Friday, March 20, 2009

Vu khi moi cua FED

Vũ khí mới của FED

Khi lãi suất cơ bản giảm gần 0%, có cách nào để giảm thêm nữa không?

Đó là bài toán đặt ra cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi lãi suất cơ bản của Mỹ hiện ở mức 0%-0,25% và họ phải tìm cách hạ thêm chi phí vay vốn nhằm giúp phục hồi kinh tế. Vũ khí giảm lãi suất hiện đã hết tác dụng. Vì vậy, kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày vào giữa tuần này, FED đã làm thị trường ngạc nhiên bằng một vũ khí mới: mua trái phiếu dài hạn. FED cho biết trong sáu tháng tới họ sẽ mua về khoản 300 tỷ đô-la trái phiếu chính phủ đã phát hành kèm thêm việc mua vào khoảng 750 tỷ chứng khoán được bảo chứng bằng địa ốc.

Ngay lập tức, giá trái phiếu trên thị trường tăng và lợi suất (yield) của chúng giảm mạnh. Bình thường khi FED giảm lãi suất, giá trái phiếu sẽ tăng; nay không giảm lãi suất mà giá trái phiếu vẫn tăng, tức là vũ khí mới của FED đã có tác dụng. Tác động của tuyên bố này cũng làm đồng đô-la sụt giá so với các đồng tiền khác và giá vàng tăng vọt trong khi chỉ số chứng khoán tăng nhẹ.

Mục đích của FED là khi lợi suất trái phiếu giảm, nhà đầu tư sẽ phải chuyển sang tìm lợi nhuận ở các công cụ đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, địa ốc. Các loại trái phiếu sẽ phát hành, nhờ vậy, sẽ có lãi suất thấp nhưng vẫn thu hút người mua. Và vì lãi suất trái phiếu chính phủ là mốc để thị trường dựa vào đó định ra lãi suất thương mại nên FED hy vọng nhờ vậy lãi suất thương mại sẽ giảm nữa mặc dù lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nên nhớ lãi suất vay mua nhà ở Mỹ vẫn còn trên 5%. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ phải phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho các chương trình kích cầu và Trung Quốc lại bày tỏ lo ngại không muốn mua thêm nợ Mỹ nữa thì động thái mua vào trái phiếu của FED sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục theo chân FED mua trái phiếu.

Vũ khí này của FED với tên chính thức là chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) về bản chất là in thêm tiền để đưa vào thị trường tài chính nhằm tăng khả năng hệ thống ngân hàng cho vay ra bên ngoài. Đây là một chính sách có nhiều rủi ro, cả mấy chục năm nay FED chưa bao giờ đem ra áp dụng. Tiền đổ vào thị trường tài chính sẽ thẩm thấu ra thị trường thật bên ngoài và sẽ gây ra lạm phát. Đồng đô-la mất giá và vàng tăng giá là do nỗi lo này.

Quốc Học 

Cập nhật:

+ Theo tính toán của Goldman Sachs do Paul Krugman trích dẫn, để đạt mức tương đương như cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm thì FED phải mua vào từ 1 ngàn tỷ đến 1,6 ngàn tỷ đô-la khi áp dụng chính sách nới lỏng định lượng.

+ Cũng theo Paul Krugman, việc sử dụng chính sách nới lỏng định lượng này đã xóa nhòa ranh giới giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Xin nhắc lại một chút, khi Chính quyền Obama dùng ngân sách (tức phải thông qua Quốc Hội Mỹ) kích cầu cho nền kinh tế mấy trăm tỷ chẳng hạn thì đó là chính sách tài khóa; còn khi FED cắt lãi suất thì đó là chính sách tiền tệ.

Còn vì sao ranh giới giữa tài khóa và tiền tệ bị xóa nhòa là do trong tương lai FED phải bán ra các trái phiếu định mua để thu tiền về. Giả thử bây giờ FED mua trái phiếu với lãi suất 2,5%. Vài năm nữa nếu lãi suất tăng lên 5 hay 6% thì giá các trái phiếu sẽ giảm mạnh. Bán ra nhưng thu về không đủ thì FED phải bán tài sản khác và có khả năng phải lấy tài sản của bên Bộ Tài chính – tức là thò tay qua bên tài khóa. 

Krugman tính toán và giả định nếu FED mua 1 tỷ đô-la trái phiếu 10 năm với lãi suất 2,5% và sau này phải bán chúng khi lợi suất đáo hạn lên trên 5% thì sẽ lỗ chừng 200 tỷ đô-la.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...