Sunday, July 15, 2012

Nợ xấu, biệt phái và lương


Nợ xấu, biệt phái và lương
+ Có lẽ còn rất lâu chúng ta mới biết con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự là bao nhiêu. Bởi mới chỉ cách đây mấy tuần, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo trước Quốc hội là 10%, sau đó lại được chính thức công bố cũng bởi NHNN là 4,47% và gần đây nhất lại là 8,6%!
Tuy nhiên, quan trọng hơn, số nợ xấu đó từ đâu ra, của ai gây nên, thuộc khu vực nào thì chưa bao giờ được công khai. Biết nguyên nhân của nợ xấu mới mong tìm giải pháp giải quyết nợ xấu.
Khu vực chiếm tỷ trọng nợ xấu lớn nhất ắt phải là các doanh nghiệp nhà nước mà dẫn đầu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chính NHNN cũng thừa nhận nợ xấu cho vay bất động sản không lớn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng nợ xấu). Trong tổng dư nợ của doanh nghiệp nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng, chỉ cần 10% số này là nợ xấu, con số tuyệt đối đã lên trên 100.000 tỷ đồng, bằng với con số nợ xấu mà NHNN vừa công bố vào cuối tuần trước. Chỉ tính riêng hai doanh nghiệp nhà nước từng gây nhiều tai tiếng trong những năm gần đây là Vinashin và Vinalines thì tổng nợ của chúng, trong đó đa phần là nợ xấu, đã là những con số khổng lồ. Trong những năm qua, mỗi năm con số nợ đến hạn phải trả ở các doanh nghiệp này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng và đã biến thành nợ xấu!
Không cải cách toàn diện khu vực kinh tế nhà nước để loại bỏ các “điển hình tiêu cực” như Vinashin hay Vinalines thì khoan vội nói đến giải quyết nợ xấu. Thành lập công ty mua bán nợ có thể giải quyết các khoản nợ cũ nhưng chưa bịt được lỗ hổng về quản lý các doanh nghiệp nhà nước thì sớm muộn gì cũng sẽ nảy sinh những khoản nợ xấu mới. Không lẽ lúc đó lại tính chuyện thành lập tiếp công ty mua bán nợ mới?
*                      *                      *
+ Liên quan đến việc giám sát doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án thành lập tổng cục giám sát và quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Điểm nhấn của đề án này là Bộ Tài chính sẽ biệt phái chừng 80 cán bộ xuống các tập đoàn, tổng công ty. Đại diện của Bộ cho báo chí biết 80 người này vẫn là công chức của Bộ Tài chính, không ăn lương của doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp Bộ phát hiện kịp thời những sai sót trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Kỳ vọng như thế e rằng đặt không đúng chỗ.
Đầu tiên, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay đều do các bộ và Chính phủ cử xuống chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Họ chính là người được cử để đại diện phần vốn sở hữu của Nhà nước; trong số họ có những người có hàm chức vụ cao cấp – 80 cán bộ của Bộ Tài chính làm sao sánh bằng. Tuy thế, một khi họ làm sai, như lãnh đạo Vinashin, Vinalines, thì vẫn cứ làm sai, không ai giám sát được.
Thứ đến, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty hiện đang dựa vào những quy chế được soạn thảo kỹ lưỡng, được ban hành bởi cấp cao nhất nên các bộ không can thiệp vào được – 80 cán bộ của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ can thiệp bằng cách nào? Ví dụ, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính. Tức là một tập đoàn có thể tự quyết định đầu tư một dự án lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than phiền về quy định này để chứng minh sự bất lực của bộ, không thể kiểm soát các dự án đầu tư của các tập đoàn. 80 cán bộ của Bộ Tài chính liệu có thể có thẩm quyền mạnh hơn Bộ trưởng Phúc?
Đến tận phút chót mà Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng còn lầm về con người Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines với nhiều sai phạm, khi cử ông ta làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Làm sao kỳ vọng 80 cán bộ Bộ Tài chính có một sự sáng suốt hơn – chưa kể khả năng họ bị biến chất như Dương Chí Dũng trong môi trường mới.
*                      *                      *
+ Trong một dự thảo khác, mức lương cơ bản của chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty dự kiến được ấn định ở mức 36 triệu đồng/tháng, của tổng giám đốc là 34 triệu đồng/tháng…
Đối với nhiều người, đây là mức lương cao, thậm chí rất cao; đối với nhiều người khác, lương như thế là thấp, thậm chí quá thấp. Bởi một khi có con số tuyệt đối, sẽ luôn luôn có sự so sánh và kết luận cao thấp tùy kết quả so sánh. Nếu so với mức lương trên 240 triệu đồng/tháng của tổng giám đốc một công ty niêm yết hay mức lương phổ biến trên 100 triệu đồng/tháng của nhiều tổng giám đốc khác thì 36 triệu đồng là quá thấp. Nhưng nếu so với lương Bộ trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch nước hay lương của công nhân thì nó lại khá cao. Không lẽ cán bộ dưới quyền Bộ trưởng được cử đi làm dưới doanh nghiệp, cuối cùng hưởng lương cao hơn lương Bộ trưởng?
Xét cho cùng, không nên quy định những mức lương cụ thể cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước mà phải gắn nó với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lương của tổng giám đốc một công ty đại chúng được đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức kỷ lục, đến hàng tỷ hay hàng chục tỷ đồng/năm là bởi người tổng giám đốc này sẽ đem về cho cổ đông những khoản lợi nhuận gấp thế hàng trăm lần. Lương một tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước lớn bị chính người nhận đánh giá là quá thấp sẽ là động lực thúc đẩy người đó tư lợi, gây hại cho doanh nghiệp miễn sao đem lại lợi ích riêng cho mình.
Nhiệm vụ của dự thảo là xác định cho được sự tương quan giữa lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với thước đo, đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ấy.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...