Saturday, January 12, 2019

Công nghiệp mấy chấm cũng có mặt trái


Công nghiệp mấy chấm cũng có mặt trái

Cách đây mười lăm, hai chục năm, mọi người hăm hở nói về toàn cầu hóa, về thế giới phẳng tương tự như sự hăm hở chúng ta đang chứng kiến chung quanh khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như mặt trái của toàn cầu hóa đã được xác định rõ, mặt trái của công nghiệp 4.0 lại chưa được nhắc đến hoặc bị chìm lấp trong sự hứng khởi mà khái niệm này đem lại.

Kinh tế toàn cầu chỉ còn lại vài tay chơi khổng lồ

Mặt trái đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp, dù thứ ba hay thứ tư, chính là sự thống trị của một số doanh nghiệp, làm bóp nghẹt tinh thần cạnh tranh, chặn đường tham gia thị trường của các doanh nghiệp khác.

Hiện chúng ta đang lệ thuộc vào Google khi tìm kiếm thông tin, vào Facebook khi tạo dựng các mối quan hệ xã hội ảo, vào Spotify hay Apple Music khi nghe nhạc trực tuyến… Trước đây hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp cạnh tranh để bán hàng cho chúng ta nhưng nay khi nghĩ đến mua hàng trực tuyến chỉ còn lại một số rất ít như Amazon (hay tại Việt Nam, chỉ vài ba tên tuổi như Lazada, Tiki hay Shopee, Sendo). Các khách sạn, muốn bán được phòng cho bên ngoài, ắt phải dựa vào một số dịch vụ đặt phòng trực tuyến và chịu phụ thuộc vào họ như Agoda hay Booking.com.

Thử tưởng tượng chúng ta không khoái cách ứng xử của Facebook, rất muốn ủng hộ một mạng xã hội khác nhưng con đường để một doanh nghiệp nào đó vươn lên xây dựng một hệ sinh thái như Facebook là cực kỳ khó khăn. Chúng ta đã có trải nghiệm trong việc này: khi Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á nhường sân chơi lại cho Grab, cứ tưởng viết một chương trình ứng dụng đặt xe rồi kêu gọi lái xe tham gia là chuyện dễ làm nhưng chưa có doanh nghiệp nào trong nước vươn lên kịp thời để thế chỗ Uber.

Cái cách nguồn vốn khởi nghiệp, vốn mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp như Uber hay Grab làm các nơi khởi nghiệp khác khó lòng cạnh tranh. Họ rót vào một số doanh nghiệp những khoản tiền khổng lồ để định hình một dịch vụ mới với kỳ vọng thu được lợi nhuận trong tương lai còn trước mắt là để khỏi tụt hậu trong thời công nghiệp 4.0. Uber hay Grab hay cả GoViet không để tâm đến thu chi sao cho nhanh chóng huề vốn và có lãi. Mục đích của họ chỉ là tăng trưởng nhanh chóng để đem lại giá trị cho phần vốn đầu tư của giới tài chính thì làm sao những doanh nghiệp bình thường với kế hoạch lời lỗ cụ thể cạnh tranh lại nổi.

Tài chính ăn hết

Bạn có biết Jeff Bezos, người sáng lập và hiện là chủ tịch Amazon, năm 2017 chỉ nhận lương chừng 80.000 đô-la nhưng tài sản của ông ta hiện lên đến 163 tỷ đô-la và tài sản này cứ gia tăng từng phút từng giây. So với mức lương trung bình của nhân viên Amazon là 28.000 đô-la/năm thì cứ 10 giây gia sản của ông ta tăng còn hơn mức đó.

Trong nền kinh tế số, tài sản của những người giàu nhất hành tinh ngày càng phình to ra. Trước đây Oxfam nghiên cứu tính toán thấy 1% người giàu nhất thế giới có tài sản nhiều hơn 99% dân số còn lại nhưng đó là vào năm 2015. Giờ chỉ cần 9 người giàu nhất cũng đã có gia sản bằng một nửa số dân của cả hành tinh, tức 4 tỷ người.

