Một thế giới
đầy nghịch lý
Các mâu thuẩn nổi lên trong năm tới sẽ định hình cho dòng chảy
thời sự của cả năm.
Toàn cầu
hóa 4.0 cho ai?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos năm tới
(từ 22-25/1/2019) chọn chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0”. Điều này không lạ vì nhà sáng
lập và giám đốc điều hành WEF, ông Klaus Schwab là người thường xuyên nói về cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều lạ là thay vì ca tụng tiềm năng “đổi đời”
của cuộc cách mạng công nghiệp này, nhiều người gắn khái niệm “Toàn cầu hóa
4.0” với những thử thách to lớn mà nhân loại đang phải đối diện và tìm cách giải
quyết.
Viết trên tờ Project
Syndicate, bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành Oxfam International hỏi
thẳng: “Toàn cầu hóa 4.0 cho ai?” Một mặt thừa nhận những lợi ích to lớn mà cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại cho mọi người, mặt khác, bà lo sợ đây
là một cuộc đua xuống đáy mới, làm bùng nổ bất bình đẳng và gieo rắc sự bất mãn
khắp nơi. Đúng là mô hình phát triển kinh tế trong mấy chục năm qua đẩy thế giới
vào một sự chênh lệch giàu nghèo khó tưởng tượng nổi: năm ngoái 1% người giàu
nhất lấy hết 82% thu nhập toàn cầu; gần như một nửa nhân loại chỉ cần đột ngột mắc
bệnh hay mất mùa là sẽ rơi ngay vào cảnh cùng cực. Trong khi đó các vấn đề dai
dẳng như biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, phân biệt nam nữ hầu như không
có chút tiến triển nào. Thế nên các đột phá trong công nghệ, kiểu như trí tuệ
thông minh nhân tạo, tự động hóa, vạn vật kết nối… để làm gì, chúng phục vụ cho
ai, ai sở hữu chúng?
Nếu dòng tự sự về toàn cầu hóa giai đoạn mới vẫn do các tay
tỷ phú ở Silicon Valley chủ động dẫn dắt nhằm tăng thêm chút giá cổ phiếu, giảm
thêm chút thuế; nếu chính phủ các nước ngồi lại với nhau chỉ để tính chuyện giảm
thuế cho hàng hóa của nhau rồi rót tiền thuế của dân cho các dự án với tham vọng
thống trị thị trường thế giới… thì toàn cầu hóa 4.0 chẳng khác gì toàn cầu hóa của
ba bốn thập niên trước.
Thế nhưng kỳ vọng một diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở khu
nghỉ dưỡng sang trọng Davos sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng toàn cầu là một
điều không tưởng. Với Klaus Schwab, “toàn cầu hóa” (globalization) khác với “chủ
nghĩa toàn cầu” (globalism). Theo ông, trong khi toàn cầu hóa là một hiện tượng
thúc đẩy bởi công nghệ và sự dịch chuyển của ý tưởng, con người và hàng hóa thì
chủ nghĩa toàn cầu là hệ tư tưởng ưu tiên một trật tự thế giới tân tự do hơn là
các lợi ích quốc gia. Ý ông muốn nói toàn cầu hóa là không thể tránh được còn chủ
nghĩa toàn cầu lại là một chọn lựa mang tính chính trị. Thế nhưng chính những
người theo chủ nghĩa toàn cầu lại thúc đẩy cho một thế giới toàn cầu hóa thì
tính sao?
Rõ ràng những người yếu thế trong cuộc cách mạng công nghiệp
hiện nay càng chịu thua thiệt vì mô hình phát triển sắp tới càng dựa vào lợi thế
sở hữu vốn, sở hữu trí tuệ và công nghệ, những tài sản giới công nghệ có sẵn
còn người thường ngày càng đánh mất. Ngay chính dữ liệu của người dân mà cũng bị
đem ra đánh đổi, mua bán nói gì đến thứ khác.
Khó thoát
kiếp gia công làm công xưởng cho thế giới
Ba bốn thập niên vừa qua, Trung Quốc học rất thuộc bài “toàn
cầu hóa” nên đã trở thành cơ sở sản xuất hàng hóa khổng lồ cho cả thế giới: mở
cửa đón làn sóng đầu tư nước ngoài muốn tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, đồng
thời cải cách môi trường kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển để
tiếp nhận kinh nghiệm sản xuất, quản lý từ khu vực đầu tư nước ngoài, dần dần
tiến lên các bực thang cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thế nhưng một khi Trung Quốc muốn thoát khỏi vai trò này, đề
ra chiến lược “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất
Trung Quốc vươn lên dẫn đầu các ngành công nghệ mới, họ đã bị Mỹ tìm mọi cách cản
trở. Tin tức cả năm 2018 xoay quanh những diễn biến được gọi là cuộc chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung hết bên này áp thuế lên hàng nhập khẩu của nước kia đến
những cáo buộc thao túng tỷ giá… Tuy nhiên, đằng sau những thông tin này là cả
một chiến lược Mỹ muốn triển khai để trói tay Trung Quốc không cho bước lên các
bậc thang cao hơn. Nói cách khác, Trung Quốc được hoan nghênh tham gia toàn cầu
hóa nhưng muốn có chính sách theo chủ nghĩa toàn cầu lại bị chặn đường.
Đó là bởi Trung Quốc trở thành một chiếc gai nhọn làm Mỹ khó
chịu: thâm hụt thương mại ngày càng lớn trong khi công nhân Mỹ mất việc làm về
tay Trung Quốc; nước này lại tìm mọi cách để thụ đắc bí kíp công nghệ, kể cả buộc
doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao mới được làm ăn ở nước này; nay Trung Quốc lại
có tham vọng vượt lên đứng đầu trong những lãnh vực mũi nhọn như viễn thông, tự
động hóa, trí tuệ nhân tạo… Các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc đang đi đầu
trong công nghệ 5G trong khi doanh nghiệp Mỹ chưa có gì trong tay. Mỹ có gì
Trung Quốc cũng có cái tương đương để cạnh tranh như Baidu, Alibaba và Tencent.
Trung Quốc lại đang phát triển mạnh những công nghệ vẫn còn ở thời kỳ sơ khai tại
Mỹ như xe chạy bằng điện, tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
trong nhiều lãnh vực.
Lý do Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp
nhà nước, nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước để tạo ra đột phá trong kế hoạch
“Made in China” 2025 nên không công bằng với các doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu
cho đến nay cho thấy có thể Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Mỹ, giảm bớt tham vọng
“Made in China” 2025 để tránh hậu quả tai hại của cuộc chiến thương mại đang diễn
ra, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt
buộc.
Điều hay là Mỹ không “chạy đua vũ trang” bằng cách hậu thuẫn
cho các doanh nghiệp lớn của họ để cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp
4.0; ngược lại, họ đang hành xác các doanh nghiệp này như liên tục bắt CEO của
Google, Facebook ra điều trần. Ngày xưa họ từng ép Microsoft không được dùng thế
độc quyền của Windows để chèn ép các ứng dụng duyệt web khác; ngày nay cũng có
nhiều ý kiến muốn chẻ nhỏ Google ra để tránh độc quyền. Đó là bởi họ hiểu chỉ
có chống độc quyền triệt kể, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh mới làm doanh nghiệp
của họ lớn lên thật sự. Và cũng nhờ vậy, ngày trước Google mới thoát khỏi cái
bóng của Microsoft để lớn mạnh. Trung Quốc e còn lâu mới học được bài học này.