Thursday, June 30, 2016

Khởi nghiệp - nay đã khác

Khởi nghiệp - nay đã khác

Khởi nghiệp theo nghĩa “startup” hiện là chuyện thời thượng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Khởi nghiệp trước đây chỉ là khởi sự một doanh nghiệp, dù đó là mở một xưởng may gia công, mở cửa hàng thủ công mỹ nghệ hay đơn giản là mở tiệm ăn uống. Nhưng nay khởi nghiệp được hiểu theo kiểu “startup”, tức thường gắn với công nghệ thông tin, ở những ngành phát triển nhanh, quy mô bùng nổ sau một thời gian ngắn. Khởi nghiệp kiểu đó có những vấn đề khác hẳn khởi nghiệp kiểu cũ.

Trước hết chuyện bùng nổ “khởi nghiệp” là không tránh khỏi. Thế giới quanh chúng ta đang thay đổi nhanh chóng; trước đây có ai nghĩ hàng ngày chúng ta đều đem theo bên người chiếc máy vừa dùng để nói chuyện, vừa để đọc tin tức rồi sống trong một thế giới ảo, sôi động hơn thế giới thật nhiều lần. Có ai nghĩ dùng nó để gọi xe, đặt thức ăn, mua hàng từ xa, hẹn hò, đọc sách và cả coi phim nữa.

Những thay đổi này kéo theo các thay đổi mô hình kinh doanh, nhiều loại hình doanh nghiệp lụi tàn nhường chỗ cho các doanh nghiệp mới, chưa từng có trước đây. Không lạ gì phải có một thế hệ doanh nhân mới, trang bị kiến thức mới, suy nghĩ mới để phục vụ cho những thay đổi đó.

Quy mô bùng nổ nhanh chóng chính là vấn đề số một

Tâm thế của những người khởi nghiệp kiểu mới không nhắm vào lợi nhuận, không xây dựng doanh nghiệp mình lớn dần từng bước mà hướng đến sự đột phá về người dùng, càng thu hút được nhiều người, quy mô tăng trưởng càng nhanh chóng thì họ càng được đánh giá là thành công.

Vấn đề ở chỗ, lối tư duy này bị nhiều nhà phân tích cho là có hại hơn là có lợi cho nền kinh tế nói chung.

Vì sao như vậy.

Lấy ví dụ một doanh nghiệp khởi nghiệp rất thành công là Uber. Mới đây Uber gọi được 3,5 tỉ đô la Mỹ từ Ảrập Saudi, nâng tổng vốn gọi được từ các nhà đầu tư lên đến 11 tỉ đô la và nâng trị giá của Uber lên đến 62,5 tỉ đô la. Uber dùng vốn này làm gì? Vì không phải đầu tư mua xe hay thuê tài xế, chi phí cho phần mềm không đáng kể, Uber sẽ sử dụng lượng tiền này để “phát triển thị trường”, có nghĩa sẽ khơi mào cuộc chiến giảm giá cho đến khi không còn hãng taxi truyền thống nào cạnh tranh nổi mới thôi.

Vì không nhắm tới lợi nhuận mà chỉ nhắm mở rộng thị trường, càng có nhiều người sử dụng Uber càng tốt, bất kể lỗ, nên mô hình này tạo ra sự phá hủy nhưng không tái tạo và không đóng góp gì cho sự thịnh vượng chung của nhân loại.

Sự thành công của những doanh nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin trước nay đều dựa vào hiệu ứng mạng lưới như Facebook, Google hay thậm chí Microsoft thời “một mình một chợ với” hệ điều hành Windows và phần mềm xử lý văn bản Office. Những doanh nghiệp startup mới, cũng dựa vào hiệu ứng mạng lưới, nhưng vì phải thay thế cho những mô hình cũ nên thành công của họ đồng nghĩa với sự hủy diệt của người khác. Ở đây sự hủy diệt không mang tính tích cực vì yếu tố cạnh tranh không sợ lỗ, lấy thịt đè người không đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế.

Cái tâm lý thổi cho doanh nghiệp của mình lớn nhanh như Phù Đổng để gọi thêm vốn, để thu hút vốn, thậm chí để bán doanh nghiệp cho được giá là không ổn về mặt quản trị và không bền vững.

Vốn từ đâu?

