Flappy Bird: Tiền không quan
trọng, vậy cái gì mới quan trọng?
Trò chơi Flappy Bird gây sóng gió trên thế giới và trong
nước từ Tết đến giờ bởi tác giả, anh Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên trẻ tuổi
ở Hà Nội đã một thân một mình làm nên kỳ tích: đưa trò chơi này lên vị trí đầu
bảng cả trên App Store của hệ điều hành iOS lẫn Google Play của hệ điều hành
Android.
Một trong những góc cạnh được bàn tán nhiều là liệu trò chơi
đã được 50 triệu lượt tải về này có đem lại cả triệu đô-la Mỹ cho tác giả mới
29 tuổi này? Có người nói doanh thu hàng ngày của Flappy Bird có thể hơn 50.000
đô-la Mỹ; có người tỏ vẻ nghi ngờ, không thể nào đến con số đó. Tuy nhiên, mặc
dù tiền rất quan trọng nhưng yếu tố tiền bạc không phải là vấn đề lớn nhất mà
Flappy Bird đem lại cho giới trẻ Việt Nam.
Tiền không quan trọng
nhưng cũng nên tìm hiểu cơ chế làm ra tiền của Flappy Bird
Flappy Bird là một loại trò chơi miễn phí. Nó kiếm ra tiền
là nhờ chạy dòng quảng cáo nhỏ xíu ở trên màn hình của người chơi. Cho đến nay
ngoài nguồn tin từ tờ The Verge nói rằng tác giả cho biết doanh thu quảng cáo
của Flappy Bird lên đến 50.000 đô-la Mỹ mỗi ngày, Nguyễn Hà Đông chỉ mới nói
với một tờ báo trong nước là có thể so sánh một trò chơi tương đương có 47
triệu lượt tải về thì thu được nửa triệu đô-la mỗi tháng nhờ quảng cáo. Trả lời
TBKTSG qua Twitter, Đông chỉ giải
thích vì sao có cái tên Flappy Bird (ban đầu đặt tên cho trò chơi là Flap Flap
– tức [chim] vỗ cánh) nhưng không tiết lộ gì về doanh thu.
Nếu chú ý khi đọc báo trên điện thoại di động, có thể thấy
dưới chân màn hình xuất hiện băng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Chiếm thị
phần lớn nhất dạng quảng cáo này là AdMob của Google. Chủ nhân sản phẩm (có thể
là tờ báo, trò chơi hay một ứng dụng bất kỳ) chừa ra một ô trống rồi đăng ký
tiếp nhận quảng cáo từ Google. Nếu thỏa mãn một số tiêu chí nào đó thì Google
sẽ đồng ý đưa quảng cáo mà khách hàng khắp thế giới đã đặt chỗ thông qua Google
lên ô trống này. Cái hay là do Google hiện diện khắp thế giới, khách hàng cũng
ở khắp thế giới nên khi người dùng mở ứng dụng ở đâu thì quảng cáo liên quan sẽ
tự động xuất hiện. Nhờ vậy mức độ liên quan của quảng cáo với người dùng là rất
cao.
Người dùng khi nhấn vào quảng cáo thì Google sẽ ghi nhận và
sẽ dựa vào đó để trả tiền cho chủ nhân sản phẩm (cost per click – CPC hay
PPC). Ngoài ra với những nhà quảng cáo khác người ta còn tính số lần quảng cáo
xuất hiện trên sản phẩm để trả tiền, đơn vị thường là 1.000 lần (cost-per-thousand impressions - CPM). Số
liệu CPM rất khác nhau, có thể từ 2 xu đến 2 đô-la cho mỗi CPM; với CPC cũng
vậy, có nơi nói bình quân 0,3 đô-la, có nơi nói 0,8 đô-la... Cho nên ngoài chủ
nhân của sản phẩm ra không ai có thể tính toán để đoán mò doanh thu quảng cáo
được. Theo tờ TechCrunch, các ứng dụng miễn phí nằm trong top 100 ứng dụng dành
cho iPhone có doanh thu quảng cáo từ 400 đô-la đến 5.000 đô-la/ngày.
Nên xem đây là nguồn
cảm hứng
Khi khai thác đề tài Flappy Bird, nhiều báo nước ngoài tập
trung vào yếu tố tâm lý con người, như sự hoài niệm hình ảnh trò chơi kiểu cổ
(trò chơi hái nấm ngày xưa), như sự bực giọc khi không vượt qua được một trò
chơi trông rất đơn giản, như sự ngạc nhiên của làng công nghệ game online – một
bộ máy khổng lồ với đủ nguồn nhân lực, vật lực lại thua xa một cá nhân đơn lẻ,
chi phí ít ỏi...
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất của Flappy Bird là nó chứng
minh, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, một cá nhân ở bất kỳ đâu,
cũng có thể vươn ra làm ăn toàn cầu, không còn lo ngại những rào cản vốn, công
nghệ, kinh nghiệm, bộ máy, chi phí quảng bá, tiếp thị.
Một nhạc sĩ ở một địa phương xa xôi, nếu có tác phẩm làm lay
động lòng người vẫn có thể tìm con đường đưa sản phẩm của mình đến tay người
nghe ở khắp thế giới và thu được tiền bằng nhiều hình thức. Một nhà văn có thể
xuất bản sách bằng tiếng Việt trên Amazon và có thể làm giàu nhờ sách. Một
người dạy nấu ăn bày cách nấu các món ngon của Việt Nam cho thực khách khắp năm
châu bốn biển vẫn có thể sống được nếu biết cách dành diện tích trên blog dạy
nấu ăn này các quảng cáo đăng ký từ xa qua Google. Tất cả đều có thể, miễn sao làm
đúng quy định của luật pháp, không dùng chiêu trò lừa dối, tôn trọng luật chơi
quốc tế và nộp thuế đầy đủ.
Trước đây không thể tưởng tượng ra những kịch bản như thế,
không ai tin vào một kịch bản “quá tốt đẹp” như thế. Nguyễn Hà Đông và Flappy
Bird đã chứng minh chuyện đó hoàn toàn khả thi, mặc dù ở trường hợp này may may
cũng là một yếu tố quan trọng. Cho dù hiện tượng Flappy Bird có chóng qua đi
chăng nữa, cái nó để lại là đã rõ và không ai phủ nhận được.
Trước đây, rào cản lớn nhất cho những người làm công việc
sáng tạo ở Việt Nam là quyền sở hữu thông tin không được coi trọng. Giả dụ có
người bỏ công suốt 10 năm trời để biên soạn một cuốn tự điển dưới dạng phần mềm
cài trên điện thoại di động, chỉ cần một người mua về là hàng triệu người khác
sẽ sao chép trái phép, làm tác giả không còn động lực nào để miệt mài suốt 10
năm. Nay họ có thể nghĩ đến phần mền miễn phí, có chèn quảng cáo như Flappy
Bird đã làm được.
Với dân làm game online, Flappy Bird buộc họ phải suy nghĩ
lại toàn bộ chiến lược làm game nhưng với người khác, nó giúp họ nghĩ đến những
mô hình, những cách thức kinh doanh trước đây chưa nghĩ đến.
Với ý nghĩa đó thì đúng là Flappy Bird quan trọng hơn số
tiền người ta đồn nhau đã đem về cho tác giả của nó. Nó không còn là trò chơi
mà là cuộc chơi cho nhiều cá nhân khác.