Thị trường và
phi thị trường
* Vì sao những
biện pháp phi thị trường lại được dư luận trông chờ và không bị doanh nghiệp
phản ứng mạnh? Vì sao hiện tượng này sẽ có những hệ quả xấu về lâu về dài?
Nếu đứng về lý, rất dễ bác bỏ
yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương
mại phải giảm lãi suất cho những khoản vay cũ về dưới 15%. Luật các tổ chức tín
dụng quy định tại điều 91: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy
động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. NHNN
không có cơ sở pháp lý nào để yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho
những khoản đã cho vay bình thường. Đây là giao kết dân sự giữa hai bên, không
liên quan gì đến NHNN. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn dài hạn với lãi
suất cao thì cũng phải cho vay cao tương ứng nếu không muốn thua lỗ.
Thế nhưng trên thực tế, hầu như
không có sự phản đối công khai nào từ phía các ngân hàng thương mại. Họ chỉ đối
phó bằng các chiêu thức thường thấy như trì hoãn, chọc lọc người vay để giảm
lãi suất, đặt ra những điều kiện bổ sung… Công khai chỉ thấy các lời trần tình,
cần thêm thời gian, cần sự đồng thuận của hội đồng quản trị, cần cân nhắc rủi
ro… Trong khi đó, không ít phương tiện thông tin đứng về phía doanh nghiệp đi
vay để chất vấn giới ngân hàng: “Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?” Quan
chức NHNN cũng khẳng định sẽ xử lý các ngân hàng không chịu giảm lãi suất cho
các khoản vay cũ.
Không lẽ tinh thần tôn trọng
nguyên tắc thị trường trong lãnh vực ngân hàng đã lụi tàn? Nguyên do chính là
vì giới ngân hàng từng bỏ lơ nguyên tắc thị trường để được hưởng lợi từ lâu nay
khó lòng nói khác.
Nếu áp dụng đúng nguyên tắc và
tôn trọng luật lệ một cách đằng thẳng, nhiều ngân hàng không thể nào vượt qua
yêu cầu tăng vốn điều lệ mấy năm trước, không thể nào cho nhiều dự án “sân sau”
vay vượt quá tỷ lệ quy định, không thể nào cho vay vượt quá mức huy động… Tình
trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng không dễ diễn ra. Quan trọng hơn cả,
tình hình nợ xấu không thể che giấu và báo cáo sai lệch như thời gian qua được.
Vì nỗi lo cho sự an toàn của cả hệ thống, NHNN từng đối xử với mọi ngân hàng,
cả tốt lẫn xấu như nhau, không công khai sức khỏe của từng ngân hàng để khách
hàng chọn lựa, không xử lý mạnh các sai phạm của một số ngân hàng khác…
Sự nương nhẹ của cả hai bên dẫn
tới tình trạng như hiện nay khi NHNN điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành
chính và hướng điều hành là tùy thuộc vào lợi ích hay mục tiêu ngắn hạn. Cứ mãi
như thế, biết bao giờ mới khởi động quá trình tái cơ cấu thật sự hệ thống ngân
hàng, làm cho nó lành mạnh và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường?
* * *
* Thu nhập đầu người của Việt Nam tính trên
cơ sở cân bằng sức mua (PPP) đang giảm mạnh. Để dễ hình dung, hãy lấy một ví dụ
được đơn giản hóa: cách đây 5 năm, khi tỷ giá tiền đồng là khoảng 16.000 đồng
ăn 1 đô-la Mỹ, tiền công hớt tóc là 16.000 đồng. Lúc đó so với giá hớt tóc bên
Mỹ đến 10 đô-la, dân Việt Nam
chỉ cần tốn chừng 1 đô-la. Nay giả thử giá hớt tóc bên Mỹ không thay đổi nhưng
ở Việt Nam đã lên trên 40.000 đồng; với tỷ giá trên 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ,
người ta phải bỏ ra chừng 2 đô-la mới đủ tiền hớt tóc.
Lạm phát cao trong nhiều năm
liền trong khi tỷ giá thay đổi chậm hơn tốc độ lạm phát là nguyên nhân cho tình
trạng nói trên. Việc thổi phồng giá trị tài sản các loại nói ở phần trước cũng
là tác nhân quan trọng. Nếu trước đây mặt bằng giá cả tương đối rẻ ở Việt Nam là
một lợi thế thì nay lợi thế đó đang dần biến mất.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài
than, chi phí ở Việt Nam
tăng vọt trong khi doanh thu tính bằng tiền đô-la không tăng với mức tương ứng,
làm hoạt động của họ ngày càng thêm khó khăn. Chi phí này gồm nhiều thứ, từ
lương công nhân, tiền thuê đất, mua nhà xưởng, tiền điện, nước, xăng dầu, giá
các nguyên liệu đầu vào mua ở Việt Nam . Lương công nhân đắt đỏ hơn một
phần thì lương giới quản lý càng đắt đỏ bội phần vì đã tăng nhanh trong những
năm qua.
Tình hình này càng gay gắt ở
những doanh nghiệp xuất khẩu, làm hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh trên thị
trường thế giới. Thế là nhà xuất khẩu quay sang ép giá nông dân, làm giá đủ
loại nông sản đang giảm mạnh.
Thu nhập đầu người tính theo PPP
giảm là quá trình mà mọi nước đang phát triển phải đi qua nhưng ở Việt Nam
trong những năm qua, quá trình nay diễn ra quá nhanh chóng. Hậu quả là mức sống
của người dân, nhất là dân nghèo, đang giảm sút. Nếu trước kia họ tự an ủi, thu
nhập của họ dù chỉ bằng 1 phần 10 thu nhập của một người bạn bên Mỹ nhưng hớt
tóc cũng chỉ tốn ít hơn 10 lần; nay thì hết có chuyện so sánh như thế, không
chỉ chuyện hớt tóc mà còn học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, tiền đi lại...
Khổ nổi nhiều nơi không để ý đến
yếu tố này mà chỉ khăng khăng so sánh với giá ở các nước khác mỗi khi muốn lập
luận cho thuận tai việc tăng giá một mặt hàng hay dịch vụ nào đó.