Tuesday, October 10, 2017

Khi người dân không được “chia sẻ”

Khi người dân không được “chia sẻ”

Thử hình dung một tình huống rất có thể xảy ra. Với một thành phố lớn, đông dân như TPHCM, hầu như mọi con đường đều có một vài điểm sửa xe nhỏ, ở đó với bộ đồ nghề đơn giản, một máy bơm cũ, một người thợ tay nghề vừa phải đã có thể mưu sinh khi thỉnh thoảng bơm vá lốp hay chùi bugi cho khách vãng lai. Ngày xưa khi xe dễ hỏng hóc hơn, có thể có nhiều điểm sửa xe hơn nhưng quy luật cung cầu điều chỉnh sự hiện diện của những người thợ vỉa hè này ở từng góc phố.

Tình huống rất có thể xảy ra là như thế này: một ngày đẹp trời nào đó, một người đam mê khởi nghiệp (mà nói theo từ thời thượng hiện nay là start-up) bèn nghĩ ra một ứng dụng (app). Người dùng tải về và khi cần bấm bấm vài cái, ngay lập tức thông tin cần vá xe đang xẹp lốp được tung lên không gian ảo, mạng lưới thợ sửa xe lưu động đã đăng ký tham gia trước đó được cảnh báo và ai ở gần nhà người có xe xẹp lốp nhất bấm nút nhận lời đến vá ngay tại nhà. 

Thử hình dung một app như thế ắt sẽ ăn khách: xe đề không nổ, xe cần thay nhớt, xe gãy gương chiếu hậu… cần bất kỳ dịch vụ gì, người dùng nhanh chóng được phục vụ, giá rẻ hơn ra tiệm, thậm chí rẻ hơn điểm sửa xe góc phố. Không còn lo bị chặt chém vì khách có quyền nhận xét đánh giá chất lượng phục vụ; không còn lo bị đổi phụ tùng vì mọi thông tin đều lưu trên mây, tiện kiện cáo khi có sự cố…

Ngày trước, với một hình dung như thế, nhiều người đã phấn kích không tiếc lời khen ngợi cho những ứng dụng thực tiễn của một nền kinh tế chia sẻ, đem đến biết bao lợi ích. Nhưng cứ nghĩ xa thêm một chút nữa, coi thử rốt cuộc cách sắp xếp lại nguồn lực của xã hội theo kiểu “Uber hóa” như thế có thật sự lợi chăng?

Mấu chốt của nền kinh tế chia sẻ nằm ở hai chữ “chia sẻ”. Trước đây người viết ủng hộ mô hình Uber vì cứ nghĩ mô hình này sẽ giúp tận dụng nguồn lực tạm thời nhàn rỗi để tăng thêm lợi ích cho cộng đồng. Một người có xe hơi trùm mền ít chạy, lại có vài giờ rảnh vào buổi chiều tối, có thể kiếm thêm thu nhập khi đăng ký tham gia mạng lưới xe Uber. Một người khác thường đi làm từ nhà ở đầu này thành phố đến chỗ làm ở cuối thành phố, tận dụng app Uber hay Grab để có thể chở thêm người khác đi cùng lộ trình, cùng thời gian. Thế mới gọi là kinh tế chia sẻ.

Còn như hiện nay, có những trường hợp vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Uber, Grab, phải cày suốt mười mấy tiếng mỗi ngày mới hy vọng có đủ thu nhập trả lãi ngân hàng, duy trì một mức sống tối thiểu thì có đáng là một mô hình tốt chăng? Có những ông chủ bỏ tiền mua cỡ chục chiếc xe để cho thuê chạy Uber, với họ mô hình Uber là mô hình kiếm tiền tốt nhưng tài xế lái xe thuê của họ thì sao? Cung cầu thị trường thường ở mức cân bằng, sự ra đời xe Uber hay Grab rẻ hơn taxi truyền thống có thể làm tăng cầu một chút nhưng không đủ để cân bằng lại mức cung tăng đột biến như hiện nay. Trong hoàn cảnh đó, giá ắt sẽ phải giảm, phần thiệt thòi rơi vào tài xế taxi truyền thống thì đã rõ nhưng thực tế các tài xế Uber, Grab cũng gánh phần thiệt thòi này khi lao động vất vả hơn nhiều cho một khoản thu nhập không tương xứng.

