Chuyển đi rồi
lại chuyển về
Nếu xem cốt truyện các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng
là một chỉ dấu cho tương lai thật thì có lẽ nền sản xuất kiểu mới chỉ dựa vào
công nghệ in 3D sẽ đến trong một ngày không xa. Khá nhiều cuốn khoa học viễn tưởng
đặt bối cảnh trong tương lai gần đã miêu tả cặn kẽ chuyện in 3D để làm ra hầu hết
mọi thứ nhân loại cần, từ tàu vũ trụ đến máy móc, từ cây kim sợi chỉ cho đến cả
thế hệ máy in 3D đời sau!
Trong thực tế nền thương mại toàn cầu trong mấy chục năm trở
lại đây dựa vào một nguyên lý: các nước chỉ làm ra những sản phẩm họ có lợi thế
so sánh nhất, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán khắp thế giới;
còn lại những sản phẩm họ không có lợi thế thì sẽ đi mua về dùng. Nay nền sản
xuất của thế giới trải qua những thay đổi lớn, dù chưa đến mức dùng toàn máy in
3D, ắt thương mại toàn cầu sẽ thay đổi theo.
Lợi thế so sánh trước nay thường dựa vào các yếu tố như nhân
công rẻ, nguyên liệu dồi dào; cộng thêm các yếu tố mang tính can thiệp như hàng
rào thuế quan, chính sách bảo hộ để từ đó hình thành nên các công trường sản xuất
hàng hóa cho cả thế giới mà Trung Quốc là một điển hình. Nhìn ở góc độ lợi ích
quốc gia và lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia thì sự “phân công lao động” kiểu
đó, nơi có nước chuyên lắp ráp hàng hóa, đạp máy may làm ra áo quần, tiện ốc,
đúc thép… có nước chuyên lo thiết kế, nghĩ ra mẫu mã mới rồi tiếp thị, bán hàng,
là tận dụng được hết mức năng lực của mọi người trong dây chuyền sản xuất toàn
cầu.
Nói vậy, không lẽ những thành viên trong nội các chính phủ Mỹ,
kể cả Tổng thống Donald Trump không hiểu rõ, rằng cố duy trì một hai nhà máy lắp
ráp máy lạnh, máy giặt ở lại nước Mỹ để duy trì việc làm cho một số người dân chẳng
đem lại lợi ích gì to lớn cho nước Mỹ. Không lẽ họ không biết Appletổ chức sản
xuất, lắp ráp iPhone ở Trung Quốc là có lợi nhất vì nhờ đó Apple đang hưởng phần
bánh lớn nhất khi tính lợi nhuận từ chiếc iPhone đem về.
Thế nhưng nhìn từ góc độ từng cá nhân tham gia vào chuỗi
toàn cầu hóa đó, sự “phân công lao động” như thế tước đi của họ quyền mưu sinh
theo đúng khả năng của họ. Nhiều dân Mỹ chỉ thích làm cho nhà máy sản xuất
thép; họ đâu muốn “vươn lên” ngồi làm việc bàn giấy,tìm thị trường mới cho ngành
thép đâu. Chính vì góc nhìntheo số phận cá nhân này mà nền sản xuất hậu toàn cầu
hóa đang có những thay đổilớn.
Một chuyện khác: máy in 3D thì chưa phổ biến như kiểu trong các
cuốn khoa học viễn tưởng nhưng sử dụng robot trong sản xuất đã khá phổ biến. Chẳng
mấy chốc, yếu tố nhân công giá rẻ không còn là ưu tư lớn nhất khi doanh nghiệp
cân nhắc vị trí địa lý để đặt nhà máy nữa rồi. Yếu tố chi phí nhân công không
quan trọng nhưng lại trở thành vũ khí hữu hiệu để thu phục nhân tâm nên trong
thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lô-gích tương tự lô-gích “nước
Mỹ trước hết” của Donald Trump.
Còn nhớ cách đây chừng chục năm, một từ thời thượng lúc đó
là offshore thì nay từ này đã được thay thế bởi từ reshoring mang nghĩa trái
ngược, miêu tả nỗ lực của nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất về lại cố quốc.
Các trường hợp thành công được báo chí tô đậm, từ loại doanh nghiệp vừa như ET
Water Systems đến doanh nghiệp lớn như General Electric, đã quyết định chuyển
các dây chuyền sản xuất máy giặt, máy lạnh, máy sưởi từ Trung Quốc về lại
Kentucky, Mỹ.
Bỗng nhiên người ta nhận ra, thương mại thế giới quanh các sản
phẩm hữu hình không còn quan trọng như ngày trước. Từ đó ưu tiên trong đàm phán
tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển: từ mua bán hàng hóa vật chất chuyển
sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới.
