Giá dầu biến
động - do đâu?
Giá dầu đang giảm mạnh, tính từ giữa tháng 6-2014 đến giữa
tháng 10-2014 đã giảm trên 25 đô la/thùng.
Chỉ đến khi giá dầu xuống mức xấp xỉ 80 đô la Mỹ/thùng, người
ta mới sực nghĩ đến cuộc cách mạng dầu đá phiến đang diễn ra, có tiềm năng thay
đổi tận gốc rễ tình hình địa chính trị, kinh tế cũng như cán cân quyền lực trên
toàn thế giới.
Thế nhưng cuộc cách mạng dầu khí đá phiến là gì? Và nó có ảnh
hưởng thế nào đến giá dầu thô trên thế giới?
Một chút lịch sử
Xưa nay nói đến dầu, người ta chỉ nghĩ đến dầu thô khai thác
từ những giếng dầu truyền thống trên đất liền hay ngoài biển. Và nói đến dầu
thô, nhiều người cũng nhớ ngay đến dự báo của King Hubbert từ năm 1956 rằng lượng
dầu khai thác được sẽ đạt đỉnh vào thập niên 1970 rồi giảm dần đến chỗ cạn kiệt.
Trong nhiều năm người ta tin vào tiên đoán này, nhất là khi giá dầu ngày càng
tăng vì chi phí khai thác cao, xung đột tranh giành ảnh hưởng lên các vùng nhiều
dầu làm dầu mang tính địa chính trị đậm nét. Chỉ mới cách đây một thập niên,
người Mỹ cũng nghĩ rằng nguồn cung dầu thô của họ sẽ cạn kiệt dần nên mọi chính
sách đối ngoại dường như tập trung vào “lợi ích của Hoa Kỳ” mà nói trắng ra là
các giếng dầu ở Trung Đông.
Thế rồi mọi chuyện thay đổi khi Mỹ hoàn thiện công nghệ khai
thác dầu khí đá phiến trong đầu thập niên 2000. Nói ngắn gọn, nhờ vào sự phát
triển của hai công nghệ ép vỉa thủy lực (hydraulic fracturing, còn được dịch
thành nứt vỡ thủy lực) và khoan ngang, Mỹ đã vượt qua các nước khác, đi tiên
phong trong lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến. (Xem thêm bài Cuộc cách mạng dầu
khí đá phiến).
Trong khi trữ lượng dầu thô truyền thống của Mỹ là 164 tỉ
thùng thì trữ lượng dầu đá phiến cũng lên đến 58 tỉ thùng, nâng tổng trữ lượng
dầu thô của Mỹ vào khoảng 222 tỉ thùng. Để so sánh, các con số này của toàn thế
giới lần lượt là 3.012 tỉ thùng dầu truyền thống, 345 tỉ thùng dầu đá phiến và
tổng trữ lượng là 3.357 tỉ thùng. Tính ra thì trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ chiếm
đến một phần tư tổng trữ lượng dầu mỏ của nước này; trong khi trên thế giới, dầu
đá phiến chỉ chiếm một phần mười tổng trữ lượng.
Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu và khí đá phiến ở
Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này. Hiện Mỹ đã
vượt Nga, trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Còn dầu thì từ năm
2008 đến nay, sản lượng Mỹ khai thác đã tăng đến 70%, lên mức 8,7 triệu
thùng/ngày. Theo nhiều dự đoán đáng tin cậy, trong vòng vài năm tới lượng dầu
thô khai thác ở Mỹ sẽ vượt mức đỉnh 10 triệu thùng/ngày từng đạt được vào thập
niên 1970, và tiếp tục có cơ qua mặt cả Nga và Ảrập Saudi thành nước sản xuất dầu
thô lớn nhất thế giới. Còn nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi - bao gồm dầu
thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids - NGL) - thì Mỹ
đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày và đã vượt qua cả Nga lẫn Ảrập Saudi lên hàng
đầu thế giới vào tháng 7-2014 vừa qua, theo thống kê chính thức của Cơ quan
Năng lượng quốc tế IEA.
Tại sao giá dầu thô
giảm mạnh
Gần như ngay tức thì khi cuộc cách mạng dầu khí đá phiến
bùng nổ, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống rõ rệt. Nên nhớ cách đây
khoảng 10 năm Mỹ còn phải nhập gần 11 triệu thùng dầu thô mỗi ngày để đáp ứng
nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thành phẩm (mà ta
có thể gọi nôm na là xăng dầu). Nhưng tính đến cuối năm 2013, Mỹ chỉ còn phải
nhập 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu đến gần 4 triệu thùng dầu
thành phẩm. Ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới mà cầu giảm trong khi
cung lại tăng nên chẳng lạ gì giá dầu thế giới có thể coi là bình ổn trong vài
năm gần đây và giảm mạnh trong thời gian mấy tháng vừa qua. Bất kể các cuộc khủng
hoảng xung đột xảy ra tại các khu vực xuất khẩu dầu thô như Libya (vụ chính quyền
Tổng thống Gaddafi bị lật đổ), tại Trung Đông (với việc Nhà nước Hồi giáo (IS)
tuyên bố thành lập), hay vụ xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thô trên thế
giới không hề tăng như xưa nữa.
