Friday, October 28, 2011

Steve Jobs (2)

Steve Jobs (2)

Cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson nhiều chi tiết quá. Chi tiết làm nên câu chuyện và chi tiết đắt sẽ tô đậm, khắc họa ấn tượng tác giả muốn tạo ra. Sách tràn đầy chi tiết giúp làm nổi bật tính cách cả tốt lẫn xấu của Steve Jobs nhưng những chi tiết khác dễ làm độc giả rơi vào một cánh rừng mà không thấy được toàn cảnh.

Tôi có cảm giác mặc dù tác giả đã phỏng vấn Steve Jobs hơn 40 cuộc trong suốt hai năm, cuốn sách vẫn miêu tả Steve Jobs từ bên ngoài. Có lẽ việc gặp hơn 100 người gồm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, đối thủ của Jobs đã làm tác giả nghiêng nhiều hơn về cách nhìn từ bên ngoài vào. Chúng ta sẽ có cảm giác như đang đọc một bài báo thật dài về Steve Jobs hay đúng hơn là hàng trăm bài báo về Steve Jobs theo những chặng đường trên cuộc đời của ông. Tác giả không giúp cho người đọc thấy được vì sao Jobs hành động, quyết định hay ứng xử như Jobs từng ứng xử ngoại trừ một số đoạn nói về tác động tâm lý của một người con bị bố mẹ đẻ bỏ rơi.

Cuộc đời của Steve Jobs gắn liền với sự sôi động của nền công nghệ thông tin, sự thăng trầm của nhiều số phận, nhiều ý tưởng và sự biến đổi lối sống của tất cả mọi chúng ta dưới tác động của công nghệ thông tin. Nhưng cuốn sách, bị nhấn chìm dưới nhiều chi tiết, chẳng hạn những trang miêu tả dài dòng cách Steve Jobs cho ra mắt một sản phẩm nào đó, nên không phản ánh đầy đủ được sự sôi động này. Phần nói về sự ra đời của chiếc iPhone là một ngoại lệ.

Dĩ nhiên, chi tiết nào thuộc loại mới, lạ đều gây tò mò thích thú ở độc giả. Chẳng lạ gì báo chí Mỹ tràn ngập các tin trích những chi tiết ấy khi sách ra mắt chứ ít thấy những bài điểm sách như thông lệ.

Tuy nhiên, phần cuối sách, khi nói về bệnh tình Steve Jobs, ngòi bút tác giả lại vẽ lên những hình ảnh rất cảm động.

Chẳng hạn, gần cuối sách, tác giả kể một hôm Jobs gởi email mời Ann Bowers đến thăm. Bà từng là giám đốc nhân sự của Apple thời đầu thập niên 1980 và là một trong rất ít người kiềm chế được tính tình nóng nảy của Steve Jobs, là người duy nhất la mắng Jobs sau khi ông nguội cơn thịnh nộ. Lúc bà đến nhà Jobs, ông trở bệnh nặng, đang đau đớn nhưng vẫn hăm hở khoe bà bản vẽ trụ sở mà Apple sẽ xây dựng, như một con tàu vũ trụ – một công trình vĩ đại theo kiểu của ông. Thế rồi ông nhìn bà và hỏi, một câu hỏi suýt làm bà sụm xuống: “Nói cho tôi biết, tôi là con người như thế nào khi còn trẻ?” Bà cố gắng trả lời thành thật: “Cậu thật nóng nảy và thật khó khăn. Nhưng tầm nhìn của cậu thật sự lôi cuốn. Cậu bảo chúng tôi, ‘Cuộc hành trình chính là phần thưởng’. Điều đó hóa ra lại đúng. Jobs trả lời: “Vâng. Tôi học được vài điều trên con đường đó.” Một ít phút sau, ông nhắc lại như thể trấn an bà và cả chính ông: “Tôi thật sự học được vài điều.”

….

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...