Thử nhìn các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, họ đang chào bán
những gì? Đó là các loại công nghệ như với Facebook là công nghệ kết nối con
người, Google là hàng loạt công nghệ nền tảng cho hoạt động của Internet, Microsoft
là công nghệ phần mềm, Amazon là công nghệ lưu trữ trên mây… Trong phim ảnh thì
có Netflix, trong âm nhạc trực tuyến có Apple Music… Loại hàng hóa này được
cung cấp vô hình xuyên qua biên giới, nơi các rào cản về thuế chưa chín muồi,
nhiều nước chưa biết ứng xử như thế nào cho phù hợp.
Lấy ví dụ trong một tương lai gần, Amazon từ Mỹ hay Alibaba
từ Trung Quốc có thể chào mời một nền tảng hạ tầng bán lẻ mà các nhà bán lẻ
trong nước khó lòng từ chối. Thử hình dung theo kiểu các doanh nghiệp này xây sẵn
các ngôi chợ trực tuyến khổng lồ, các sạp hàng đầy đủ tiện ích, từ quảng bá, có
sẵn khách mua đến phương tiện thanh toán dễ dàng tiện dụng, ai dám từ chối tham
gia. Vì từ chối để tự mình xây chợ hay sạp tương tự thì khó lòng thành công. Vậy
Amazon hay Alibaba không tốn nhân lực qua tận đây, không cần biết đến thủ tục
xuất nhập khẩu, không cần sự hiện diện tại chỗ, vẫn tiến hành giao thương quốc
tế thành công. Và đó là diện mạo của thương mại toàn cầu trong tương lai.
Thật ra hiện naychúng ta đã tham gia “nhiệt tình” từ sáng đến
tối vào cuộc toàn cầu hóa kiểu mới này rồi, như xài Gmail của Google,nhắn tin bằng
Viber,kết nối bằng Facebook để “tám chuyện” khắp nơi, nghe nhạc của Spotify,
xem phim của Netflix, gọi điện kiểu video với Facetime, học tiếng Anh qua
Duolingo… Tương tác kiểu đó với các dịch vụ do doanh nghiệp tận đâu đâu cung cấp
nền tảng chiếm khá nhiều thời gian và công sức của chúng ta, còn hơn cả hình
dung của bất kỳ nhà đàm phán nào từng đàm phán chuyện gia nhập WTO cách đây 10
năm!
Từ đó mới thấy ưu tiên cho chính sách thương mại tự do nay
đã khác trước. Sẽ không còn quan trọng chuyện cắt giảm thuếthay vào đó là các
hàng rào kỹ thuật mới, liên quan đến công nghệ số, đến chủ quyền số và thông
tin người dùng. Sẽ không trông đợi gì nhiều việc kèm đầu tư nước ngoài FDI vào
gói đàm phán vì các yếu tố thu hút đầu tư đã khác trước, không còn chỉ dựa vào công
nhân hay thuế. Sở hữu trí tuệ, nền tảng của các công nghệ chào bán, sẽ chiếm phần
quan trọng và sẽ được bảo vệ nghiêm nhặt hơn bao giờ hết.
Lấy ví dụ Trung Quốc, với tầm nhìn 10 năm tới, mong muốn đóng
vai trò quan trọng trong công nghệ sản xuất ô tô chạy điện, đã đàm phán, thúc dục,
ép buộc, thuyết phục, nói chung là bằng mọi cách, lôi kéo sự tham gia của các
hãng ô tô lớn trên thế giới vào quá trình này. Họ cũng làm vậy với các ngành
khác như sản xuất rô-bốt, chip điện thoại thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo
trong một kế hoạch gọi là “Made in China – 2025”. Đó là họ đang chuẩn bị cho một
tương lai khi Trung Quốc không còn đóng vai trò công trường sản xuất hàng hóa
tiêu dùng bình thường cho thế giới nữa.
Hiện nay giao thương quốc tế của Việt Nam đang nằm trong tay
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì họ chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.
Đáng tiếc họ cũng chỉ mạnh trong loại hàng hóa vật chất chứ không phải loại
hàng hóa vô hình nói ở trên. Điều đáng lo ngại là các thế mạnh làm nên lợi thế
so sánh của Việt Nam đang bị bào mòn, kể cả lợi thế về công nhân. Không sớm thì
muộn chúng ta sẽ chứng kiến sự đảo ngược theo xu hướng reshoring và, khác với công
xưởng Trung Quốc, chúng ta chưa làm gì để tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại.
Chỉ còn lại một thế mạnh có thể khai thác: đó là xem Việt
Nam như một thị trường đáng kể với sức mua ngày càng tăng. Cộng với nông sản,
thủy sản là thứ thế giới dù theo toàn cầu hóa hay theo dân tộc chủ nghĩa vẫn phải
cần dùng, hy vọng Việt Nam nhanh chóng tìm được cách mặc
cả để vẫn có thể tham gia vòng toàn cầu hóa mới mà không quá thua thiệt.