Nói vậy mà
không phải vậy!
+ Trong những tháng đầu năm nay,
người ta thường nghe các nhà phân tích nhấn mạnh sức mua yếu kém của thị trường
như một dẫn chứng cho tình hình khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận định
về sức mua như thế thường không được hỗ trợ bằng số liệu nào cả.
Nay trong thống kê tình hình
kinh tế sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê chính thức đưa ra những con số
liên quan: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính
tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,5%. Cụ
thể hơn, kinh doanh thương nghiệp tăng 18,9%; khách sạn nhà hàng tăng 20,2%;
dịch vụ tăng 22,3%; du lịch tăng 26,6%.
Như thế sức mua của thị trường
nhìn chung đâu có giảm sút, thậm chí còn tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm
trước.
Ở một ví dụ khác, chúng ta cũng
thường đọc trên báo chí hay nghe các doanh nghiệp phát biểu về những khó khăn
gay gắt của họ, nhiều trường hợp đóng cửa, nhiều trường hợp khác phải thu gọn
quy mô sản xuất. Chắc chắn với đại đa số không hề có chuyện đầu tư mở rộng.
Thế nhưng lý giải làm sao đây
khi Tổng cục Thống kê cho biết sáu tháng đầu năm, đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn
tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước! Nếu biết rằng tín dụng sáu tháng đầu năm
chỉ tăng 0,76%, một mức tăng không đáng kể thì làm sao lý giải khu vực tư nhân
lấy vốn từ đâu để tăng 18,1%? Lưu ý là cả hai con số, mức tăng hàng hóa bán lẻ
và đầu tư tư nhân trong sáu tháng đầu năm 2012 đều cao hơn mức tăng của các
lãnh vực này trong năm 2011.
Ở đây có hai khả năng xảy ra:
một là con số của Tổng cục Thống kê đưa ra không chính xác; hai là các nhận
định trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ đúng với một số
trường hợp và sai với toàn bộ nền kinh tế. Không có cách gì để khẳng định khả
năng nào đúng. Trước mắt, có lẽ tất cả chúng ta đều phải dè dặt trước mọi con
số hay mọi phản ánh mang tính khái quát hóa vội vàng.
* * *
+ Trong khi tính chính xác của
các con số chưa được minh định rõ ràng, sức mua đã cạn kiệt của người dân được
đem ra để giải thích cho hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tiếp trong
hai tháng qua.
Kể cũng lạ, trước đây có những
chuyên gia kinh tế phân tích chi li cái hại của lạm phát
lên nền kinh tế, nhất là lên mức sống của người dân nghèo bởi họ là người chịu
nhiều thiệt thòi nhất khi giá cả tăng cao. Nay cũng những chuyên gia này lại
cảnh báo tình trạng giảm phát sẽ “bất lợi cho những người sống chỉ dựa vào
nguồn thu nhập cố định”!
Với lạm phát, tâm lý thị trường
còn quan trọng hơn cả con số. Tâm lý kỳ vọng chỉ số giá cả tăng cao vẫn còn rất
mạnh, người tiêu dùng vẫn còn bị ám ảnh bởi khả năng giá sẽ lên nữa. Vì thế, có
lẽ cần bình tĩnh để thấy nói đến nỗi lo giảm phát hiện nay là quá sớm. CPI giảm
chủ yếu do giá lương thực và năng lượng giảm; nếu hai yếu tố này quay đầu tăng
trở lại, lạm phát vẫn sẽ là nỗi lo lớn chứ không phải là giảm phát.
* * *
+ Có những quy định không ai
biết vì sao được sinh ra nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, bất kể những hệ lụy to lớn
chúng gây ra. Cộng đồng doanh nghiệp từng kiến nghị dai dẳng về chuyện không
được chi quá 10% tổng chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi bởi họ cho rằng áp đặt
một mức trần như thế không có ý nghĩa gì cả ngoài việc trói chân trói tay doanh
nghiệp. Ngày xưa lúc Việt Nam
mới mở cửa, quy định như thế là nhằm ràng buộc các tập đoàn đa quốc gia thường
mạnh tay chi tiền quảng bá lúc mới thâm nhập thị trường, giúp các doanh nghiệp
non trẻ trong nước cạnh tranh ngang sức hơn. Thật ra, mức trần này không hề là
rào cản với các tập đoàn này bởi họ phân bổ chi phí quảng cáo cho một chi nhánh
nào đó ở nước ngoài trong khi một doanh nghiệp trong nước mới ra đời, muốn chi
mạnh để tìm chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng cũng đành chịu.
Đọc quảng cáo của một hãng
chuyên bán điện thoại di động, rằng nếu mua chiếc điện thoại X với giá 8,6
triệu, khách hàng sẽ được tặng quà khuyến mãi trị giá lên đến 6,8 triệu, người
tinh ý sẽ biết hãng này làm sai quy định. Bởi theo luật, giá trị hàng hóa dùng
để khuyến mãi không vượt quá 50% giá của hàng hóa đem bán trong khi tỷ lệ ở đây
là 79%!
Hay chuyện báo in không được
quảng cáo quá 10% diện tích cũng là một quy định phi lý đã tồn tại từ rất lâu.
Lúc đó, các báo đều do Nhà nước bao cấp, giá bán rất thấp, số trang cố định.
Người ta suy nghĩ nếu báo cứ đăng quảng cáo hết thì lấy diện tích đâu để đăng
tin, bài, ảnh hưởng đến chức năng tuyên truyền của báo chí, làm lãng phí ngân
sách nhà nước. Quy định như thế xem ra hợp lý. Nhưng nay đa phần các báo tự chủ
tài chính, lời ăn lỗ chịu, nếu cứ quảng cáo nhiều, không có nội dung thì bạn
đọc không mua, không biết vì sao vẫn quy định, can thiệp vào tỷ lệ quảng cáo
một cách máy móc. Từ đó mới hình thành cách trình bày báo rất đặc trưng cho
Việt Nam
là mọi quảng cáo dồn vào một tập – việc đầu tiên nhiều người đọc báo làm là
tách nó ra và quẳng vào sọt rác – một sự lãng phí ghê gớm.
Điều đáng nói là những quy định
bất hợp lý nói trên ít khi được thực thi đến nơi đến chốn nên chuyện vi phạm
vẫn diễn ra thường xuyên, chỉ khi cần mới có chuyện phạt vạ.