
Với học sinh lớn tuổi hơn, có thể tập cho các em làm quen với
việc đánh giá tiết dạy của giáo viên, có thỏa mãn kỳ vọng của các em không. Nếu
gặp một giáo viên bản ngữ quá lạm dụng video bắt học sinh xem hết phim này đến
phim khác, phải tập cho các em thói quen phản ứng và nhà trường phải sẵn sàng để
can thiệp. Học sinh tiểu học thì khó hơn nhưng nhà trường vẫn có thể nắm được tình
hình giảng dạy nhất là trong lớp luôn luôn có một giáo viên thứ nhì làm trợ giảng.
Một nhà trường quản lý tốt là nhà trường đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng
giáo viên bản ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải bằng một văn bản
cấm dùng các phương tiện nghe nhìn!
Một giáo viên sáng tạo bài giảng cách hỏi đường bằng tờ phô
tô bản đồ khu vực gần trường cho học sinh đóng vai luyện tập mà cũng không được
phép (vì Sở nói rõ cấm dùng tài liệu chưa được Sở thẩm định, kể cả tờ rơi) thì
thử hỏi cách quản lý như thế đã hạn chế sự sáng tạo, chủ động và hứng thú của
giáo viên đến mức độ nào.
Suy cho cùng quyết định tuyển giáo viên bản ngữ nào là của nhà trường và phụ huynh bởi kinh phí trả cho giáo viên bản ngữ là kinh phí xã hội hóa (nói cho dễ hiểu là do phụ huynh đóng góp) chứ đâu phải từ kinh phí nhà nước. Cấm sử dụng băng cassette, đĩa CD không phải là hướng dẫn chuyên môn; nó là sự can thiệp theo kiểu bao đồng, cả lo, tủn mủn và không đi đến đâu cả.