Trước đây một người muốn lọt vào danh sách 100 người giàu nhất cần phải tích lũy sản nghiệp qua nhiều thế hệ. Nay Mark Zucerberg, tay sáng lập Facebook, chỉ cần chừng hơn 10 năm để trở thành người giàu thứ 5 toàn thế giới, với tài sản khoảng 71 tỷ đô-la. Các thanh niên khởi nghiệp ngủ một đêm thức dậy trở thành tỷ phú là chuyện không còn hiếm hoi nữa.

Nếu chọn cách nói ngắn gọn nhất, có thể nói cách mạng công nghiệp 4.0 thay con người bằng máy móc, từ sử dụng trí tuệ nhân tạo đến tự động hóa các dây chuyền sản xuất, từ xe tự lái đến vạn vật kết nối, máy móc sẽ đảm nhận nhiều công việc trước đây do con người thực hiện. Như vậy lợi nhuận của nền kinh tế không còn phải chi một phần khá lớn cho lao động nữa mà dồn về cho vốn.

Nói cách khác, toàn cầu hóa là cách giới doanh nghiệp tìm nguồn lao động rẻ nhất để tiết kiệm chi phí; chuyển nhà máy từ Mỹ qua Trung Quốc có thể làm dân lao động Mỹ mất việc làm, lao động Trung Quốc thêm việc làm nhưng phải nhận đồng lương ít hơn, phần chênh lệch rơi vào túi dân tài chính. Nay công nghiệp 4.0 không cần tìm nơi lao động rẻ nhất nữa, giới chủ chỉ cần đầu tư vào máy móc, khấu hao dần và một lần nữa tài chính lại hưởng phần chênh lệch.

Người lao động bị vắt kiệt

Trước đây công nhân còn có sức mạnh thương lượng thông qua số đông và tổ chức kiểu như công đoàn. Nay nền kinh tế số dẫn tới những nghề tự do, tham gia vào thị trường lao động bằng mối liên kết lỏng lẻo hơn nhiều. Vì tham gia với tư cách cá nhân nên người lao động đánh mất sức mạnh thương lượng. Đó là tình cảnh của những công nhân trong nền kinh tế chia sẻ mà có thể là hình thức lao động chủ yếu trong công nghiệp 4.0. Uber rút ra khỏi Đông Nam Á hé lộ cho thấy số phận của những người lái xe trước đó được Uber o bế và khi không cần nữa, đã bị gạt ra rìa như thế nào.

Hãy lấy một ví dụ khác, Google Translate và nhiều ứng dụng dịch thuật khác, dù chưa hoàn chỉnh nhưng đã có những bước tiến đột phá. Người ta có thể dùng Google Translate để dịch nháp một văn bản nhanh như chớp, xong rồi bỏ công ra chỉnh sửa cho khớp với văn bản gốc, viết lại câu cú cho trôi chảy – nói chung là người dịch đã có thể trông cậy vào tiến bộ công nghệ để tăng năng suất lên nhiều lần. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp việc liên lạc khắp thế giới thuận tiện như ngồi cùng tòa nhà; số lượng người dịch ở các nước đang phát triển gia tăng nhanh chóng. Thị trường dịch thuật bị xáo động khi nguồn cung về người dịch tăng vọt, giá cả bị cạnh tranh đẩy xuống mức thấp chưa từng có. Người dịch phải bỏ công sức gấp nhiều lần so với trước mà chưa chắc đã có thu nhập bằng như cũ vì miếng bánh phải chia cho gấp mấy lần so với trước.

