Nước Mỹ không thể làm nổi chiếc máy Kindle
Trong khi nhiều người vẫn tin toàn cầu hóa theo kiểu như miêu tả trong cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman là xu hướng không thể đảo ngược, bài viết “Tại sao Amazon không thể làm chiếc máy Kindle tại Mỹ?” đăng trên tạp chí Forbes của Steve Denning như một gáo nước lạnh tạt vào mặt dân Mỹ.
Lâu nay người ta vẫn nghĩ Mỹ khôn, chuyển dần hết mọi khâu sản xuất cần lao động chân tay sang cho nước khác như Trung Quốc, họ chỉ làm những việc “cao cấp” như thiết kế, tiếp thị… mà vẫn hưởng phần lợi lớn nhất. Đó là “tinh túy” của chuyện toàn cầu hóa. Bài viết của Denning cũng bắt đầu bằng các con số tạo ra sự yên tâm như vậy.
Hai nhà kinh tế thuộc Fed chi nhánh San Francisco làm một cuộc nghiên cứu, cho thấy chỉ có 2,7% hàng hóa dân Mỹ tiêu dùng là có mang nhãn “Made in China”, hơn nữa chỉ có 1,2% thật sự phản ánh chi phí của loại hàng nhập khẩu như thế. Như vậy, với mỗi đô-la người Mỹ chi cho loại hàng “Made in China” thì 55 xu rơi vào các dịch vụ phát sinh tại Mỹ. Chuyện đâu có gì đáng lo, Denning đặt câu hỏi?
Sự thật thì không phải như thế. Đằng sau những con số vô hồn này là sự sụp đổ của nhiều ngành nghề và số phận bế tắc của nhiều người dân Mỹ.
Lấy ví dụ Dell, hãng sản xuất máy tính hàng đầu nước Mỹ. Thoạt tiên Dell thuê ASUSTeK, một công ty Đài Loan sản xuất giùm một số bảng mạch điện tử. Công việc trôi chảy, ASUSTeK bèn đến gạ Dell để cho họ sản xuất giùm cả bo mạch chiếc máy tính, với lập luận đây đâu phải là năng lực lỏi của Dell đâu mà phí thời gian vào, với lại giao cho bọn tôi, các ông sẽ giảm được thêm 20% chi phí. Dĩ nhiên Dell đồng ý vì doanh thu không bị ảnh hưởng trong khi lợi nhuận lại tăng. Cứ thế Dell dần dần nhả ra cho nhà thầu của mình từng công đoạn, đến nguyên khâu lắp ráp cả chiếc máy tính, cả khâu cung ứng vật tư và thiết kế sản phẩm. Lần cuối cùng ASUSTeK đến, không phải để thăm tổng hành dinh của Dell ở Mỹ nữa mà chuyển sang các siêu thị Best Buy và các hãng bán lẻ khác với lời chào mời hấp dẫn: cung cấp máy tính nhãn hiệu của họ, chất lượng như máy Dell mà giá thấp hơn 20%.
Thế là thêm một hãng biến mất hay sắp sửa biến mất, một tên tuổi khác thế chỗ. Chẳng có ai ngu dại gì trong chuyện này cả; ai cũng làm đúng theo bài bản quản trị kinh doanh: tập trung nâng lợi nhuận bằng cách tập trung vào những năng lực lỏi tạo ra lợi nhuận và từ bỏ những hoạt động không sinh lời! Toàn cầu hóa là như thế đấy.
Hàng thập kỷ thuê nước ngoài gia công sản xuất hàng hóa như thế nay đã để lại cho nước Mỹ một thực tế: không còn đủ năng lực, cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế.
Lấy chiếc máy đọc sách Kindle của Amazon làm ví dụ, Denning khẳng định dù muốn Amazon cũng không thể sản xuất nó ở Mỹ được mọi bộ phận của máy đã được Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc từ lâu. Danh sách những ngành “biến mất” khỏi nước Mỹ thật dài và thật đáng ngại: sản xuất chip, màn hình LCD, điện thoại di động, pin sạc, máy tính để bàn, máy tính xách tay, ổ đĩa cứng…
Kết thúc bài viết, Steve Denning đưa ra một loại khuyến cáo cho các nhân vật chính trong nền kinh tế như lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, người điều hành, chính phủ, nhà kinh tế… Nhưng dĩ nhiên một xu hướng đã và đang diễn ra từ nhiều thập niên đến nay không dễ gì giải quyết bằng một bài báo ngắn gọn. Cũng có người đặt vấn đề, Amazon không sản xuất nổi chiếc máy Kindle tại Mỹ thì đã sao nào? Nếu việc phân công lao động buộc dân Mỹ phải tập trung vào những công đoạn cao cấp như thiết kế, tiếp thị và bán hàng thì đã sao nào? Người đặt câu hỏi này không hiểu rằng việc nghiên cứu, thiết kế, tiếp thị nếu tách rời không gian sản xuất, không dựa vào một nền sản xuất thật với những vấn đề của nó thì sẽ đi vào chỗ bế tắc và thất bại.
Dù nước Mỹ cố tình bỏ rơi nhiều ngành sản xuất hay giờ đây đang sực tỉnh vì sự hụt chân của mình, bài báo của Denning cũng đã nêu một hiện tượng đáng suy nghĩ về toàn cầu hóa và cách thức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là một góc nhìn về những xáo động đang diễn ra trên bình diện kinh tế thế giới.
No comments:
Post a Comment