Nóng vội!
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng
đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng vào cuối
tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thúc giục các
ngân hàng phải kéo lãi vay nợ cũ xuống dưới 15%/năm.
Trong bối cảnh dư luận xã hội
đang bất bình ngành ngân hàng vẫn cứ lãi lớn bất kể khó khăn của doanh nghiệp,
lời thúc giục này ắt sẽ được nhiều người ủng hộ. Các doanh nghiệp đang phải vay
vốn với lãi suất cao, không tiếp cận được các khoản vay ưu tiên, sẽ càng tán
thành quan điểm của Thống đốc.
Thế nhưng xét ở bình diện nguyên
tắc thị trường, chỉ thị của Thống đốc NHNN có nhiều điểm đáng bàn.
NHNN tác động vào mặt bằng lãi
suất trên thị trường thông qua các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp
vốn, lãi suất tái chiết khấu. Một loạt các loại lãi suất này vừa được NHNN điều
chỉnh giảm từ đầu tháng 7 như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 11% xuống còn 10%,
lãi suất tái chiết khấu giảm từ 9% xuống còn 8%. Chính sách thường cần một thời
gian để phát huy tác dụng, chứ không thể nóng vội sử dụng ý chí ra lệnh hành
chính. Thật ra, từ đầu năm đến nay NHNN đã năm lần điều chỉnh giảm các loại lãi
suất điều hành; nếu thị trường không hồi đáp với chính sách điều chỉnh, chứng
tỏ sự điều hành của NHNN chưa đủ liều lượng hoặc thị trường đang có những đặc
điểm làm cho sự xoay chuyển của NHNN khó khăn hơn nhiều lần.
Đặc điểm thứ nhất là hệ thống
ngân hàng hiện không có động lực để cạnh tranh lành mạnh trong khi lãi suất cho
vay chỉ có thể giảm khi các ngân hàng cạnh tranh nhau để cho vay. Trong con mắt
của công chúng, ngân hàng tốt cũng như ngân hàng yếu kém đều được sự bảo bọc,
che chắn của NHNN trong khi cạnh tranh để cho vay trong bối cảnh hiện nay là
điều đem lại nhiều rủi ro cho ngân hàng. Chỉ khi nào NHNN loại bỏ yếu tố che
chắn cho mối nguy đạo đức (moral hazard) thì mới mong khơi dậy yếu tố cạnh
tranh ở các ngân hàng.
Đặc điểm thứ hai là nền kinh tế
trong mấy năm gần đây đã trở thành con tin của hệ thống ngân hàng khi doanh
nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay – mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính lên quá cao
– không thể một sớm một chiều mà hóa giải ngay được. Theo chuyên gia kinh tế Jonathan
Pincus trong một bài viết trên tờ Financial
Times, tín dụng ngân hàng trên GDP đã tăng gấp đôi từ 62% vào năm 20005 lên
đến 136% năm 2010. Tín dụng tăng vọt sau hai đợt: đợt đầu do dòng vốn bên ngoài
chảy vào trong các năm 2007 và 2008; đợt sau do dòng vốn kích cầu chống suy
thoái năm 2009 và đầu năm 2010. Bùng nổ tín dụng như thế đương nhiên dẫn tới nợ
xấu. Ngân hàng hiện phải lo giải quyết nợ xấu cũng đã ngập đầu – làm sao trông
mong họ giảm lãi suất để tăng cho vay? Ngược lại ở phía doanh nghiệp, làm sao
để giảm bớt tỷ lệ vay nợ so với tỷ lệ vốn chủ sở hữu là xu hướng nên không thể trông
mong họ hăm hở đi vay như những năm tín dụng dễ dãi trước đây.
Mới chỉ cách đây mấy tháng, báo
chí liên tục đưa tin tăng lãi suất để chống lạm phát. Nay không thể đột ngột
quay ngoắt 180 độ, thúc giục giảm lãi suất nếu không muốn lạm phát bùng nổ trở
lại. Lãi suất tăng đã làm bộc lộ những yếu kém của cả doanh nghiệp lẫn ngân
hàng. Một bên là đầu tư kém hiệu quả, bung ra tràn lan, nhất là sang lãnh vực
địa ốc; một bên là khả năng quản lý rủi ro còn kém, lại ham chạy theo lợi nhuận,
bất kể rủi ro. Những khó khăn vừa qua là bộ lọc, sàng lọc doanh nghiệp mạnh,
làm ăn đàng hoàng, bền vững. Sao không hỗ trợ xu hướng đó mà lại vội vã thúc
đẩy lòng tham của ngày trước bùng phát trở lại?