Chia sẻ
cũng không phải dễ
Bạn có nguyên một tầng lầu bỏ không nhưng không muốn cho
thuê dài hạn vì những phiền toái khi cho thuê nhà. Bạn ước gì liên lạc được với
du khách toàn thế giới, ai ghé lại Sài Gòn muốn ở nhà bình thường chứ không thích
ở khách sạn thì cứ đến thuê nhà của bạn.
Ngày xưa ước muốn đó khó mà thực hiện; giỏi lắm bạn chỉ đủ
tiền quảng cáo ở một vài tờ báo chứ làm sao đưa thông tin về căn nhà của bạn ra
cho toàn thế giới.
Nhưng nay chuyện dàn xếp để người có nhu cầu thuê nhà với
người có nhà cho thuê ngắn hạn đã dễ như trở bàn tay. Hàng loạt trang web ra đời
mà nổi bật nhất là trang airbnb.com, hiện đang làm trung gian cho gần một triệu
chỗ ở ngắn ngày tại 33.000 thành phố ở 192 nước. Số liệu năm ngoái cho thấy mỗi
ngày trang này mai mối thành công cho gần 50.000 lượt thuê nhà ngắn hạn như thế
ở khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Gõ thử “Hanoi, Vietnam” vào trang
airbnb.com, thấy có vài trăm chỗ chào cho thuê, từ hai ba chục đến cả trăm
đô-la mỗi ngày.
Câu hỏi đầu tiên nảy sinh là làm sao chủ nhà tin tưởng cho một
người lạ mặt vào nhà mình ở; làm sao du khách dám xách vali đến ở tại một nơi
xa lạ lại không đăng ký kinh doanh như khách sạn. Airbnb xây dựng lòng tin nhờ
vào nhận xét của cộng đồng, vào quy luật có đi có lại… Thậm chí các mạng xã hội
khác như Facebook cung cấp ứng dụng xác minh người dùng cho Airbnb.
Bùng nổ nền kinh tế
chia sẻ
Có lẽ đến giờ nhiều người ở Việt Nam đã nghe nói đến Uber, dịch
vụ chia sẻ phương tiện đi lại theo mô hình taxi tư nhân.
Tuy nhiên ở đây phải nói ngay một nhầm lẫn giữa hai loại
hình dịch vụ. Một bên là ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho các mô
hình kinh doanh sẵn có. Ví dụ thay vì dung tổng đài để gọi taxi, người ta có thể
dung các ứng dụng trên điện thoại thông minh như GrabTaxi, EasyTaxi, MoobiTaxi…
để biết ngay chiếc taxi nào đang ở gần mình, đặt chỗ rồi gọi xe… Bên kia lại là
kết nối giữa người có nhu cầu đi xe và người có xe sẵn sàng chở khách kiếm thêm
tiền chứ không phải dân chạy taxi chuyên nghiệp. Cái sau chính là Uber.
Như vậy các dịch vụ như Uber hay Airbnb đang gây xáo trộn những
ngành truyền thống đang hoạt động bấy lâu nay – thay vì hỗ trợ chủ khách sạn tiếp
cận khách hàng, tài xế taxi kiếm khách nhanh hơn, chúng bỏ qua các nơi cung ứng
dịch vụ theo con đường chính thống mà kết nối người dùng với nơi cung ứng dịch
vụ phi truyền thống như người muốn cho thuê nhà theo kiểu tài tử, người dùng xe
nhà chạy vài cuốc kiếm thêm ít tiền.
Nền kinh tế chia sẻ theo kiểu ấy không chỉ dừng lại ở Uber
hay Airbnb, nó đang mở rộng ra nhiều lãnh vực khác nhau. Từ chia sẻ chiếc xe
hơi, nhà mở rộng ra chia sẻ máy móc đắt tiền, chăm sóc thú cưng dùm cho người
đi du lịch, làm việc nhà, thậm chí cho vay ngắn hạn… Có những dịch vụ mới nghe
qua tưởng đâu chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng như Auto Share của Verizon,
người dùng chỉ cần quét chiếc điện thoại di động lên kính xe hơi đang đỗ ngoài
phố để xác minh, nếu đúng là nhân vật đã đăng ký thì xe sẽ mở cửa và sẵn sàng
cho sử dụng. Có cái nghe thật xa vời như cho thuê nguyên hòn đảo, cánh đồng, chỗ
cắm trại hay thật vặt vãnh như cho thuê cái máy giặt trong hai giờ.
Phản đối cũng ầm ĩ
không kém
Phản ứng lại các dịch vụ chia sẻ nói trên đầu tiên là các
nơi cung cấp dịch vụ truyền thống. Chắc chắn các hãng xe taxi sẽ không muốn bị
cạnh tranh hớt khách trên tay bởi hàng ngàn hãng xe taxi không tên tuổi, mỗi
ông chủ chỉ một chiếc xe lại sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chắc
chắn các khách sạn không vui vẻ gì khi một tỷ lệ ngày càng lớn du khách dùng
Airbnb, bỏ qua hệ thống khách sạn truyền thống.
Mới đây nhất là chuyện Sở Giao thông vận tải TPHCM đề nghị Bộ
Giao thông vận tải có chỉ đạo để làm rõ tính pháp lý đối với dịch vụ xe Uber.
