Thursday, October 13, 2011

Nobel Kinh tế 2011

Nobel Kinh tế 2011

Có thể đọc bài về giải Nobel Kinh tế năm nay của anh Vũ Quang Việt, đăng trên TBKTSG. Đây là bài, theo tôi, dễ đọc nhất trong số các bài báo, kể cả báo nước ngoài mà tôi đọc được. Đây là đường link.

(trích)

Nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Thomas J. Sargent có một đóng góp về mặt vừa lý thuyết vừa kỹ thuật, mà chủ yếu là kỹ thuật. Sargent cho rằng sự liên hệ mà Friedman nói tới còn tùy vào kỳ vọng (expectation) của người sản xuất và người tiêu dùng. Kinh tế lượng, một bộ môn thống kê học, dùng để tìm sự liên hệ giữa các biến kinh tế và rồi dùng kết quả để dự báo tương lai, đã được Sargent biến đổi để có thể xử lý vấn đề kỳ vọng. Như vậy, kỳ vọng có thể đưa đến tình trạng hoàn toàn không có đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát và cũng có thể có một chút đánh đổi, nhưng nói chung là có sự đánh đổi trong ngắn hạn còn trong dài hạn thì không.

Trong khi đó, người đồng nhận giải năm nay, Christopher A. Sims, lại đi từ một góc nhìn khác, hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Trước Sims, khi đi tìm kiếm phương trình liên hệ giữa cung hay cầu, cả hai đều là phương trình của giá thì người ta gặp vấn đề là làm sao xác định ra đường cung và đường cầu, khi chỉ có hai biến số là giá và lượng (cung = cầu). Vì vậy mà phải đưa vào một biến số thứ ba thí dụ như thời tiết được coi là chỉ ảnh hưởng đến cung mà không liên quan đến cầu để xác định ra đường cầu chẳng hạn. Sims cho rằng cách làm thế có vấn đề vì gần như mọi cái đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau, thời tiết xấu có thể làm cho người dùng phải tăng mua để có dự trữ. Sims vì thế cho rằng các thông số của chính nó trong quá khứ có thể liên hệ với hiện tại vì thế phải tính chúng, và như thế phần còn lại có thể được dùng để tìm ra vai trò của các quyết định biết trước.

(hết trích)

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng; những vấn đề kinh tế gay gắt nổi lên như nợ công ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, tỷ giá ở Trung Quốc, dường như giải Nobel Kinh tế bị lạc lõng. Các nhà kinh tế hiện đang bó tay với các vấn đề thời sự - nên càng không thể trông mong những công trình nghiên cứu đã 30, 40 năm qua có tác dụng gì cho hành động hôm nay.

Tờ Time đã làm một cuộc so sánh như thế khi đối chiếu quan điểm của hai nhà kinh tế nhận giải Nobel năm nay với các vấn đề thời sự kinh tế. Và tờ báo này kết luận: Dường như Sargent rốt cuộc muốn nói rằng có nhiều công trình nghiên cứu kinh tế tốt chưa hẳn luôn dẫn đến chính sách kinh tế tốt. Có lẽ vì thế khi được yêu cầu giải thích vì sao nền kinh tế đang tệ hại đến thế, Sargent đã “chuyển giao trách nhiệm”: “Xét cho cùng, đấy là câu hỏi về chính trị, một lãnh vực tôi không rành cho lắm. Nhưng xét về mặt thuần túy kinh tế học, mọi việc lẽ ra đã phải khác đi”. Còn Sims? Theo Wall Street Journal, Sims từ chối không bình luận về những gợi ý nào công trình nghiên cứu đoạt giải của ông có thể đem lại cho chính sách hiện nay.

Tờ Time kết luận khá đau: Nếu nền kinh tế toàn cầu có khựng lại trong vài tuần tới, đừng trông mong các nhà kinh tế mới đoạt giải Nobel của chúng ta cho chúng ta biết nguyên nhân sai lầm nằm ở đâu.

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...