Con đường “fast food”
Phan Xích Long quận
Phú Nhuận là con đường tôi phải đi qua hàng ngày nên tự dưng thành người
chứng kiến bất đắc dĩ sự chuyển mình của con đường này trên phương diện ăn
uống.
Mới hôm nào còn thấy quán bún bò, tiệm bán cơm văn phòng
bỗng dưng biến thành một nơi sang trọng với những cái tên lạ hoắc. Nào là Texas
Chicken, nào là Popeyes rồi Dunkin’ Donuts, rồi Baskin-Robbins...
Có lẽ người nào một hai năm không đi qua con đường này nay
sẽ ngạc nhiên thấy hàng loạt tên tuổi chỉ quen thuộc ở nước ngoài nay lần lượt
xuất hiện trên con đường ngắn này. Có thể liệt kê các cửa hàng có mặt đầu tiên
như Lotteria, Pizza Hut, đến những nơi mở được cả năm nay như Burger King, Sumo
BBQ, Kichi Kichi...
Tuần trước McDonald’s đã khai trương cửa hàng nhượng quyền
đầu tiên ở Sài Gòn với tuyên bố sẽ mở rộng ra cả trăm cửa hàng trong những năm
tới. Rất có thể Phan Xích Long lại có thêm một McDonald’s trong thời gian tới. Và
cũng rất có thể những loại cửa hàng ăn uống nhượng quyền thương hiệu của nước
ngoài như Domino’s Pizza, Dairy Queen, Subway, Starbucks sẽ lần lượt hiện diện
trên con đường “fast food” này.
Nếu vậy thì đã sao nhỉ?
Người hoài niệm sẽ nghĩ, vì sao thế giới đang say mê ẩm thực
Việt Nam như món phở lừng danh khắp toàn cầu, các món “ăn nhanh” truyền thống
như xôi, hủ tiếu, bún bò, bánh cuốn lành mạnh lại phải nhường chỗ cho các loại thức
ăn nhanh công nghiệp, không có lợi cho sức khỏe chút nào? Người phương Tây sợ
béo phì, cố gắng tránh xa “fast food”, kẹt lắm mới ăn cho qua bữa; dân mình lại
xem “fast food” như một cái gì đó “đặc biệt”, trở thành một buổi “đi ăn ngoài”
trang trọng ở Việt Nam!
Người theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ nghĩ, vì sao ngày xưa Việt
Nam rất kỹ trong việc cấp phép đầu tư nước ngoài trong lãnh vực dịch vụ nhất là
cửa hàng ăn uống nay lại quay ngược 180 độ, cho phép vào hết, mở bao nhiêu cửa
hàng cũng được? Làm thế này thì các cơ sở ăn uống thuần Việt chết hết!
Người thích hội nhập lại cho rằng, nhìn vào các thương hiệu
nổi tiếng kia ai cũng thấy đó là minh chứng cho sự hội nhập của nền kinh tế
nước nhà. Du khách vào đây, thấy các tên tuổi quen thuộc như McDonald’s hay
Starbucks thì họ yên tâm hơn nhiều. Biết đâu chúng chính là ấn tượng tốt đẹp
đầu tiên thu hút du khách hay nhà đầu tư khác?
Riêng tôi, quan sát cái quá trình thâm nhập thị trường Việt
Nam của nhiều nhãn hiệu quốc tế trong mấy năm qua mới thấy họ tài. Ở nước
ngoài, nhãn hiệu này có thể bị gán với chuyện kia (tránh thuế quá tài), nhãn
hiệu nọ có thể dính tới chuyện khác (công nhân bị bạc đãi, nguyên liệu không đảm
bảo vệ sinh...) nhưng qua Việt Nam tất cả đều đẹp đẽ, hoành tráng, chiếm vị trí
bắt mắt và quan trọng nhất là họ bán được cái ý tưởng dùng sản phẩm của họ là
hợp thời trang, đúng gu, là hiện đại, ít ra là cho giới trẻ.
Tôi nghĩ càng nhiều cửa hiệu tên nước ngoài như ở đường Phan
Xích Long cũng chẳng sao cả vì nghe nói vài chục, đến cả trăm cửa hàng là nhiều
nhưng loại quán bún đầu hẻm có cả trăm ngàn – quy mô hai bên không so sánh được.
Dĩ nhiên vì miếng bánh không to thêm lên nên một cửa hàng McDonald’s mở ra hàng
loạt quán xôi, xe bánh mì sẽ giảm khách nhưng mục đích khách hàng vào hai nơi
này khác nhau nên chúng không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Biết đâu các cửa
hàng sạch sẽ này sẽ buộc các quán ăn thuần Việt tự nâng cấp, lo chuyện an toàn vệ
sinh thực phẩm để giữ khách. Chuyện lợi nhuận rồi sẽ đi về đâu, chúng đóng góp
vào GDP hay GNI của nền kinh tế... mấy cái đó to tát quá, thôi chưa dám bàn
tới.
Chỉ có một điều thú vị mà Thomas Friedman, tác giả cuốn
Chiếc Lexus và cây ô-liu từng “lập thuyết”, rằng hai nước nào cùng có cửa hàng McDonald’s
thì chưa bao giờ thấy đánh nhau – nếu đúng vậy, chừng đó cũng đủ hoan nghênh McDonald’s
vào Việt Nam rồi.