Khoa học viễn tưởng đã tới –
có thật không?
Nguyễn Vạn Phú
Thời niên thiếu, tôi từng say đắm truyện khoa học viễn tưởng,
từ loại du hành vào các thiên hà xa xôi đến loại đi vào lòng trái đất nóng
chảy, huyền bí. Nhưng thích nhất vẫn là loại truyện mà nhân vật chính là các
chú rô-bốt nhìn bề ngoài như người thật lại có năng lực siêu nhiên, siêu phàm.
Tôi từng ước mình có một chú rô-bốt luôn ở bên cạnh, khi cần
hỏi từ đây lên Mặt Trăng bao xa là chú trả lời ngay. Khi cần bảo chú làm toán
giùm, hay học thuộc bài rồi dùng phương tiện “truyền âm nhập mật” để nhắc vào
tai tôi mặc dù ở xa vài ba cây số.
Ước mơ lụi tàn dần cho đến một hôm bỗng sực nhớ, tất cả
những năng lực siêu nhiên đó hiện đã có mặt quanh ta, chỉ có điều không ở dưới
dạng chú rô-bốt giống con người. Chỉ cần chiếc điện thoại di động cỡ trung, bạn
cũng đã có thể bật phần mềm hỏi đáp lên, hỏi các câu (bằng tiếng Anh) như từ
Trái đất lên Mặt Trời bao nhiêu cây số, tốc độ âm thanh là bao nhiêu, nhiệt độ
hiện nay ở Tokyo là mấy độ, tỷ giá đô-la Úc hôm nay bao nhiêu... Máy sẽ trả lời
rành rọt còn hơn chú rô-bốt trong trí tưởng tượng ngày xưa của tôi.
Mới hôm kia, báo chí tường thuật một ứng dụng mới, chỉ cần
dùng máy chụp ảnh trên điện thoại quét qua bài toán giải phương trình, bấm một
cái là có kết quả ngay. Nếu cần máy sẽ cho bạn biết cách giải bài toán từng
bước, từng bước để chép nộp cho thầy.
Hầu như nhiều điều mấy chục năm về trước người ta còn đưa
vào các truyện khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực nhưng ít ai để ý. Đã
có xe hơi tự lái, tự đỗ khi cần tự chạy từ ngoài sân đỗ vào cửa đón bạn; đã có
máy bay không người lái, ở suốt trên trời khi cần người ta bấm nút sai nó xuống
ném bom giết người ở tận Trung Đông. Chuyện hai người ở hai đầu Trái Đất nói
chuyện mà thấy mặt nhau thì quá thường rồi.
Thế nhưng có những khác biệt giữa chú rô-bốt ngày xưa và máy
móc tự động ngày nay. Ngày xưa các chú sống theo ba nguyên tắc mà nhà văn khoa
học viễn tưởng Isaac Asimov đặt ra: Rô-bốt không được hại con người; Rô-bốt
phải tuân lệnh người trừ phi lệnh đó xung đột với nguyên tắc đầu tiên; Rô-bốt
phải tự bảo vệ mình miễn sao không vi phạm nguyên tắc đầu và nguyên tắc thứ
nhì.
Ngày nay, máy tính, mạng Internet mạnh hơn, thông minh hơn
các chú rô-bốt nhiều. Thế nhưng giả thử có ai dùng Facebook để lừa đảo người
khác, mặc dù thuật toán dễ dàng cho Facebook biết ngay họ có ý đồ lừa đảo (dựa
vào quá khứ sử dụng của người này) nhưng Facebook vẫn dửng dưng để mặc kẻ xấu dụ
dỗ người cả tin. Các máy bay drone không người lái ngoan ngoãn giết người không
gớm tay. Máy tính bảng dễ dàng biết người dùng chúi mặt vào màn hình quá lâu,
có hại cho sức khỏe nhưng đời nào nó tự tắt, tự phát tín hiệu cảnh báo.
Và những vấn đề đạo lý hiện đang cản trở các chú rô-bốt hoàn
thiện hơn nữa: Giả thử xe không có người lái, gây tai nạn thì ai chịu trách
nhiệm?
Khoa học viễn tưởng đã đến nhưng từ năng suất cho đến hạnh
phúc, nó không làm con người thỏa mãn. Những tưởng với những đột phá trong công
nghệ, từ các phần mềm đơn giản như bảng tính Excel đến các cơ sở dữ liệu khổng
lồ, con người sẽ làm việc hiệu quả gấp trăm lần ngày xưa. Có ai tưởng nỗi chỉ
cần cái laptop là có thể tính toán tiền lương cho cả chục ngàn người. Nhưng
không, năng suất lao động của nhân loại không tăng được chút nào cả.
Còn nói về chuyện hạnh phúc, cứ nhìn vào bất kỳ tấm ảnh nào
miêu tả con người ngồi cạnh nhau trong tiệm ăn, trong phòng chờ sân bay không
nói chuyện với nhau mà mỗi người chúi mũi vào màn hình riêng của mình mới thấy càng
ngày cuộc sống ảo càng lấn lướt cuộc sống thật.
Ngày xưa truyện khoa học viễn tưởng khai thác đề tài chiến
tranh giữa người máy với con người; nay máy móc đang hủy diệt hay thay đổi tận
gốc rễ nhiều ngành nghề mà ít ai để ý như sách báo, in ấn, âm nhạc. Chẳng bao
lâu nữa, các ngành dịch vụ như khách sạn, taxi sẽ bị xáo động dữ dội do chi phí
sắp xếp để bên cung gặp bên cầu nhờ máy móc mà xuống thấp bằng không bèn nảy sinh các dịch vụ mới như Uber, như Airbnb...
Nói chung nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, nền kinh tế cung ứng truyền thống sẽ
mai một.
Có lẽ tất cả những nghịch lý này đang diễn ra và ngày càng
mạnh hơn là do ngày xưa mọi truyện khoa học viễn tưởng đều giả định xã hội đồng
nhất, ai cũng tiếp cận máy móc như nhau. Còn ngày nay, bên cạnh những người thừa
hưởng hay chịu đựng các tiến bộ công nghệ mới nhất vẫn còn một tỷ lệ rất lớn
nhân loại đứng ngoài rìa, ngày càng tụt lại đằng sau.
Ở đó, sự mù quáng sẽ thổi bùng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tô
đậm lòng tham, sự thù hận... những điều mà không máy móc nào giải quyết được. Có
lẽ vì thế giấc mơ khoa học viễn tưởng vẫn luôn là giấc mơ nằm ở phía trước, xa
thật xa.