Mặt khác, hàng triệu người trước đây kinh doanh nhỏ lẻ nhưng bị đẩy vào tình cảnh phá sản vì các mô hình mới như Amazon phải trở thành công nhân cho bộ máy đó, thu nhập thấp hơn, làm việc quần quật hơn. Cũng đã có những cảnh báo về việc công nghiệp 4.0 hay tự động hóa sẽ lấy đi nhiều công ăn việc làm nhưng dường như chưa ai hoảng hốt vì các cảnh báo này. Hàng triệu công nhân may mặc sẽ thất nghiệp không ngăn được doanh nghiệp đầu tư vào robot biết cắt may quần áo vì lúc đó biết đâu biên lợi nhuận của họ sẽ tăng cao hơn bây giờ. Người làm chính sách vẫn say sưa với viễn cảnh hàng may mặc chất lượng đều tăm tắp vẫn sẽ được xuất đi các nước vì chưa nghĩ đến hậu quả nặng nề mà hàng triệu công nhân mất việc kia sẽ đè nặng lên xã hội.

Cứ hình dung như thế này sẽ thấy: Năm 1990 ba công ty lớn nhất Detroit có tổng doanh thu 250 tỷ đô-la, thuê mướn 1,2 triệu công nhân; năm 2014, ba công ty lớn nhất Silicon Valley có doanh thu gần tương đương là 247 tỷ đô-la nhưng chỉ tuyển dụng có 137.000 nhân viên. Tiền thu được thay vì trả lương cho công nhân nay được rót cho tư bản tài chính.

Phá vỡ nhiều cơ cấu xã hội

Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi tận gốc rễ ở nhiều ngành nghề, nhiều lãnh vực. Chỉ cần nhìn vào ngành báo chí sẽ thấy chưa chắc thay đổi như thế là điều tốt đẹp cho xã hội. Trước đây báo chí tồn tại là nhờ quảng cáo và miếng bánh quảng cáo ngày xưa chỉ chia cho các mảng rất rõ như báo in, radio, truyền hình, quảng cáo ngoài trời, cùng lắm là quảng cáo di động in trên thân xe. Nay miếng bánh quảng cáo chia phần lớn cho các mạng đang chiếm hết thời gian của người xem như Facebook, YouTube, Google… Trên không gian của các gã khổng lồ đó, rất nhiều tay chơi mới xuất hiện giành thêm một số khách hàng trước đây của báo chí nữa. Vì thế báo chí suy yếu, co cụm và thu nhỏ lại là điều không thể tránh khỏi.

Ngày nay ai cũng có thể trở thành một nguồn giải trí và nhờ đó được trả công bằng tiền quảng cáo. Còn báo chí với chức năng cung cấp thông tin đã trở thành thứ yếu, không cạnh tranh nổi với các nguồn giải trí kia.

Thế nhưng xã hội thiếu vắng báo chí sẽ bị lấp đầy bởi tin đồn, tin vịt, tin giả… Cơ chế kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải của báo chí bị bỏ qua trên các kênh thông tin khác. Con người, hàng ngày bị phơi nhiễm các nguồn thông tin không chính thống chắc chắc sẽ bị tác động để cuối cùng trở thành người để cảm xúc chi phối thay vì tin vào dữ kiện khách quan do báo chí đem lại. Thay thế các định chế lâu đời như báo chí bằng Facebook hay Twitter thì liệu có đáng đánh đổi không?

Nhìn tổng quát, bài toán của nền kinh tế khi bước vào một giai đoạn mới là rất rõ ràng: sẽ có nhiều người hưởng lợi nhiều nhất và cũng sẽ có nhiều người khác chịu thiệt hại nhiều nhất do những thay đổi mà cuộc cách mạng này đem lại. Hăm hở với khái niệm 4.0 một cách chung chung là một sự hăm hở đầy rủi ro. Ngó lơ đi nơi khác cũng đưa xã hội vào tình thế bế quan tỏa cảng ngày xưa. Cả hai thái độ đều có thể dẫn đến sai lầm. Chỉ có hiểu rõ những mặt trái của công nghiệp 4.0 trong khi tiếp nhận nó, sử dụng nó ở mức độ tốt nhất cho xã hội bằng cách lường trước những tác hại có thể xảy ra mới mở ra những giải pháp khả thi.




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...