Khi giá dầu giảm dưới mức 80 đô la/thùng, nhiều nước sản xuất
dầu thô nếu tính toán không khéo sẽ bị lỗ nặng. Thế nhưng chi phí sản xuất dầu
đá phiến thì ngày càng giảm. Nhờ liên tục cải tiến công nghệ và sự cạnh tranh
giữa các công ty cung cấp dịch vụ khoan, chi phí khai thác mỗi thùng dầu đá phiến
ở nhiều nơi trên nước Mỹ chỉ còn khoảng 30 đô la/thùng từ năm 2012, theo một
báo cáo của Morgan Stanley. Như vậy nhiều nhà sản xuất dầu ở Mỹ còn có thể chịu
được dù giá rớt xuống mức 50 đô la/thùng.
Tất cả những yếu tố đề cập trên đang được đặt lên bàn cân của
các nước trong một ván cờ hoàn toàn mới lạ so với trước.
Kẻ cười người khóc
Hiện tượng giá dầu giảm lần này không phải do biến động
chính trị mà do cung tăng bền vững, đều đặn nên chắc chắn mức giá giảm sẽ còn
tiếp tục cho đến chừng nào các nước sản xuất dầu thô truyền thống như Ảrập
Saudi (đại diện tiêu biểu của khối OPEC) hay Nga chịu không nổi phải giảm sản
lượng để giữ giá dầu, tránh sự thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng. Có vẻ như Ảrập
Saudi và cả Nga đang muốn chơi trò “cù cưa” với Mỹ nhằm đo lường xem Mỹ trụ lại
được bao lâu khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, có thể thấy ngay là “trò chơi nguy hiểm”
này cũng sẽ chẳng làm Mỹ suy yếu đi bao nhiêu mà ngược lại, có thể rơi vào trường
hợp “gậy ông đập lưng ông”.
Lý do dự đoán Mỹ không suy yếu bao nhiêu là vì: Mỹ vẫn chưa
bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho nên sản lượng dầu đá phiến tăng đều đặn hoàn
toàn được cung cấp cho thị trường nội địa. Giá dầu giảm có chăng sẽ làm giảm mức
tăng sản lượng dầu thô của quốc gia này (vì nguồn đầu tư vào hoạt động khai
thác dầu sẽ giảm) chứ không thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế đa dạng và
đang trên đà hồi phục. Đó là chưa kể nguồn cung khí đốt khai thác từ đá phiến dồi
dào dẫn đến giá khí đốt tại Mỹ vẫn rất rẻ so với bình diện chung kéo theo hàng
loạt ngành công nghiệp khác phát triển và thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài.
Giá khí đốt tại Mỹ hiện nay vào khoảng 4 đô la trên một đơn vị năng lượng BTU
so với 11-12 đô la ở thị trường châu Âu và 16-17 đô la tại thị trường châu Á.
Một vấn đề nữa cần chú ý là loại dầu khai thác từ đá phiến
là dầu ngọt và nhẹ trong khi dầu của Ảrập Saudi là loại nặng và chua (vì chứa
nhiều lưu huỳnh) nên dù Ảrập Saudi có “đổi ý” muốn giảm sản lượng hòng bình ổn
giá dầu cũng không thay đổi được mức cung ngày càng tăng cao của loại dầu ngọt
và nhẹ. Nghĩa là họ cũng chẳng còn khả năng xoay chuyển, thao túng tình hình
như những thập kỷ trước.
Nền kinh tế thế giới cũng chưa có biến chuyển gì mới nên
phía cầu xem như sẽ không tăng mạnh như những năm trước cuộc khủng hoảng tài
chính 2008.
Trước mắt những nước nhập khẩu dầu nhiều như Trung Quốc, Ấn
Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có lợi; các nước xuất khẩu dầu mạnh như Nga và Trung
Đông thì đang rầu thúi ruột bởi những khía cạnh vừa được phân tích. Chính vì
giá dầu giảm mạnh đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào khó khăn, đồng rúp mất giá chứ
chưa hẳn là kết quả của lệnh cấm vận do Mỹ và châu Âu áp đặt. Và chính giá dầu
làm xung đột ở Trung Đông, bất kể các tít báo IS chặt đầu, đốt phá khắp nơi, đã
không bùng phát lên dữ dội như ngày xưa. Vai trò Trung Đông như một nguồn cung
dầu quan trọng cho thế giới vẫn còn đó nhưng một khi giá dầu không còn bị giữ
làm con tin để mặc cả nữa thì nơi này không còn là điểm nóng địa chính trị.
Nếu giá dầu Brent rơi xuống mức 80 đô la/thùng thì theo tính
toán của tờ Financial Times, các nước OPEC sẽ hụt mất 200 tỉ đô la trong 1.000
tỉ đô la doanh thu từ dầu thô.
Trên bình diện cả thế giới thì giá dầu giảm như hiện nay là
một cú hích theo dạng kích cầu quan trọng, trị giá chừng 1,8 tỉ đô la mỗi ngày,
hay 600 tỉ đô la tính theo năm. Ví dụ, mỗi gia đình Mỹ hiện đang xài bình quân
2.900 đô la/năm tiền xăng dầu và khí đốt thì mức giảm tương đương khoản tiền tiết
kiệm chừng 600 đô la để chi tiêu vào việc khác.
Tóm lại, nhờ vào cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đang diễn
ra mạnh mẽ tại Hoa Kỳ mà các nước OPEC không còn có thể thao túng thị trường dầu
mỏ của thế giới như trước đây. Cuộc diện địa chính trị thế giới có thể còn nhiều
biến đổi trong thời gian tới.