Cái lợi về giá, về chất lượng phục vụ được nâng lêndĩ nhiên có phần dành cho người tiêu dùng nên sự ủng hộ mô hình mới này của họ là điều đương nhiên. Nhưng một phần cái lợi về giá này gom góp lại để tạo nên một giá trị thị trường lên đến 70 tỷ đô-la cho một công ty không có tài sản gì đáng kể thì thật là vô lý. Thật ra Uber đang lỗ - họ vẫn cứ đang tung ra các cuốc xe miễn phí cho mọi người, miễn sao càng nhiều người sử dụng Uber càng tốt, đó là cái làm nên giá trị thị trường của những công ty start-up kiểu này.

Sự xung đột giữa Uber và các hãng taxi truyền thống không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó có hầu như ở mọi thị trường Uber hiện diện, thậm chí còn gay gắt hơn nhiều vì ở nhiều nơi, giấy phép sở hữu một biển số xe taxi từng lên đến cả triệu đô-la như ở New York. Phải nói thẳng, ít ai ủng hộ các hãng taxi già cỗi, xe thì dơ, tài xế thì bất lịch sự, có dịp là chặt chém. Nhưng chính cái dư luận ban đầu ấy đẩy cuộc cạnh tranh này vào thế bất lợi một cách không sòng phẳng cho phía taxi truyền thống. Ở nhiều thị trường Uber chơi không đẹp, chuyên phớt lờ các quy định mà taxi truyền thống phải tuân thủ.

Quay lại tình huống giả định nêu ở đầu bài, giả thử việc “Uber hóa” dịch vụ sửa xe lưu động thành công rồi sao nữa? Có thể người tiêu dùng thoải mái hơn một chút; một vài nhà sáng lập cái start-up này trở thành triệu phú, không phải bằng tiền cắc gom từ thợ sửa xe mà từ tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào. Nhưng chắc chắn cuộc sống của hàng ngàn thợ sửa xe ở góc phố sẽ bị đảo lộn. Nhiều người mất việc, cuộc sống bị đẩy xuống thấp một chút nữa; nhiều người khác phải vay tiền để nâng cấp dịch vụ thì mới tham gia được mạng lưới thuộc “nền kinh tế số”. Thu nhập của họ giảm sút để bù cho lợi nhuận tăng lên của giới ngân hàng… Tất cả những cái này đã có ai đặt lên bàn cân để xem có đáng không, có đáng để đánh đổi không?

Nhìn rộng ra, ví dụ mô hình của Amazon chẳng hạn, có đáng là nơi lãnh ấn tiên phong của một cuộc cách mạng công nghệ mệnh danh 4.0?

Người tiêu dùng được lợi một chút khi mua hàng mà không cần tốt công sức ra cửa hàng, giá có thể rẻ hơn, hàng giao đến tận cửa. Đổi lại, hàng triệu cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ vì thế mà biến mất. Chủ nhân các cửa hàng này có thể phải vào làm cho các trung tâm giao nhận của Amazon, đồng lương thấp hơn, hàng ngày phải đi cả chục cây số để sắp xếp hàng theo lệnh của máy tính. Công việc của họ rồi cũng sẽ mất đi vào tay các con rô-bốt không cần lương, không cần giờ nghỉ. Người tiêu dùng cũng dần dần rơi vào vòng kiểm soát của các nhà bán hàng bởi nhất cử nhất động của họ trên không gian mạng đều bị máy móc theo dõi để điều chỉnh hành vi mua sắm của họ.

Bây giờ thì chưa nhưng đã manh nha xu hướng tự động hóa các khâu sản xuất trước đây giao cho lao động giản đơn như cắt may, da giày. Thử tưởng tượng xã hội sẽ biến động như thế nào nếu hàng triệu lao động trong ngành may mặc mất việc vì rô-bốt? Đừng nói theo lý thuyết là họ sẽ phải hay sẽ được nâng lên một nấc trên các bực thang tạo ra giá trị theo kiểu không may nữa thì đi làm thiết kế!!! Hàng triệu người Mỹ đã không bước lên bực thang mới như thế đã bỏ phiếu cho Donald Trump và quay lưng lại với toàn cầu hóa. Khi người dân không được “chia sẻ” miếng bánh tăng trưởng thì cũng đừng hòng có một nền kinh tế chia sẻ đúng nghĩa.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...