Hiểu nhầm tai hại
Mỗi khi nói đến nợ xấu, người ta thường mắc phải một số hiểu
nhầm và điều đáng nói là những hiểu nhầm này lại khá phổ biến.
Dự phòng rủi ro có
sẵn đó để giải quyết nợ xấu
Hiểu nhầm đầu tiên và phổ biến nhất là cái suy nghĩ đối chọi
với nợ xấu là con số “dự phòng rủi ro” mà các ngân hàng đã trích lập. Nhiều
người cứ tưởng đây là một khoản tiền mà các ngân hàng đã để riêng ra một bên,
nằm trong một cái quỹ, nếu cần cứ lấy ra để xử lý nợ xấu.
Hoàn toàn không phải như vậy. Trong báo cáo tài chính của
các ngân hàng, dự phòng rủi ro là con số âm! Đã là con số âm thì làm gì có
chuyện lấy nó để giải quyết nợ xấu.
Một khoản vay 100 tỷ đồng, đã hơn một năm nay khách hàng
không trả lãi cũng chẳng trả vốn, theo quy định thì ngân hàng phải “trích lập
dự phòng” 100% cho khoản vay này. “Trích lập dự phòng” ở đây chỉ là một bút
toán ghi thành con số âm bên tài sản (ví dụ âm 40 tỷ đồng, 60 tỷ đồng là trị
giá tài sản thế chấp theo tỷ lệ). Và để cân đối bên vốn chủ sở hữu phải giảm
trừ 40 tỷ đồng cho bằng nhau.
Như vậy dự phòng càng lớn có nghĩa nợ xấu được thừa nhận
càng lớn.
Và khái niệm sử dụng dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu
phải hiểu theo nghĩa lúc đó ngân hàng xem như thua cuộc, không còn một mảy may
hy vọng đòi được nợ bèn xóa khoản nợ ấy ra khỏi tài sản (đồng thời xóa luôn
được con số dự phòng rủi ro âm nói trên). Dĩ nhiên việc xóa nợ như thế phải đáp
ứng một số điều kiện nghiêm nhặt và cho đến nay ngân hàng cũng không mặn mà áp
dụng. Hãy nhìn lại cái ví dụ ở trên, nếu xóa nợ theo cách đó thì ngân hàng đồng
thời phải phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi 60 tỷ đồng. Trong tình hình tài
sản đảm bảo phần lớn là bất động sản, từng được định giá quá cao nay lại khó
bán thì xử lý nợ đồng nghĩa đối diện rủi ro phải dùng thêm dự phòng chung để bù
vào mới đủ.
Ngân hàng hăm hở bán
nợ cho VAMC
Một hiểu nhầm thứ nhì là các ngân hàng không phải lo vấn đề
nợ xấu vì đã có Công ty Quản lý tài sản VAMC mua nợ cho họ và theo trả lời
phỏng vấn của một số quan chức thì nhà đầu tư nước ngoài đang hăm hở mua lại nợ
xấu từ VAMC.
Trở lại với khoản nợ 100 tỷ đồng giả định nói trên, nếu để
nguyên trong ngân hàng thì họ không phải làm gì cả. Nhưng giả dụ họ bán cho
VAMC thì sẽ thu được 60 tỷ đồng (trừ 40 tỷ đồng là dự phòng rủi ro đã trích
lập). Và cũng ngay lập tức hàng năm trong 5 năm liên tục họ phải trích ra thêm
12 tỷ mỗi năm để sau năm năm đủ tiền mà xóa khoản nợ ấy đi khi nhận lại từ
VAMC.
Từ khi ra đời đến đầu tháng 9 năm nay VAMC đã mua gần 60.000
tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa các tổ chức tín dụng
này cũng đã giảm trừ lợi nhuận (và nếu không có lợi nhuận thì giảm trừ vào vốn
chủ sở hữu một khoản tiền không nhỏ là 12.000 tỷ đồng).
Đó là lý do tại sao năm 2013 chúng ta còn nghe thông tin
VAMC mua nợ được cập nhật khá thường xuyên còn năm 2014 thì im ắng. Đó cũng là
lý do chính vì sao các ngân hàng đang ngồi trên đống tiền, thanh khoản hết sức
dồi dào mà không cho vay ra được.
Nợ xấu đã bộc lộ, giờ
chỉ còn tìm cách giải quyết
Điểm thứ ba thật ra không phải là sự hiểu nhầm nữa mà ai
cũng thừa nhận con số nợ xấu thật sự không ở mức như được công bố. Tuy nhiên
cao hơn bao nhiêu thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng nắm rõ nhất.
Lấy ví dụ Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín
dụng được cơ cấu lại nợ và chính NHNN trong báo cáo gởi Quốc hội vào năm ngoái
cũng nói rõ: “Đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại
thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4
nghìn tỷ đồng”.
Cho các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì cả chủ nợ
và con nợ đều thở phào nhẹ nhỏm nhưng bản chất vấn đề vẫn còn nguyên đó.
Cái tai hạn của việc cơ cấu lại này là nhờ nó mà ngân hàng
hoặc không trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hay trích lập không đủ theo
tỷ lệ của từng nhóm nợ xấu. Thời gian càng trôi qua, nợ xấu càng không được
giải quyết thì món nợ phải trích lập dự phòng rủi ro ngày càng lớn. Thử hỏi
ngân hàng ngồi trên những khoản nợ “chưa xấu” như thế thì lòng dạ nào mà tung
tiền ra cho vay, nợ “chưa xấu” trì hoãn gì cũng trở thành nợ xấu, lúc đó gánh
nặng trích lập dự phòng, khấu trừ hết vốn e cũng chưa đủ.