Uber cũng bị giới taxi nhiều nước phản đối vì theo họ đã cạnh tranh không lành
mạnh như một dạng hoạt động chui, không đóng thuế. Những người tham gia vào mạng
lưới cho thuê nhà kiểu Airbnb chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu giới khách sạn kêu
cứu vì chỉ cần siết lại chuyện đăng ký tạm trú hay đăng ký kinh doanh là coi
như bị phá vỡ hợp đồng.
Phản đối thì phản đối, vấn đề quan trọng là các nhà quản lý
nghĩ sao về các loại hình kinh tế hoàn toàn mới này.
Phản ứng từ các doanh nghiệp chắc không đủ để nhà làm chính
sách phải ra tay hạn chế nền kinh tế chia sẻ vì doanh nghiệp truyền thống bị
thua thiệt thì người tiêu dùng và hàng loạt “doanh nghiệp” tí hon sẽ hưởng lợi
– cái lợi chung của nền kinh tế ắt sẽ lớn hơn thiệt hại mà nó gây ra.
Điều then chốt là nhà nước có thể thu thuế dễ dàng từ doanh
nghiệp đã đăng ký hoạt động như hãng xe taxi hay chuỗi khách sạn; ngược lại họ
sẽ không thu được đồng thuế nào từ các “doanh nghiệp bất đắc dĩ” trong nền kinh
tế chia sẻ. Và đây mới chính là động lực để nhà nước “quản” các loại hình dịch
vụ như Uber hay Airbnb.
Tuy nhiên ở các nước phát triển, nếu cá nhân hưởng lợi từ việc
cho thuê nhà, thuê xe, ắt thu nhập của họ sẽ tăng lên và nhà nước sẽ thu thuế từ
đó. Tức thay vì thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà nước sẽ thu thuế thu nhập
cá nhân chứ không mất đi đâu cả.
Một phản đối lớn hơn là tính bất ổn của nền kinh tế chia sẻ
gây ra. Thử hỏi có chính quyền nào dám công khai cho phép một loại hình kinh
doanh hoạt động mà họ không kiểm soát được. Giả thử xảy ra vài vụ án mạng hay
cướp bóc từ việc chia sẻ phòng ngủ, cho đi xe nhờ thì áp lực dư luận bắt kiểm
soát loại hình này sẽ lên cao đến đâu.
Tương lai sẽ như thế
nào?
Nói gì thì nói, ở những nước như Việt Nam, tư duy “quản
không được thì cấm” vẫn còn rất mạnh. Cho nên có thể tiên đoán sẽ sớm có những
quy định hạn chế các dịch vụ chia sẻ như Uber hay cấm hẳn Airbnb bằng cách cấm
cho người nước ngoài thuê nhà tư nhân.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ và mô hình kinh doanh
thay đổi như chong chóng ngày nay, cứ cấm đoán theo kiểu cũ trước sau gì cũng
thất bại.
Giả dụ người dùng Airbnb cứ tiến hành giao dịch, không màng
đến giới quản lý thì sao? Quan trọng hơn, nếu không hiểu và thích nghi với các
mô hình phát triển mới, chúng ta sẽ đánh mất tính sáng tạo và năng động của nền
kinh tế. Chính vì thế mà thành phố San Francisco vừa sửa luật để tạo điều kiện
cho mọi người chia sẻ nhà hay phòng ở qua Airbnb dễ dàng hơn.
Bản chất của các mô hình thành công mới là đóng vai trò
trung gian. Ví dụ Facebook là nơi trung gian cho hàng triệu triệu con người
trao đổi thông tin với nhau, Facebook không thu phí mà tìm lợi nhuận từ quảng
cáo cho chính hàng triệu triệu con người đó xem. Nhiều trang tương tự ở nước
ngoài dùng khái niệm “user-generated content” (nội dung do người dùng tạo ra) để
hoạt động, vừa khỏi tốn chi phí sản xuất nội dung vừa thu hút số lượng người
đông đảo. Chính những thành công của các trang mang tính diễn đàn như thế như
Tinh Tế ở Việt Nam làm chúng ta phải suy nghĩ về cách thức quản lý.
Nhìn rộng ra, hiện nay đã có những mô hình kinh doanh hoàn
toàn mới trước đây chưa ai nghĩ là có thể tồn tại. Ví dụ gọi vốn cho những sản
phẩm chỉ mới là ý tưởng, bán sách chưa viết xong, tự xuất bản, tự phát hành qua
mạng…
Thử tượng tượng đến một ngày đẹp trời nào đó, mọi thứ chúng
ta đang sở hữu đều có thể được rao để chia sẻ, bất kỳ ai mong muốn “mượn” đồ của
chúng ta đều có thể tham gia, phần mềm trên chiếc điện thoại sẽ lo hết mọi thứ
để cuối cùng thu xếp cho cung cầu gặp nhau. Phần còn lại chỉ là vấn đề hậu cần.
Cái hay là Việt Nam và người dân Việt Nam hoàn toàn có thể
tham gia vào nền kinh tế chia sẻ ngang bằng với các nước khác, không ngại trình
độ công nghệ hay cơ sở hạ tầng. Có lẽ quan niệm “trình độ quản lý phải tiến kịp
với trình độ phát triển” ngày càng đúng hơn bao giờ hết.