Monday, October 30, 2017

Ép người quá đáng

Đừng ép xe gắn máy quá đáng

Tranh cãi quanh việc cấm hay không thể cấm xe gắn máy ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM có thể kéo dài cả chục năm nữa vẫn chưa ngã ngũ vì một bên nhìn vào cái đích lý tưởng phải hướng đến và một bên dựa vào thực tế rất đặc biệt của Việt Nam để lập luận.

Tranh cãi thì cứ việc tranh cãi. Thế nhưng tại sao không đồng thời tìm một giải pháp khả dĩ để cải thiện tình hình giao thông dựa trên thực tế đường phố vì ít nhất vài chục năm nữa chúng ta vẫn phải sống với cái thực tế này.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải TPHCM, tính đến nửa đầu năm 2017, tại thành phố hiện có hơn 640.000 xe hơi và hơn 7,3 triệu xe gắn máy, tức cứ hơn 10 xe gắn máy mới có chưa đầy 1 xe hơi. Thế mà cách ngành giao thông ứng xử với xe gắn máy cứ như thể thành phố này toàn là xe hơi, xe gắn máy chỉ lèo tèo dăm chiếc! Phải chăng cách ứng xử này, cách quản lý này là do sao chép các mô hình ở nước ngoài, nơi xe hơi chiếm đại đa số, xe gắn máy thật sự lèo tèo? Hay phải chăng đó là tư duy của những người suốt ngày ngồi trên ô tô rồi về bàn giấy vạch chiến lược quản lý? Dù vì lý do gì chăng nữa, cách quản lý trái cựa như thế là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc hay làm cho tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng.

Cứ thử đi trên các con đường nội thành như đường Pasteur, đoạn hay nghẽn cứng sau khi giao nhau với đường Lê Lợi, đường đã nhỏ, người ta lại vẽ vạch phân làn đường thật lớn cho ô tô, còn phần giành riêng cho xe gắn máy nhỏ xíu. Đã vậy đoạn này không có biển phân chia làn đường cho từng loại xe. Thế là ai chạy xe hơi còn chút lương tâm đành chịu nhích dần trên làn bên trái hay làn giữa. Những tay tài xế lái taxi thì bất cần chạy vô luôn làn trong cùng bên phải. Thử hỏi con đường Pasteur nhỏ xíu như thế mà ba chiếc ô tô dàn hàng ngang lừ lừ tiến, xe gắn máy biết chạy đường nào?

Ước gì quan chức ngành giao thông hôm nào đó ngồi xe gắn máy bị xe buýt, xe bán tải, hay xe taxi, xe Uber, xe Grab ép hết đường nhúc nhích mặc dù đã đi sát lề đường bên phải, họ sẽ hiểu không cần ai cấm, nếu có điều kiện ắt mọi người chạy xe gắn máy sẽ bỏ xe ở nhà cho bớt nỗi vất vả.

Vậy cách giải quyết là gì? Ngành giao thông phải dựng ngay bảng phân làn, xe hơi làn bên trái, xe gắn máy làn bên phải và làn giữa là làn hỗn hợp. Dựng xong phối hợp với với cảnh sát giao thông phạt thật nặng tay tài xế xe hơi nào lấn vào làn trong cùng. Người chạy xe gắn máy cũng phải biết cách phản ứng, không cho xe hơi nào chạy ẩu được di chuyển. Cái này đã có thực tế chứng minh sự hữu hiệu, đoạn đường trước khi lên cầu Kênh tẻ hướng về quận 1 phân làn không cho hai xe ô tô chạy song song lấn làn xe gắn máy hay đoạn Tôn Đức Thắng xoay vòng trước khi vào giao lộ với đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng vậy – phạt nhiều, phạt nghiêm, cảnh ùn tắc ở hai đoạn này đã giảm hẳn.

Nhìn rộng ra cả thành phố, xin các quan chức ngành giao thông hãy đi rà soát lại, với một góc nhìn mới mẻ, rằng ở thành phố này hơn 10 xe gắn máy mới có một ô tô, để vẽ lại vạch phân làn, đừng ép xe gắn máy quá đáng, giành đường cho họ đi, ắt giao thông sẽ thông suốt hơn, xe gắn máy cũng sẽ ít tạt đầu ô tô hơn. Ở làn đường hỗn hợp, xe gắn máy phải được đối xử như xe hơi – tay lái xe hơi nào chạy sau xe gắn máy mà cứ bóp còi inh ỏi đòi nhường đường, chúng ta hãy phản ứng.

Một việc khác có thể làm ngay để cải thiện tình hình giao thông là tráng nhựa mặt đường cho ra đường. Cứ nhìn vào đường Hai Bà Trưng, những dấu tích đào bới, xẻ đường từ cả chục năm về trước lúc trên mặt đường lù lù các lô cốt rào chắn. Dự án thoát nước đã làm xong, lô cốt được dỡ bỏ nhưng mặt đường chỉ được vá víu, chằng chịt một cách thảm hại. Cộng với những lần xẻ đường quy mô nhỏ hơn để lắp đặt đường ống nước hay ngầm hóa cáp điện, nay mặt đường rỗ chằng rỗ chịt, chạy xe luôn bị mấp mô như cỡi thuyền lướt sóng. Có lẽ nhà quản lý, một lần nữa ngồi xe hơi đằm chắc nên không cảm thấy, xe hơi lại chạy ở giữa đường nơi ít bị đào bới nhất nên có thể vẫn êm ái cho người ngồi.

Cứ thử tưởng tượng một con đường đông đúc như Hai Bà Trưng được tráng nhựa phẳng lỳ, xe chạy êm ru thì tình hình giao thông sẽ được cải thiện thấy rõ. Không còn cảnh xe loạng choạng, xiên xẹo để tránh cái đường lằn của những lần lấp vội đường khác nhau. Không còn cảnh nước mưa đọng lại văng tung tóe buộc người lái xe phải chuyển hướng để tránh.

Toàn là những chuyện dễ làm và không cần tranh cãi!







Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...