Không thể áp đặt giá trị văn hóa
Nguyễn Vạn Phú
Thật bất ngờ khi đọc ý kiến của GS Lê Ngọc Trà rằng “Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa” nêu trong bài “Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?” đăng trên tạp chí Người Đô Thị số 45 (từ 25-3 đến 9-4).
Để tránh lỗi trích dẫn ngoài văn cảnh, xin nói rõ bối cảnh của tuyên bố này. Đây là một bài ở dạng trò chuyện giữa hai nhà văn hóa - Nhà văn Nguyên Ngọc và GS Lê Ngọc Trà, trong đó hai ông bày tỏ những suy tư, khắc khoải về bản lĩnh của thế hệ trẻ hôm nay. Câu trên nằm trong phần mang tiểu đề “Dân chủ, cần bản lĩnh từ cả hai phía” và GS Trà, sau khi trích dẫn lời nói của cựu tổng thống Nam Phi Mandela (Chúng ta mới giành được quyền để tự do. Các bệnh của dân tộc vẫn còn nguyên xi) đã khẳng định: “Suy nghĩ về dân tộc phải suy nghĩ tới mức như vậy. Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa. Bởi lớp trẻ có thể biết nhiều, thông minh, song, một khi phần con người nhân văn nó chông chênh, rất nguy hiểm”.
Như vậy ý của GS Trà là rất tốt đẹp, muốn dùng những điều được cho là cao đẹp nhất của văn hóa nước nhà để bổ sung cho giới trẻ những phẩm chất cần thiết bên cạnh tri thức như sự hướng thiện, khao khát lý tưởng để hình thành bản lĩnh…
Tuy nhiên, điều bất ngờ là một nhà nghiên cứu văn hóa lại muốn dùng cách thức áp đặt giá trị văn hóa lên một tầng lớp dân cư, cụ thể ở đây là giới trẻ.
Văn hóa, tự thân nó, không thể phân loại thành văn hóa xấu hay tốt, nó chỉ phù hợp hay không phù hợp với bối cảnh xã hội chung quanh, với con đường phát triển đang diễn ra của xã hội. Văn hóa thường được hiểu là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác. Ngày xưa ông cha chúng ta nhuộm răng (có lẽ vì lý do thẩm mỹ) nên lúc đó nhuộm răng là một nét văn hóa phù hợp vào thời đại đó. Chắc chắc bây giờ không ai áp đặt chuyện nhuộm răng cho người khác được, đơn giản vì nó không được mọi người chung quanh chấp nhận và chia sẻ.
Xung đột văn hóa thường xảy ra vì con người có xu hướng xem những giá trị văn hóa của mình là phổ quát, là tốt đẹp nhất nên muốn áp đặt những giá trị này cho những nhóm người khác. Chuyện này đã quá rõ trên bình diện dân tộc hay địa phương và là đầu mối cho nhiều cuộc xung đột hiện đang diễn ra khắp thế giới nhưng chúng ta đừng quên nó cũng xảy ra trên bình diện tuổi tác và là hố sâu ngăn cách các thế hệ. Người lớn tuổi thường chia sẻ với nhau những giá trị mà họ cho là cần thiết và muốn giới trẻ phải tuân theo những giá trị này. Xung đột giá trị kiểu đó giữa các thế hệ xảy ra thường xuyên nhưng có lẽ chúng ta chỉ nghe chiều áp đặt từ người lớn lên tuổi trẻ, chứ hiếm khi nghe ngược lại. Đó cũng là một đặc tính văn hóa của người châu Á khi luôn phải tôn trọng ý kiến người lớn tuổi hơn mình.
Bây giờ chúng ta thử xem một loại giá trị thường được áp đặt lên giới trẻ coi chúng có phù hợp với mong muốn phát triển đất nước hay không. Người lớn thường muốn bọn trẻ gọi dạ bảo vâng, gặp người lớn phải khoanh tay cúi đầu chào. Chính cái cách khuôn rèn như thế càng tô đậm đặc tính trọng quyền ở người Á đông, làm thui chột sự chủ động sáng tạo, óc suy nghĩ độc lập, sự phản biện cần thiết từ trong gia đình, đến trường học và cả cuộc đời. Chính GS Trà cũng nói trong bài viết: “Tôi nghĩ, không phải cái gì người lớn áp đặt cũng được tuổi trẻ chấp nhận cả đâu”.
Thế nhưng câu nói “Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa” lại đi ngược tinh thần đó, không chỉ áp đặt những điều người lớn cho là tốt đẹp lên giới trẻ mà hình như còn muốn dùng văn hóa làm vũ khí thay đổi cả dân tộc. Bởi không ai có thể xem giá trị văn hóa của mình là tốt nhất, cách suy nghĩ dùng cái mình nghĩ là chuẩn mực để áp lên cả cộng đồng là một sai lầm từng diễn ra trong quá khứ như cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
Chẳng hạn, người dân Huế thường bị chê trách là không chịu tiêu tiền, thói quen dè xẻn tiện tặng vì cuộc sống gian khó của người dân đã làm cho kinh tế vùng này không phát triển được. Nhưng đố có ai áp đặt văn hóa tiêu dùng lên người dân ở đây. Trừ phi chỉ ra cho họ thấy cái thói quen tiêu dùng ấy đang cản trở họ như thế nào.
Đúng là có những giá trị văn hóa không phù hợp với xã hội, dần dần sẽ bị loại bỏ và vai trò của nhà văn hóa trong việc thúc đẩy sự sàng lọc này để nó diễn ra với tốc độ nhanh hơn là cần thiết. Nhưng chính môi trường xã hội mới là chất xúc tác tạo ra sự thay đổi nhanh chóng nhất, chứ không phải là ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Ví dụ, doanh nghiệp hiện chấp nhận hối lộ như một phần của công việc kinh doanh vì họ không thể nào làm khác. Phải tạo ra cơ chế trong đó việc hối lộ không đem lại lợi lộc gì cho doanh nghiệp mới phá bỏ được thói quen này. Hay giới trẻ ngày nay thụ động, không biết bày tỏ suy nghĩ. Phải tạo ra những chuẩn mực đánh giá giá trị mới trong đó sự chủ động được tôn trọng, được đánh giá cao, chứ không phải là sự nghe lời, dễ bảo, tự khắc sẽ có sự chuyển biến trong giới trẻ.
Hiểu theo nghĩa đó, GS Trà lại đi ngược quy luật khi nhận định: “Văn hóa chính là cái phanh. Đất nước đang tăng tốc phát triển, chính lúc này lại cần cái phanh văn hóa để xã hội không lệch lạc”. Xã hội phát triển, văn hóa phải thay đổi theo còn nếu không thay đổi, nó sẽ là cái phanh “kiềm hãm” sự phát triển này chứ không phải là ngược lại. Những thái độ như khó hợp tác, cạnh tranh bất chính, dựa vào quan hệ chính trị cần phải thay đổi mới mong phát triển đúng nghĩa và một khi phát triển theo đúng nghĩa của từ này, những giá trị được xem là tốt đẹp như sự hướng thiện, tính nhân văn vẫn còn đó chứ không mất đi đâu cả.
No comments:
Post a Comment