Trong khi ở nước ngoài, các startup trông chờ vốn từ các quỹ mạo hiểm, ở Việt Nam khởi nghiệp khó lòng trông chờ tiền rót từ các quỹ tương tự. Thỉnh thoảng tin trên báo chí cũng nói nơi này nơi kia được rót cả một đống tiền nhưng thật sự số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi. Phần lớn người khởi nghiệp... xin tiền của gia đình bởi các con đường gọi vốn khác như vay ngân hàng xem ra không khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Ý tưởng xây dựng một sàn chứng khoán riêng cho các công ty khởi nghiệp là ý tưởng hay nhưng cũng khó lòng khả thi. Đến 80% công ty khởi nghiệp thất bại thì sàn chứng khoán nào chịu nổi; hay nói cách khác không thị trường nào chịu được độ biến thiên bất thường của các công ty khởi nghiệp theo mức thăng trầm thường là dữ dội của chúng. Công chúng có thể bỏ vốn trực tiếp vào công ty khởi nghiệp nhưng họ không sẵn sàng mua bán trao đổi cổ phiếu của các công ty này bởi rủi ro quá lớn.

Cách tốt nhất là tạo một cơ chế để các tài năng khởi nghiệp có thể huy động vốn công khai, minh bạch, sòng phẳng từ công chúng qua mạng. Có một ý tưởng hay, một giải pháp tốt, một sản phẩm tiềm năng, một ứng dụng tuyệt vời, tác giả của chúng bèn lên một trang web trung gian, trình bày rõ kèm theo là phương án thực hiện, lộ trình, kỳ vọng, rủi ro... Ai chấp nhận được sẽ đóng góp vốn cho tác giả thực hiện. Đây cũng là cách gọi vốn khá phổ biến ở nhiều nước, chủ yếu tập trung vào sản phẩm và giải pháp.

Con người ở đâu cũng là yếu tố quyết định

Startup khởi đầu từ ý tưởng. Ý tưởng đó thường dựa trên cơ sở mô hình kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng nhờ công nghệ. Vì thế, thế mạnh của các ý tưởng khởi nghiệp ở nước ngoài là sản phẩm, dịch vụ hay ứng dụng mới sẽ thay chỗ cho bao con người để tự động hóa các quy trình, từ đó tạo ra giá trị mới vượt trội so với giá trị truyền thống.

Có thể nêu ra hàng loạt ví dụ như thế như luật sư ảo đang thay chỗ cho luật sư thật, hiệu quả nâng lên bội phần, xe không người lái sắp trở thành hiện thực dẫn đến chỗ người ta không sở hữu xe nữa mà sẽ gọi xe đến chở đi khi cần, máy móc chẩn đoán bệnh sẽ thu nhỏ dần để người ta có thể đeo bên người, các lớp học ảo bắt đầu phổ biến nhờ điện thoại nối mạng...

Có thể thấy nhiều ngành nghề sẽ trải qua những biến động lớn, chẳng hạn, sẽ ít người học luật hơn, nhiều hãng xe truyền thống sẽ phá sản, phương thức giáo dục phải thay đổi vì vai trò người thầy thay đổi.

Thế nhưng ở Việt Nam, các ý tưởng khởi nghiệp thường trùng lắp, đi lại cũng liên quan đến chuyện mua sắm, ăn uống, du lịch, giải trí - chưa thấy gì đột phá. Và điều đáng ngạc nhiên là một số ý tưởng khởi nghiệp như thế lại thành công nhờ vào con người nhưng là con người có tiền công còn rẻ. Thử tưởng tượng một ứng dụng mua hàng giao tận nơi ở Mỹ làm sao cất cánh khi tiền giao một món hàng 5-10 đô la còn rẻ hơn nhiều tiền công thuê người đi giao. Ở Việt Nam, giao hàng như thế thành một yếu tố khởi nghiệp thành công!

Nhìn lại những vấn đề của khởi nghiệp và nhu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, có thể nào tìm ra một con đường dung hòa. Muốn thế, xin đừng xem khởi nghiệp là một mốt thời thượng mà sử dụng nó người ta có thể trở thành triệu phú đô la trong một thời gian ngắn. Các bài viết cổ xúy khởi nghiệp cũng xin đừng nuôi dưỡng cái tham vọng không dựa trên thực tế như thế. Hãy nghĩ đến khởi nghiệp như một sự khởi đầu trên con đường nhận thức các thay đổi đang diễn ra quanh chúng ta và xác định lại các ưu tiên trong thiết kế mô hình kinh doanh.


Từ ngành truyền thông đến may mặc, từ giáo dục đến bán hàng - tất cả đang phải trải qua những thay đổi - thành công sẽ chỉ đến với những người biết thay đổi, bất kể đó là chuyện khởi nghiệp hay tái khởi công một cơ sở làm ăn truyền thống theo con đường mới.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...